Đôi điều về căn cứ hải quân của Mỹ trên Vịnh Guantanamo
(Dân trí) - Căn cứ Hải quân Mỹ ở Vịnh Guantanamo là căn cứ quân sự lâu đời nhất của Mỹ ở nước ngoài và là căn cứ duy nhất Mỹ đặt ở một nước xã hội chủ nghĩa.
Một góc Guantanamo năm 1979
Năm 1934, Cuba và Mỹ lại ký một điều ước, cho phép căn cứ quân sự Guantanamo của Mỹ tồn tại vô thời hạn, theo hình thức thuê đất, nếu Cuba muốn thu hồi phần lãnh thổ này của mình thì phải đàm phán với Mỹ.
Theo hiệp định, mỗi năm, phía Mỹ trả cho phía Cuba 2.000 USD tiền thuê đất và nước – tương đương với 4.085 USD ngày nay. Như vậy, tiền thuê cho mỗi ha ở vùng Vịnh tốt nhất đất nước Cuba này là 34,7 xu đôla Mỹ. Vào đầu những năm 1960, nước Cộng hòa Cuba dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Fidel Castro, với chủ trương không chấp nhận những gì xảy ra tại một phần trên lãnh thổ của tổ quốc mình, đã quyết định không tiếp tục nhận số tiền mang tính tượng trưng nêu trên.
Mỹ và Cuba cắt đứt quan hệ ngày 3/1/1961 theo quyết định của Tổng thống Mỹ lúc đó là Dwight Eisenhower, ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống kế nhiệm John F. Kennedy vào ngày 20/1/1961. Căn cứ Guantanamo được chia làm hai phần riêng biệt: Một sân bay và một căn cứ chính. Sứ mệnh chính của Vịnh Guantanamo là phục vụ như một căn cứ hậu cần chiến lược cho Hạm hội Hải quân của Mỹ ở Đại Tây Dương và hỗ trợ các hoạt động chống buôn bán ma túy ở khu vực Caribe.
Dwight Eisenhower, Tổng thống Mỹ dưới thời Mỹ và Cuba cắt đứt quan hệ
Căn cứ Guantanamo, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, đã được Mỹ sử dụng vào mục đích chống Cuba cũng như chống các nước xã hội chủ nghĩa khác. Nhưng thời kỳ sau, hơn 600 nghi phạm từ khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Afghanistan và Pakistan sau khi Mỹ xâm lược Afghanistan, đã được đưa tới nhà tù này giam giữ trong những điều kiện khắc nghiệt mà không hề được xét xử hay tiếp xúc với gia đình.
Nhà tù Guantanamo, nơi Mỹ giam cầm hơn 600 nghi phạm khắp nơi trên thế giới
Nhằm xoa dịu những phản ứng gay gắt của dư luận quốc tế đối với các vụ lính Mỹ ngược đãi tù nhân ở nhà tù Guantanamo, ngày 19/4/2006, lần đầu tiên Lầu Năm Góc đã công bố danh sách tên và quốc tịch của 558 tù nhân bị coi là “phần tử khủng bố” đang bị giam giữ tại đây. Theo danh sách này, các tù nhân nói trên thuộc 41 quốc gia khác nhau, trong đó nhiều nhất là người Arập Xêút với 132 người, tiếp đó là Afghanistan 125, Yemen 107. Phần lớn họ bị bắt tại Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, do bị cáo buộc liên quan đến Al Qaeda bay Taliban. Tuy nhiên, trong số tù nhân này có hơn 60 trẻ em vị thành niên, trong đó có 10 em mới 14-15 tuổi. Những trẻ em này bị giam giữ chung với các tù nhân khác, thường xuyên bị thẩm vấn, thậm chí còn bị tra tấn.
Việc đóng cửa nhà tù Guantanamo là quyết định hành pháp đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama kể từ khi lên nắm quyền. Thực sự đây là quyết định can đảm của vị tổng thống mới, sau tất cả những gì đã diễn ra tại Guantanamo trong suốt nhiều năm dưới chính quyền trước đây. Hồi đầu năm nay, các quan chức Mỹ ngày cho biết nhà tù Guantanamo sẽ bị đóng cửa trước cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama, song "dưới 50" tù nhân vẫn bị giam giữ bởi sẽ không an toàn khi phóng thích hoặc xét xử những nhân vật này. Thông tin trên được công bố sau khi Tổng thống Obama đã lỡ hẹn với thời hạn chót ban đầu trong việc đóng cửa trung tâm giam giữ khét tiếng này.