1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dick Cheney sẽ phải rời Nhà Trắng trước thời hạn?

Phó tổng thống Dick Cheney có thể sẽ phải từ chức và vị trí của ông ta có khả năng sẽ do Ngoại trưởng Condoleezza Rice đảm trách. Kịch bản này đang được bàn thảo tại Washington, theo như thông báo của tạp chí uy tín US News and World Report.

Vấn đề ở chỗ, đây không phải là một cuộc thay thế dựa theo kế hoạch từ trước, mà nó liên quan đến một bê bối mới có thể so sánh với vụ Watergate. Lần này, đám mây đen đang lơ lửng trên đầu Dick Cheney từ một vụ điều tra đang sắp sửa hoàn tất liên quan đến việc rò rỉ thông tin từ Nhà Trắng...

 

Các dấu vết đều dẫn tới Dick Cheney

 

Thời hạn cuối dành cho ban điều tra đặc biệt về vụ rò rỉ thông tin trên đã đến. Công tố viên liên bang Patrick Fitzgerald lãnh đạo cuộc điều tra cần phải báo cáo toàn bộ kết quả sau 2 năm làm việc. Cho tới giờ, quan chức này vẫn tỏ ra hết sức kín đáo và không hề hé răng chút gì cho giới báo chí. Nhiều luật gia có kinh nghiệm nhận định, Fitzgerald có quyền hoàn tất nhiệm vụ được giao phó theo bất cứ cách nào: đóng vụ này lại nếu như không thu thập đủ chứng cứ để chuyển giao tòa án, hoặc đưa ra lời buộc tội đối với những cá nhân cụ thể. Nhưng đa phần đều nghiêng về giả thuyết sau với những lời buộc tội về mặt hình sự, do Fitzgerald từ trước tới nay vẫn nổi danh là “một điều tra viên không biết khoan nhượng”. Ông này đã chuẩn bị sẵn một trang thông tin trên Internet (để công bố các báo cáo điều tra) và ấn định phiên họp của một “hội đồng điều tra lớn”, qua đó tiến hành bỏ phiếu đối với các điều khoản buộc tội.

 

Trong vụ này, các hoạt động điều tra chủ yếu nhằm vào các quan chức Nhà Trắng liên quan đến cuộc chiến Iraq vừa qua - cụ thể là việc vi phạm luật pháp qua việc tiết lộ tên tuổi của một nhân viên tình báo. Trong khuôn khổ cuộc điều tra, công tố viên đã thẩm vấn những nhân viên quan trọng nhất của Nhà Trắng, bắt đầu từ người lãnh đạo bộ máy Văn phòng Tổng thống Andrew Card, cố vấn thân cận nhất của tổng thống là Carl Rove và lãnh đạo Văn phòng Phó tổng thống Lewis Libby. Theo ý kiến của các nhà quan sát, Fitzgerald có nhiều khả năng nhất đưa ra lời buộc tội cụ thể đối với những nhân vật này.

 

 

Dick Cheney sẽ phải rời Nhà Trắng trước thời hạn? - 1
 

Công tố viên liên bang

Patrick Fitzgerald.

Các quan chức Nhà Trắng không nhất thiết cứ bị quy kết vi phạm luật pháp về tiết lộ các bí mật tình báo, nhưng có thể bị buộc tội cố tình bóp méo hay che giấu thông tin. Lời cáo buộc gian lận chứng cứ hay che giấu sự thật thường được sử dụng tại Mỹ để chống lại các quan chức khi không thể nắm chắc chứng cứ về việc họ đã dính líu vào vụ việc điều tra. Đây cũng là lời buộc tội nhằm vào Tổng thống Richard Nixon trong vụ bê bối Watergate. 

 

Dù Fitzgerald vẫn chưa công bố chính thức kết quả cuộc điều tra, nhưng “cơn bão chính trị” do ông ta gây ra bắt đầu hoành hành tại Washington. Trong đó gây tiếng vang nhất là những bằng chứng khẳng định mới về việc Nhà Trắng cố tình bóp méo thông tin tình báo về việc Iraq có sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cơ quan điều tra phát hiện ra rằng, đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức chiến dịch này chính là Phó tổng thống Dick Cheney và bộ máy của ông ta. Trong giai đoạn chuẩn bị tấn công Iraq, họ đã gây áp lực một cách có hệ thống đối với Giám đốc CIA khi đó là George Tenet, yêu cầu ông này phải khẳng định về sự có mặt của vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq, sau đó khi vỡ lở lại buộc tội Tenet và CIA về tội xuyên tạc.

 

Những triển vọng của Condoleezza Rice

 

Thực trạng này đã bắt buộc ông Cheney phải đứng trước một lựa chọn khó khăn: hoặc là phớt lờ những lời phê phán, qua đó tạo cớ cho những đợt công kích mới nhằm vào Nhà Trắng, hoặc là... từ chức. Khả năng bà Rice thay thế vị trí của ông Cheney nói chung đã được quy định trong Hiến pháp - Ngoại trưởng là khuôn mặt thứ ba (sau Phó tổng thống và Chủ tịch Hạ viện) có thể thay thế tổng thống trong trường hợp ông này chết hay mất khả năng làm việc.

 

“Đây là một giả thuyết thú vị nhưng cũng không dễ xảy ra - một quan chức thân cận của Tổng thống Bush bình luận về tin đồn này với tạp chí US News and World Report. Ngay cả khi chuyện trên có là sự thật, cũng khó có thể tìm được những người buộc tội được Phó tổng thống Cheney trong việc tổ chức một hành động như vậy”. Còn theo lời một cố vấn khác của Tổng thống Bush, mọi người tại Nhà Trắng “đang nín thở chờ đợi điều gì sẽ xảy ra. Nhưng họ không quá lo ngại về tương lai của Phó tổng thống. Ít nhất là không nghĩ quá nghiêm trọng về vấn đề này”.

 

Vụ bê bối về rò rỉ thông tin còn liên quan trực tiếp đến vấn đề đánh giá khả năng cầm quyền của George Bush. Thông thường, mỗi tổng thống đều cố gắng “ghi tên vào lịch sử” trong nhiệm kỳ 2 của mình. Nhưng đây cũng là thời điểm để các đối thủ chính trị khác “săm soi” kỹ hơn để tìm cách hạ bệ uy tín cũng như củng cố cho khả năng giành ghế tổng thống trong tương lai. Tương tự như cựu Tổng thống Bill Clinton trước đây với vụ “Monicagate”, ông Bush lại đang phải đương đầu với một loạt các rắc rối, đặc biệt là vụ bê bối này. Bản thân khả năng điều hành đất nước của ông Bush cũng đang bị đặt nhiều câu hỏi. Ông ta “quán xuyến” có vẻ không thành công với “di sản” nhận được từ ông Clinton: mức độ thâm hụt ngân sách tăng lên, có nhiều xích mích với các đồng minh, hay sa lầy tại Iraq...

 

Nhưng liên quan đến cố vấn thân cận của ông Bush là Karl Rove thì khả năng ông này phải từ chức có vẻ “hiện thực” hơn nhiều, cho dù chính quyền vẫn hy vọng ông ta và Lewis Libby không bị buộc tội. Do đó, có một giả thuyết được nhiều người dự đoán hơn cả: Rove và Libby sẽ bị buộc tội và phải từ chức để lôi kéo sự chú ý đối với vụ điều tra của Fitzgerald. Câu trả lời sẽ được làm rõ sau khi bản báo cáo điều tra được công bố

 

Theo Hồng Sơn

Anh ninh thế giới