1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điều Tổng thống Ukraine muốn từ NATO đã không xảy ra

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay, Tổng thống Zelensky đã hy vọng liên minh sẽ mở rộng sự ưu ái cho Ukraine tương tự như Thụy Điển và Phần Lan. Điều đó đã không xảy ra.

Điều Tổng thống Ukraine muốn từ NATO đã không xảy ra - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong khi ông Zelensky đứng gần tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm thứ Tư (Ảnh: AFP).

Tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Madrid, NATO đã chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh. Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay ở Vilnius (Litva), Tổng thống Volodymyr Zelensky đã hy vọng NATO sẽ mở rộng sự ưu ái tương tự cho Ukraine. Điều đó đã không xảy ra.

Trong thông cáo cuối cùng được đưa ra vào tối ngày 12/7, NATO tuyên bố rằng "tương lai của Ukraine nằm trong NATO", nhưng không cho biết khi nào tương lai đó có thể bắt đầu.

Trong suốt cuộc xung đột Ukraine, các đồng minh phương Tây đã đau đầu về việc liệu có chấp thuận đề nghị tiếp theo của Kiev hay không: Đầu tiên là pháo binh, sau đó là xe tăng Leopard, tiếp nữa là máy bay chiến đấu F-16, và mới nhất là bom chùm. Mỗi lần như vậy, bất chấp những ý kiến trái chiều, cuối cùng các đề nghị vẫn được một số thành viên NATO coi là hợp lý và thông qua.

Nhưng tư cách thành viên NATO quan trọng hơn nhiều so với khí tài quân sự, và có thể phải mất một thời gian trước khi mong muốn cuối cùng của Kiev được thực hiện. Vì vậy, chính xác thì Tổng thống Ukraine Zelensky muốn gì từ hội nghị thượng đỉnh này? Yêu cầu của ông có thực tế không? Và cuối cùng ông nhận được gì?

Ông Zelensky muốn gì?

Tham vọng của Tổng thống Zelensky rất rõ ràng: Ông sẽ không mong muốn gì khác, ngoài việc Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của NATO.

Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7/2022, các đề nghị của ông ít gây ồn ào hơn. Ông Zelensky chỉ đưa ra nỗ lực để Ukraine nhanh chóng trở thành thành viên liên minh vào tháng 9, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng ông sẽ công nhận 4 khu vực của Ukraine - Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia - là lãnh thổ của Nga.

Ngay sau tuyên bố của ông Putin, Tổng thống Zelensky nói rằng Ukraine đang nộp đơn xin gia nhập NATO "theo một thủ tục cấp tốc", có nghĩa là tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius, lần đầu tiên vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự.

Theo chính sách mở cửa của NATO, bất kỳ quốc gia châu Âu nào cũng được tự do đăng ký, đó là lý do tại sao số lượng thành viên đã tăng từ 12 nước sáng lập lên 31 như hiện nay - sẽ sớm tăng lên 32 khi Thụy Điển gia nhập.

Ông Zelensky đã xuất hiện trước đám đông ủng hộ tại quảng trường Lukiskes ở Vilnius vào ngày 10/7, trên một sân khấu được trang trí bằng màu xanh và vàng của lá cờ Ukraine và một tấm biển lớn ghi "#UkraineNATO33".

Ukraine là thành viên thực tế đầy đủ?

Nhưng trong khi "#UkraineNATO33" có thể đã giành được sự cổ vũ ở thủ đô Litva, viễn cảnh đó lại trở nên "ớn lạnh" hơn đối với các nhà lãnh đạo của chính liên minh.

Hãy làm rõ ý nghĩa của tư cách thành viên NATO. Điều 5 của Hiệp ước quy định nguyên tắc phòng thủ tập thể, có cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên thì đồng nghĩa với việc cuộc tấn công đó nhằm vào tất cả liên minh.

Điều 5 chỉ được viện dẫn một lần trong lịch sử của NATO, sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ. Nếu Ukraine tham gia ngày hôm nay, khi cuộc xung đột đang diễn ra ác liệt, điều khoản sẽ được viện dẫn ngay lập tức, kéo 31 quốc gia vào cuộc chiến với Nga một cách hiển nhiên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Vilnius rằng, tư cách thành viên đầy đủ của Ukraine là phi thực tế. Phát biểu với CNN trong một cuộc phỏng vấn hôm 9/7, ông Biden cho biết không có "sự nhất trí nào trong NATO về việc có nên đưa Ukraine vào gia đình NATO ngay bây giờ, vào thời điểm này, giữa lúc chiến sự đang diễn ra hay không".

"Chúng tôi quyết tâm cam kết bảo vệ từng cm lãnh thổ của NATO. Đó là một cam kết mà tất cả chúng tôi đều đồng lòng. Nếu xung đột đang diễn ra thì tất cả chúng tôi đều tham chiến. Chúng tôi đang có xung đột với Nga, nếu đúng như vậy", ông Biden nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace lặp lại lập trường của Mỹ khi nói rằng, "chúng tôi không thể có một thành viên mới đang đứng giữa một cuộc xung đột. Điều đó sẽ chỉ đưa chiến tranh vào liên minh".

Tuy nhiên, trao đổi với CNN từ Vilnius hôm thứ Hai, Bộ trưởng Wallace nói rằng "bất cứ khi nào cuộc xung đột này kết thúc, chúng ta nên chuẩn bị càng nhanh càng tốt, để đưa Ukraine vào NATO".

Điều Tổng thống Ukraine muốn từ NATO đã không xảy ra - 2

Lãnh đạo các nước G7 đã công bố loạt biện pháp an ninh mới hỗ trợ Ukraine (Ảnh: AP).

Nhiều tháng trước hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Zelensky và Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba, trên thực tế đã thừa nhận rằng, Ukraine không thể trở thành thành viên của liên minh khi đất nước vẫn còn xung đột.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kiev vào tháng 2, ông Zelensky nói rằng "chúng tôi sẽ không trở thành thành viên NATO, trong khi xung đột đang diễn ra. Chẳng phải vì chúng tôi không muốn (điều đó), mà bởi điều đó là không thể".

Bước vào Hội nghị thượng đỉnh lần này, tầm nhìn của ông là đặt ra một lộ trình rõ ràng để gia nhập liên minh mà không gặp trở ngại nào sau khi xung đột kết thúc - và một mốc thời gian rõ ràng về thời điểm Ukraine sẽ được đề nghị trở thành thành viên. Hôm 11/7, ông Zelensky đã đưa ra một tuyên bố công khai, gay gắt chỉ trích NATO khi từ chối đưa ra một mốc thời gian cụ thể.

"Điều này có nghĩa là vẫn còn một cơ hội để mặc cả tư cách thành viên của Ukraine trong NATO, tại các cuộc đàm phán với Nga. Và đối với Moscow, điều này tạo động lực để tiếp tục các hoạt động", ông viết trên Twitter.

Nhưng việc NATO từ chối hoặc không có khả năng đưa ra mốc thời gian là điều dễ hiểu. Trên thực tế, câu trả lời cho câu hỏi "Khi nào Ukraine sẽ gia nhập NATO?" giống "Khi nào Ukraine sẽ chiến thắng trong cuộc xung đột?". NATO đã nói rõ rằng việc trả lời câu trước không thể xảy ra trước câu sau.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là đảm bảo rằng Ukraine sẽ thắng thế, bởi vì trừ khi Ukraine thắng, sẽ không có việc kết nạp thành viên nào được thảo luận cả".

Điều Tổng thống Ukraine muốn từ NATO đã không xảy ra - 3

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ ở Vilnius hôm 11/7 (Ảnh: AP).

Ông Zelensky đã nhận được gì?

Thông cáo cuối cùng của NATO không được phát đi cho đến tận khoảng 18h40 ngày 12/7 ở Vilnius - muộn một cách bất thường đối với tài liệu chung của hội nghị thượng đỉnh.

Điều này phản ánh những bất đồng giữa các thành viên NATO hy vọng nhượng bộ yêu cầu của ông Zelensky về một mốc thời gian rõ ràng và những người thúc giục sự mơ hồ tiếp tục, dẫn đầu là Mỹ và Đức.

Tổng thống Biden đã nói trước đó rằng các thành viên đang thảo luận để "đồng ý về ngôn ngữ" xung quanh tư cách thành viên trong tương lai của Ukraine, những cuộc thảo luận đó mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

"Tương lai của Ukraine là ở NATO," thông cáo viết. "Chúng tôi sẽ mở rộng lời mời Ukraine tham gia liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng".

Tuy nhiên, liên minh đã có một nhượng bộ lớn đối với Ukraine, bằng cách loại bỏ một rào cản quan trọng trong quá trình đăng ký.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên hôm 11/7: "Chúng tôi đã đồng ý loại bỏ yêu cầu đối với Kế hoạch hành động dành cho thành viên. Điều này sẽ rút ngắn lộ trình gia nhập của Ukraine từ quy trình hai bước thành quy trình một bước".

Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP) là một chương trình cải cách kinh tế, quốc phòng và an ninh mà các quốc gia được kết nạp gần đây phải trải qua trước khi gia nhập NATO. Việc loại bỏ quy trình phức tạp và kéo dài này sẽ hợp lý hóa đáng kể quá trình đệ đơn đề nghị tư cách thành viên của Ukraine, sau khi được chính thức mời đăng ký.

Tuy nhiên, việc loại bỏ MAP - vốn bị chỉ trích là lỗi thời và quá nặng nề - không có nghĩa là loại bỏ nhu cầu cải cách. Trong một thông cáo riêng do G7 đưa ra hôm 12/7, các đồng minh tuyên bố rằng tư cách thành viên của Ukraine vẫn sẽ có thể, nếu nước này thực hiện một chương trình cải cách "tập trung vào thực hiện mạnh mẽ các cam kết đối với dân chủ, pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và tự do truyền thông, đồng thời đưa ra định hướng phát triển nền kinh tế trên con đường bền vững".

Tổng Biden thừa nhận rằng liên minh đã không mời Kiev gia nhập NATO trong hội nghị thượng đỉnh vì quốc gia này đang thực hiện "những cải cách cần thiết", nhưng nói rằng "chúng tôi không đợi quá trình đó kết thúc", để tăng cường an ninh của Ukraine và các thành viên G7 muốn cung cấp hỗ trợ "trong khi chờ đợi".

Các nhà lãnh đạo của G7 cũng đưa ra một tuyên bố mới về sự ủng hộ đối với Kiev tại hội nghị thượng đỉnh lần này, nhằm củng cố khả năng quân sự của Ukraine.

Ông Biden nói, "bắt đầu một quá trình mà mỗi quốc gia của chúng ta và bất kỳ quốc gia nào khác muốn tham gia, sẽ đàm phán các cam kết an ninh song phương dài hạn với Ukraine".

Tổng thống Zelensky cảm ơn các nhà lãnh đạo G7 vì cam kết mới. "Phái đoàn Ukraine đang mang về quê hương cam kết an ninh quan trọng, chiến thắng cho Ukraine, cho đất nước chúng tôi, cho người dân của chúng tôi, cho con cháu chúng tôi. Nó mở ra cho chúng tôi những cơ hội đảm bảo an ninh hoàn toàn mới và tôi cảm ơn tất cả những người đã biến nó thành hiện thực", ông nói.

Các đồng minh, riêng rẽ từng nước cũng thông báo các gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine - bao gồm tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow từ Pháp và gói viện trợ trị giá 770 triệu USD từ Đức. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là trở thành thành viên NATO có vẻ như sẽ rời xa ông Zelensky trong một thời gian nữa.

Nhưng tầm quan trọng của thông cáo không nên được đánh giá thấp. Bộ trưởng Wallace đã nhắc nhở các phóng viên hôm thứ Tư rằng, trước hội nghị thượng đỉnh, câu hỏi về tư cách thành viên NATO của Ukraine vẫn là một chữ "nếu". Tuy nhiên, bây giờ, đó là "khi nào".

Theo CNN