Độc đáo những đám cưới truyền thống khắp thế giới
(Dân trí) - Mỗi nền văn hóa có một phong tục cưới xin riêng. Ở Pakistan lễ cưới kéo dài suốt ba ngày ba đêm. Còn ở Hàn Quốc, cô dâu phải nhờ đến 2 người giúp cúi chào chú rể, do trang phục cưới quá nặng.
Trong lễ cưới ở Pakistan, cô dâu được gia đình dẫn đến chỗ chú rể để chính thức tháo bỏ mạng che mặt cho cô. Còn gia đình chú rể phải mang khăn choàng hợp với mạng che mặt của cô dâu. Tất cả phụ nữ tham dự đám cưới đều phải mặc áo dài truyền thống, được đính trang sức.
Trong bức ảnh chụp một lễ cưới ở Hàn Quốc này, hai cô phù dâu đang giúp cô dâu. Theo truyền thống, họ hỗ trợ cô dâu cúi đầu chào chú rể trong lần đầu tiên cô dâu và chú rể gặp nhau. Cái cúi chào này không dễ dàng thực hiện một mình được, bởi bộ quần áo cưới truyền thống cô dâu mặc quá nặng.
Một điệu múa quạt trong lễ cưới ở Hàn Quốc. Các vũ nữ dùng quạt để mô tả một đóa hoa sen đang nở rộ. Điệu múa quạt này là một trong những điệu múa truyền thống rất được ưa chuộng ở Hàn Quốc, và thường được trình diễn ở các sự kiện vui. Mặc dù rất nhiều nghi thức đã diễn ra, nhưng cô dâu sẽ không xuất hiện cho đến khi chú rể đến đưa cô ra ngoài chào khách khứa.
Trong lễ cưới truyền thống của người Trung Quốc, cô dâu và chú rể thường trao lời nguyện ước trong một bữa tiệc lớn. Tất cả mọi người đều uống rượu.
Còn tại đám cưới ở Bắc Kinh này, tất cả mọi thứ đều có màu đỏ, từ quần áo tới sân khấu. Đây là màu tượng trưng cho hạnh phúc, sự thịnh vượng và sung túc.
Đám cưới truyền thống ở Mátxcơva, giống đám cưới của người phương Tây, cô dâu mặc váy cưới và mang hoa màu trắng. Sau lễ cưới, cặp uyên ương sẽ tung một đôi chim bồ câu lên bầu trời, tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu của họ.
Quận Marsabit, Kenya: Các chiến binh đang so tài nhảy múa để gây ấn tượng với các “người đẹp” ở một lễ cưới.
Một đám cưới của giới trung lưu ở Jeddah, Ả rập Xê-út. Đàn ông của cả gia đình cô dâu và chú rể gặp nhau để ăn mừng. Chú rể chào khách nam của nhà cô dâu bằng những nụ hôn. Theo luật Hồi giáo, nam giới và phụ nữ tham dự đám cưới ở hai nơi riêng rẽ. Và cũng để giữ đúng truyền thống, cô dâu không được chụp ảnh.
Trong lễ cưới của người Ả rập Xê-út, một thanh niên là họ hàng của chú rể sẽ mang lư hương trong suốt buổi lễ của cánh đàn ông.
Còn tại Indonesia, vũ nữ giữ thăng bằng cho những ngọn nến đang cháy bập bùng trên cánh tay, khi họ lướt qua khắp khán phòng theo điệu nhạc. Điệu nhảy nến này là biểu tượng cho thấy chú rể và cô dâu có thể đạt được khát vọng trong cuộc sống lứa đôi như thế nào.
Nguyên Hạ
Theo ABC