Đối lập ở Venezuela bắt đầu xuống đường biểu tình
(Dân trí) - Ngày 24/1, hàng nghìn người Venezuela đã xuống đường theo lời kêu gọi trước đó của phe đối lập nhằm phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đang diễn ra và yêu cầu Tổng thống Nicolas Maduro từ chức.
Cuộc biểu tình diễn ra theo lời kêu gọi của thủ lĩnh phe đối lập, cựu ứng cử viên Tổng thống Henrique Capriles thuộc Liên minh Mesa de la Unidad Democratica.
Các nhà tổ chức biểu tình muốn những người ủng hộ họ bày tỏ sự phản đối chính phủ thông qua các hoạt động trên đường phố cũng như lá phiếu sẽ được bỏ trong cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Với phe đối lập, việc kiểm soát được cơ quan lập pháp sẽ là một thắng lợi chính trị quan trọng và đảm bảo cho họ kiểm soát tốt hơn một số vấn đề nhất định trong chính sách đối nội của chính phủ.
Do đó, thời điểm biểu tình đã được phe đối lập tính toán rất kỹ để đảm bảo kích động tối đa sự bất mãn trong dân chúng, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Maduro đang gặp rất nhiều khó khăn lớn cả về kinh tế và xã hội.
Hiện Venezuela đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng do âm mưu tiến hành “chiến tranh kinh tế” của các thế lực thù địch, cũng như tình trạng giá dầu giảm mạnh.
Về kinh tế, quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát phi mã (lên tới 64%) và thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thực phẩm cũng như hàng tiêu dùng thiết yếu, như sữa, cà phê, đường, thịt, giấy vệ sinh, tã lót, bột ngô…
Ngoài ra, nước này cũng đang thiếu USD để nhập khẩu do giá dầu thô trung bình của Venezuela đã giảm mạnh từ khoảng 100 USD/thùng vào tháng 7/2014 xuống chỉ còn 38 USD/thùng ở thời điểm hiện tại.
Sự sụt giảm giá dầu đã ảnh hưởng mạnh đến nguồn thu ngân sách ở đất nước vốn có đến 95% chi tiêu chính phủ được lấy từ dầu mỏ, đồng thời khiến chính quyền của Tổng thống Maduro phải cắt giảm chi tiêu phúc lợi xã hội.
Trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, Tổng thống Maduro đã có chuyến công du 2 tuần tới Nga, Trung Quốc và một số nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để tìm kiếm các khoản tín dụng mới. Trong thời gian ông công du, phe đối lập và các thế lực thù địch bên ngoài đã tung tin đảo chính và tìm mọi cách gây bất ổn ở Venezuela.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Maduro đã vượt qua âm mưu lật đổ lần này của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, song những khó khăn kinh tế đang đẩy chính phủ đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn, nhất là khi tỷ lệ ủng hộ ông Maduro đã xuống thấp kỷ lục.
Theo kết quả một cuộc thăm dò mới nhất, hiện chỉ còn 22% người dân ủng hộ Tổng thống Maduro và có tới 75% dân số phản đối chính phủ hiện nay.