1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Điểm danh 7 nhân vật chủ chốt trong “ê kíp” của Obama

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama cho tới nay đã bổ nhiệm 7 nhân vật chủ chốt trong chính quyền mới như Ngoại trưởng, Bộ trưởng quốc phòng, Bộ trưởng tài chính, Bộ trưởng y tế...

Ngoại trưởng Hillary Clinton

 

Bà Clinton, đệ nhất phu nhân từ năm 1993-2001, đã thất bại trước Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ giành tấm vé ứng cử tổng thống của đảng Dân chủ. Giờ đây, bà phải từ chức thượng nghị sĩ New York để đảm nhiệm cương vị mới.

 

Điểm danh 7 nhân vật chủ chốt trong “ê kíp” của Obama - 1

 

Bà Clinton được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm và các mối quan hệ quốc tế cho chức Ngoại trưởng. Trong cuộc họp báo tại Chicago hôm qua, ông Obama mô tả cựu đệ nhất phu nhân là một phụ nữ “tầm cỡ” và được ông đặt “trọn niềm tin”.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates

 

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates sẽ vẫn đảm nhiệm cương vị ông chủ Lầu Năm Góc khi Obama nhậm chức, ít nhất là trong năm đầu tiên của chính quyền mới.

 

Điểm danh 7 nhân vật chủ chốt trong “ê kíp” của Obama - 2

 

Ông Robert Gates, 65 tuổi, là cựu giám đốc CIA và được Tổng thống Bush bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng năm 2006. Ông Gates đã đẩy mạnh việc tăng quân tại Iraq giúp tình hình bạo lực giảm bớt. Tân Tổng thống Obama phản đối việc tăng quân nhưng cả hai ông đều thống nhất tập trung nhiều hơn cho Afghanistan.

 

Ông Gates là người có quan điểm ôn hòa và được các thành viên của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội tôn trọng. Việc bổ nhiệm ông Gates cũng thể hiện cam kết của Obama rằng sẽ dành chỗ cho đảng Cộng hòa trong nội các.

 

Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner

 

Điểm danh 7 nhân vật chủ chốt trong “ê kíp” của Obama - 3

 

Timothy Geithner, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang New York, được tân Tổng thống bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền mới.

 

Ông Geithner, 47 tuổi, đóng một vai trò nòng cốt trong các cuộc đàm phán với Lehman Brothers trước khi ngân hàng này phá sản và cũng giúp thúc đẩy các cuộc dàn xếp liên quan đến công ty bảo hiểm AIG và ngân hàng JP Morgan.

 

Ông Geithner thường xuyên nói về sự cần thiết phải tiến hành các cuộc cải tổ lớn trong hệ thống tài chính để tránh những biến động tồi tệ hơn.

 

Trước khi đảm nhận cương vị Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang New York, ông Geither từng làm việc cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và là Thứ trưởng tài chính chịu trách nhiệm các vấn đề quốc tế từ năm 1999 đến 2001.

 

Bộ trưởng y tế Tom Daschle

 

Điểm danh 7 nhân vật chủ chốt trong “ê kíp” của Obama - 4

 

Ông Daschle được bầu làm lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện từ năm 2001 đến 2003. Ông là thượng nghị sĩ từ bang Nam Dakota 1987-2005 và là một trong những người sớm tuyên bố ủng hộ Obama tranh cử tổng thống.

 

Với cương vị là người đứng đầu Bộ y tế, ông Daschle sẽ giám sát các chương trình cải cách đối với hệ thống y tế Mỹ mà ông Obama đã đề xuất và đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới.

 

Tân Tổng thống cũng hi vọng những kinh nghiệm lập pháp lâu năm của Daschle sẽ giúp các kế hoạch cải cách được thông qua tại Quốc hội.

 

Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder

 

Điểm danh 7 nhân vật chủ chốt trong “ê kíp” của Obama - 5

 

Eric Holder, 57 tuổi, sẽ là Bộ trưởng Tư pháp da màu đầu tiên của nước Mỹ trong chính quyền của tân Tổng thống Obama. Ông Holder từng nắm giữ cương vị thứ trưởng bộ tư pháp dưới thời Tổng thống Bill Clinton.

 

Ông Holder cũng là cố vấn luật pháp cấp cao trong chiến dịch tranh cử của Obama và đồng chủ tịch ủy ban tìm kiếm phó tổng thống. Ông Holder sẽ dẫn đầu các nỗ lực của chính quyền mới nhằm đóng cửa nhà tù vịnh Guantanamo, vấn đề mà ông Obama xác định là ưu tiên hàng đầu.

 

Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Janet Napolitano

 

Điểm danh 7 nhân vật chủ chốt trong “ê kíp” của Obama - 6

 

Thống đốc bang Arizona Janet Napolitano được bổ nhiệm nắm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa - bộ được thành lập sau cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001.


Bà Napolitano đắc cử chức Thống đốc bang Arizona năm 2002 và tái đắc cử năm 2006. Trên cương vị là thống đốc bang biên giới với Mexico, bà Napolitano có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề nhập cư. Năm 2005, tạp chí Time bình chọn bà Napolitano là một trong 5 thống đốc bang giỏi nhất nước Mỹ.

 

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice

 

Điểm danh 7 nhân vật chủ chốt trong “ê kíp” của Obama - 7

 

Khi công bố chọn Susan Rice vào vị trí đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc, Tổng thống tân cử Obama đã gọi người phụ nữ 44 tuổi này là cố vấn chính sách ngoại giao cấp cao tin cậy của ông và là “thành viên không thể thiếu trong nhóm của tôi”.

 

Ông Obama cũng cho hay, bà Susan Rice có thể sẽ trở thành một thành viên trong nội các giống như những người tiền nhiệm của bà, một dấu hiệu cho thấy ông Obama có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với các thành viên của Liên Hợp Quốc hơn chính quyền Bush trong 8 năm qua.

 

Bà Rice từng làm việc trong chính quyền Clinton từ năm 1997 đến 2001 nhưng ủng hộ Obama trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ vì lập trường phản đối cuộc chiến Iraq của Obama.

 

Bà Rice cũng là người ủng hộ hành động cứng rắn nhằm chấm dứt bạo lực tại Dafur. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hồi tháng 4/2007, bà Rice tán thành ý kiến phải có hành động quân sự nhằm buộc chính phủ Sudan chấm dứt bạo lực ở Dafur.

 

VTH
Theo BBC, AP

 

Dòng sự kiện: Nội các của Obama