1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Điều ông Trump muốn tránh khi gặp ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tuần tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ muốn tránh đi vào "vết xe đổ" của các chính quyền tiền nhiệm khi đề nghị Bình Nhưỡng phải đưa ra cam kết giải trừ hạt nhân.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty)

Không cần chuẩn bị nhiều

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua 7/6 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết, tất cả đã sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tuần tới.

"Tôi nghĩ tôi đã chuẩn bị rất tốt. Theo tôi, không cần phải chuẩn bị nhiều. Quan trọng là thái độ, sự sẵn sàng hoàn thành công việc", ông Trump nói.

Ông Trump nói thêm: "Tôi đã chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh một thời gian dài, bên kia cũng vậy. Vì thế, vấn đề không phải là chuẩn bị mà là liệu mọi người có muốn cuộc gặp diễn ra hay không. Họ (Triều Tiên) phải giải trừ hạt nhân. Chúng tôi không thể dỡ bỏ cấm vận".

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định, ông sẽ sớm biết liệu ông Kim Jong-un có nghiêm túc về kế hoạch giải trừ hạt nhân "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" hay không.

Sai lầm dễ mắc

Đối với ông Kim Jong-un, việc có thể gặp gỡ và chụp ảnh với một tổng thống đương nhiệm Mỹ có thể cho thấy sự ngang hàng và điều này sẽ giúp nâng vị thế của Triều Tiên trên trường quốc tế. Khi đó, chính sách gây sức ép tối đa mà chính quyền Tổng thống Trump dày công xây dựng có thể trở nên vô nghĩa.

Ông Trump vẫn có cách để tránh kịch bản này. Theo đó, ông có thể đề nghị Bình Nhưỡng đưa ra cam kết rõ ràng, chi tiết về quá trình giải trừ hạt nhân trong một tuyên bố chung trước hoặc tại hội nghị giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều. Khi đó, Triều Tiên sẽ buộc phải cam kết giải trừ hạt nhân trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, hay nói cách khác trước tháng 1/2021.

"Nếu chính quyền Tổng thống Trump không thể có được cam kết như vậy, Tổng thống Trump sẽ rút khỏi cuộc họp thậm chí trước khi ống kính truyền thông có thể chụp được một bức hình chung của ông Trump và ông Kim Jong-un, hay thậm chí trước khi ông Trump lên Không Lực Một tới Singapore dự thượng đỉnh”, hãng tin CNBC bình luận.

Lập trường của chính quyền Tổng thống Trump về điều này tuy nhiên lại dường như không hề chắc chắn. Trước khi đặc phái viên Triều Tiên thăm Nhà Trắng trao lá thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chính quyền Mỹ tuyên bố việc Bình Nhưỡng muốn cải thiện quan hệ với Washington phụ thuộc vào việc Triều Tiên cam kết giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp đặc phái viên Triều Tiên Kim Yong-chol, Tổng thống Trump bất ngờ mềm mỏng với Triều Tiên khi nói rằng ông không muốn dùng cụm từ "gây sức ép tối đa" với Triều Tiên và rằng ông sẽ chưa ký kết bất cứ thỏa thuận nào tại hội nghị ngày 12/6.

Giới chuyên gia cảnh báo, sự mềm mỏng này có thể khiến chính quyền của ông Trump lặp lại sai lầm trước đó của Washington khi tìm cách buộc Triều Tiên giải trừ hạt nhân.

Mỹ và các đồng minh sau một thời gian gây sức ép thường có xu hướng đàm phán mềm mỏng - một quá trình mất vài tháng hoặc thậm chí vài năm và trong thời gian đó Triều Tiên tiếp tục chế tạo tên lửa và phát triển hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp thượng đỉnh lần đầu tiên vào ngày 12/6 tới tại đảo Sentosa của Singapore để bàn vấn đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Trump cho biết, nếu hội nghị suôn sẻ, ông có thể sẽ mời ông Kim Jong-un thăm Nhà Trắng và có những cuộc hội đàm tiếp sau.

Minh Phương

Theo SCMP, CNBC