1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Diện mạo mới của quân đội Nga khiến Mỹ lo sợ

Trong thời gian qua, giới tướng lĩnh Mỹ đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng về “diện mạo mới” của quân đội Nga, thể hiện qua chiến dịch quân sự ở Syria.

Quân đội Nga lộ “diện mạo mới”

Mặc dù nòng cốt trong chiến dịch quân sự ở Syria là lực lượng Hàng không-Vũ trụ (VKS) nhưng các lực lượng khác của Nga như hải quân, lục quân đều đã cử lực lượng tham gia bảo vệ, yểm trợ và bảo đảm cho VKS, thể hiện diện mạo mới đáng kinh ngạc của quân đội Nga.

Sự thể hiện của quân đội Nga trong chiến thắng chóng vánh nhưng không lấy gì làm ấn tượng trong cuộc “Chiến tranh 5 ngày” với Gruzia vào tháng 8-2008, đã khiến Mỹ-NATO luôn nghĩ rằng, Nga có một đội quân chỉ “to xác, mạnh về hạt nhân”, còn các lĩnh vực khác hết sức lạc hậu.

Tuy nhiên, sau cuộc chiến ngắn ngủi này, Nga đã tự nhận thức được sự yếu kém của mình và tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng với tên gọi đúng với tính chất của nó là “Diện mạo mới”. Và đến nay, quân đội Nga đã trở thành lực lượng vũ trang hiện đại, thiện chiến hàng đầu thế giới.

Diện mạo mới của quân đội Nga bắt đầu lộ diện trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, khi họ mở chiến dịch kinh điển mang tên “Mùa xuân Crimea” vào tháng 2 và tháng 3/2014.

Việc Moscow triển khai chiến dịch quân sự chớp nhoáng nhưng bao gồm rất nhiều khâu phức tạp, bí mật tràn ngập Crimea, bảo vệ thành công cuộc chuyển giao bán đảo này về tay Nga đã cho thấy trình độ tổ chức và khả năng nghi binh, giữ bí mật của họ tốt đến mức nào.

Tạp chí Politico viết rằng, đến cuộc chiến ở Syria thì Mỹ đã nhận thức đầy đủ một chân lý là sức mạnh của quân đội Nga đã đạt đến đẳng cấp số 1 thế giới. Lầu Năm Góc choáng ngợp trước khả năng hiện đại hóa nhanh chóng và thành công của Lực lượng vũ trang Nga.

Quân đội Nga đã cho thấy sự biến đổi rất lớn về chất
Quân đội Nga đã cho thấy sự biến đổi rất lớn về chất

Trước đây, Mỹ chỉ lo lắng về kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga nhưng hiện nay, bất cứ loại vũ khí thông thường nào của Nga cũng khiến Washington phải giật mình. Sự hiện diện của Nga ở Syria cho thấy, Moscow hiện đã có đủ lực can thiệp quân sự ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Nếu trước kia Lầu Năm Góc không tìm thấy đối thủ xứng tầm và nhiệm vụ của Quân đội Mỹ chỉ mang tính toàn cầu, ví dụ, cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq, thì bây giờ họ phải tập trung vào mục tiêu cụ thể hơn: Đó là đối phó với sức mạnh kinh hoàng của Moscow.

Chuyên gia Mỹ tranh nhau “ca ngợi” quân đội Nga

Giờ đây, các chuyên gia quân sự hàng đầu của Mỹ và NATO đang đua nhau chỉ ra tính cấp bách của việc phải lập kế hoạch đối phó với sự hồi sinh sức mạnh quân sự tuyệt đối của Nga.

Trung tướng Herbert Raymond McMaster, người mà theo Politico được coi là một trong những khối óc quân sự của quân đội Mỹ, đã nhận định rằng, vấn đề chính hiện nay của Lầu Năm Góc là phải "thích ứng với sự bừng tỉnh của các lực lượng vũ trang Nga".

Tướng McMaster chính là tác giả khái niệm và mô hình tác chiến của quân đội Mỹ ở Trung Đông. Bây giờ, sau thất bại của Mỹ trước Nga ở Syria, vị tướng này lại trở thành người tiếp tục đề ra chiến lược quân sự mới, giúp Lầu Năm Góc đối đầu với Moscow.

Trang bị lục quân Nga trong lễ duyệt binh kỷ niệm 69 năm chiến thắng chiến tranh Vệ quốc vĩ đại
Trang bị lục quân Nga trong lễ duyệt binh kỷ niệm 69 năm chiến thắng chiến tranh Vệ quốc vĩ đại

Vị tướng này tuyên bố trong một buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ tuần qua rằng, những hệ thống tên lửa và pháo của lục quân Nga có khả năng hủy diệt mạnh hơn của Mỹ, Các xe tăng Nga được hoàn thiện tối ưu tới mức “hầu như không còn điểm yếu nào trước các tên lửa chống tăng”.

Politico dẫn lời Politico dẫn lời tướng về hưu Wesley Clark bổ sung rằng, "vũ khí mới của Nga có sức công phá đáng kinh ngạc". Các vũ khí tấn công từ chính xác từ trên không, nhất là tên lửa phóng từ máy bay ném bom chiến lược đã vượt trên tầm của Mỹ.

Cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, hiện đang là Chủ tịch Quỹ Potomac Philip Carbury cho biết rằng, hiện hải quân Nga đã trở thành đối thủ đáng sợ nhất của Mỹ. Khả năng tấn công xa hàng ngàn km từ các chiến hạm mặt nước bé xíu, dưới 1000 tấn và tàu ngầm thông thường vài ngàn tấn đã khiến cả thế giới kinh ngạc.

Politico nhận định, sau khi kết thúc chiến tranh lạnh với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, chính phủ Mỹ đã ngủ quên trên chiến thắng và coi thường nước Nga trong khoảng thời gian dài, để Moscow kịp tăng cường tiềm lực tới mức độ gây bất ngờ cho Quân đội Mỹ.

Bài báo kết luận rằng, đã đến lúc Washington suy ngẫm lại một cách tổng quát, thay đổi chiến lược ngăn chặn, thậm chí thay đổi cả cấu trúc quân đội Mỹ đề phòng trường hợp xảy ra đối đầu quân sự với Nga, không chỉ trên biên giới Đông Âu mà còn trên toàn thế giới.

Theo Toàn Thắng

Đất Việt