Điều gì thúc đẩy khối BRICS mở rộng sau hơn 2 thập niên?
(Dân trí) - Trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều biến động, một số nước đang tìm cách gia nhập BRICS. 5 quốc gia thành viên của BRICS cũng đang tìm cách phát triển khối này.
Xuất phát từ một cụm từ viết tắt trong bản báo cáo kinh tế ra đời cách đây hơn 20 năm, khối BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã trở thành nhóm quốc gia được kỳ vọng có thể mang lại trật tự thế giới đa cực, cạnh tranh với các định chế do phương Tây dẫn dắt đã tồn tại từ sau Thế chiến II.
Khi hội nghị thượng đỉnh thứ 15 của khối - hội nghị trực tiếp đầu tiên của khối này sau đại dịch Covid-19 - sắp diễn ra trong thời gian 22-24/8 tại Nam Phi, các nhà quan sát ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai BRICS, đặc biệt là về khả năng khối này kết nạp thêm thành viên mới.
Điều gì khiến BRICS nhắc đến triển vọng mở rộng khối lần đầu tiên sau hơn 2 thập niên hoạt động?
Các chuyên gia trả lời phóng viên Dân trí đều cho rằng xung đột Ukraine và phản ứng của các bên liên quan đã gián tiếp dẫn đến diễn biến này, dù họ có cách giải thích khác nhau.
"Trong 1 năm rưỡi qua, BRICS đã lấy lại được vị thế nổi bật vì lý do địa chính trị hơn là vì lý do địa kinh tế, đặc biệt là với cuộc xung đột ở Ukraine - một thách thức lớn đối với trật tự quốc tế do phương Tây thiết kế và lãnh đạo", Giáo sư Pádraig Carmody nói với Dân trí.
Ông Carmody là giáo sư Địa lý phát triển thuộc Đại học Trinity Dublin tại Ireland. Ông từng viết cuốn sách "Sự trỗi dậy của BRICS tại châu Phi".
Từ ý tưởng tới hiện thực
Khối BRICS ban đầu chỉ là tên gọi được đặt ra để nêu bật các cơ hội đầu tư và không phải tổ chức liên chính phủ chính thức.
Năm 2001, Jim O'Neill - khi đó vừa được bổ nhiệm làm nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs - cho ra đời bản báo cáo kinh tế toàn cầu số 66, dự đoán rằng 4 nước có tốc độ phát triển nhanh là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng mạnh mẽ đối với kinh tế toàn cầu.
O'Neill đặt tên cho nhóm quốc gia này là BRIC - ghép từ chữ cái đầu trong tên 4 nước. Hai năm sau, một báo cáo khác của Goldman Sachs nhận định tới năm 2050, khối BRIC có thể thống trị kinh tế thế giới.
Năm 2009, ý tưởng về BRIC như là một diễn đàn liên chính phủ đã bước khỏi trang giấy đi vào thế giới thực khi lãnh đạo 4 nước nhóm họp thượng đỉnh lần đầu tiên. Một năm sau, Nam Phi gia nhập nhóm và tên khối được thêm chữ S, trở thành BRICS.
BRICS dần được thể chế hóa, với các hội nghị thượng đỉnh định kỳ và có sự điều phối chính sách đa phương. Khối này cũng có những sáng kiến được cho là nhằm cạnh tranh với phương Tây, như Ngân hàng Phát triển Mới để đối trọng Ngân hàng Thế giới, hay Thỏa thuận Dự trữ Dự phòng BRICS để đối trọng Quỹ Tiền tệ Thế giới…
Nhưng các dự đoán về sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của khối BRICS có vẻ đã quá lạc quan. Các khoản đầu tư mà những hãng đầu tư lớn trên thế giới đã rót vào BRICS đều không mang lại lợi nhuận tương xứng với lời hứa hẹn trong những năm đầu, theo Bloomberg.
Goldman Sachs đã đóng quỹ BRIC thua lỗ của mình vào năm 2015. Investco dừng quỹ ETF BRIC vào năm 2020 trong làn sóng đóng quỹ. Những quỹ chưa dừng hoạt động có hiệu quả kém hơn chỉ số chứng khoán MSCI khu vực khoán các nước đang phát triển.
"Tôi cho rằng khối BRICS mất đà phát triển sau cú sốc giảm giá hàng hóa năm 2014. Nga, Brazil và Nam Phi - 3 nước chủ yếu xuất khẩu hàng hóa - gặp phải thách thức kinh tế và không còn tăng trưởng nhanh", Giáo sư Carmody nói.
Một thay đổi nữa so với ban đầu của BRICS là ngoài hoạt động hợp tác kinh tế, khối này cũng trở nên mang tính chất địa chính trị hơn, nhất là khi 5 nước thành viên lên tiếng về sự cần thiết phải cải cách các định chế toàn cầu hiện nay - vốn do Mỹ và đồng minh phương Tây dẫn dắt.
"Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đều có lợi ích trong việc thay đổi trật tự quốc tế hiện nay vì họ thấy rằng cần có sự tái phân bổ quyền lực ở các định chế quốc tế để phản ánh tốt hơn quy mô kinh tế và dân số trong các vấn đề quốc tế", ông Carmody đánh giá, thêm rằng những mong muốn này là chính đáng.
Dân số các nước BRICS ước tính tổng cộng khoảng 3,21 tỷ người, tương đương hơn 41% dân số thế giới. Tổng GDP của 5 nước là 28,06 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 25% GDP toàn cầu.
Nhưng những con số ấy vẫn chưa được thể hiện đúng mức, như sự chênh lệch trong quyền bỏ phiếu tại IMF, hay số ghế đại diện cho các nước đang phát triển trong ban giám đốc 25 người của Ngân hàng Thế giới…
Bước ngoặt cho vấn đề mở rộng
Một số quốc gia đã xin gia nhập BRICS. Reuters ước tính rằng hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm với khối BRICS, trong đó có Ả Rập Xê Út, Iran, Venezuela, Argentina, UAE, Cuba… Và tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, đại diện 5 nước BRICS dự kiến đưa ra nguyên tắc và tiêu chí kết nạp thành viên mới.
Theo ông Joseph W. Sullivan - cố vấn cấp cao của Tập đoàn tư vấn Lindsey và là cựu cố vấn kinh tế cho chính quyền ông Trump, một trong các nguyên nhân khiến vấn đề mở rộng BRICS được chú trọng vào thời điểm này đó là việc Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga.
"Trước xung đột Ukraine, Mỹ hạn chế áp lệnh trừng phạt lên các ngân hàng trung ương, dù vẫn có một vài ngoại lệ", ông Sullivan nói với phóng viên Dân trí. "Nhưng Washington chưa bao giờ thực sự trừng phạt ngân hàng trung ương của các quốc gia không có chiến tranh với Mỹ".
Trước diễn biến đó, các nước đẩy mạnh tìm kiếm một trật tự mới đa cực hơn. Và hơn nữa, nếu gia nhập BRICS, họ có thể tăng cường giao thương nội khối không dùng đồng USD và đa dạng hóa giỏ tiền tệ, từ đó giảm thiểu rủi ro trước các chính sách của Mỹ và phương Tây.
Tư cách thành viên trong BRICS cũng sẽ giúp một nước đang phát triển có thêm quyền đàm phán với các định chế phương Tây.
"(Nếu là thành viên BRICS) bạn có thể tới gặp Ngân hàng Thế giới và nói "nếu ông không cho tôi vay với mức lãi suất này, tôi sẽ vay từ người khác", ông Sullivan nói. "Lúc này, thế giới còn có tương đối ít các định chế đa phương mà không nằm dưới sự thống trị của phương Tây".
Dù các nước trong và ngoài BRICS có tính toán ra sao, việc mở rộng khối vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ có tác động lớn tới trật tự thế giới hiện nay.
Trong số những ưu tiên của BRICS có việc giảm phụ thuộc vào đồng USD, nhưng điều này còn thiếu sự ủng hộ quốc tế. Nhiều nước có thể không đồng ý với sự thống trị của đôla nhưng vẫn coi đó là đồng tiền đáng tin cậy. Việc mở rộng mạng lưới BRICS sẽ giúp dần vượt qua trở ngại này.
"Thay đổi đồng tiền dự trữ toàn cầu cũng giống như thay đổi ngoại ngữ chính của thế giới, hiện là tiếng Anh", Sullivan nói. "Rất khó để thuyết phục một người học ngôn ngữ mới nếu chưa có ai học, vì sẽ không có ai để nói chuyện cùng cho đến khi có cả một mạng lưới những người cùng biết thứ tiếng ấy".
Ai phù hợp?
Dù vậy, 5 nước BRICS cũng cần phải có chọn lọc về thành viên tiềm năng của khối. Việc kết nạp hàng loạt có thể làm phát sinh nhiều khó khăn, như việc khó hài hòa quan điểm khi số thành viên đông hơn.
"Việc kết nạp nước này nhưng từ chối những nước khác khá là gây chia rẽ", ông Carmody nói. "Giả sử Ethiopia được chấp nhận, Argentina có thể nói tại sao không phải chúng tôi?".
Trên trang Conversation, 2 chuyên gia quan hệ quốc tế Bhaso Ndzendze và Siphamandla Zondi cho rằng bộ tiêu chí kết nạp của BRICS nhiều khả năng sẽ bao gồm hồ sơ của các ứng viên và quan hệ với phương Tây.
Nếu xét đến tiêu chí này, Ả Rập Xê Út và Mexico dường như ít có khả năng được kết nạp trong thời gian ngắn, do cả 2 đều có quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Ả Rập Xê Út có mối quan hệ quân sự lâu dài với Mỹ, trong khi Mexico là đối tác thương mại số 1 của Mỹ.
Ngoài ra, việc đánh giá ứng viên còn phải tính đến mối quan hệ giữa thành viên mới và cũ để tránh gây bất đồng nội bộ. Điều này bắt nguồn từ bài học về bất đồng giữa 2 thành viên lớn nhất khối - Trung Quốc và Ấn Độ - liên quan vấn đề biên giới.
Các chuyên gia hầu hết đều cho rằng với những khó khăn trong lựa chọn thành viên mới, BRICS nhiều khả năng sẽ mở rộng theo khuôn khổ "BRICS cộng".
"BRICS khả năng cao sẽ có cấu trúc 2 cấp. Cấp một là nhóm cốt lõi gồm các thành viên hiện nay, phụ trách các hoạt động chính và không bị phụ thuộc vào nhóm 2 gồm các thành viên mới", ông Sullivan nói.