1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cúm A/H1N1:

Dịch cúm tiếp tục lây lan, WHO cân nhắc nâng mức cảnh báo

(Dân trí) - Cúm A/H1N1 đã xâm nhập sâu hơn vào nước Mỹ, châu Âu và Mỹ Latinh, với ít nhất 5 nước thông báo có dịch, cho dù Bộ Y tế Mexico tuyên bố có thể sớm mở cửa trở lại các cơ quan, nhà máy, trường học khi số lượng người nhiễm có xu hướng giảm.

Dịch cúm tiếp tục lây lan, WHO cân nhắc nâng mức cảnh báo - 1

Mexico cho hay, trong 24 giờ qua, 11 người chết bị nghi là do cúm A/H1N1. Tin báo động này xuất hiện sau khi tỷ lệ các ca nhiễm bệnh có vẻ khựng lại ở nước này. 

Đến sáng nay, 4/5 (theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận ít nhất 787 ca bị nhiễm ở 19 nước, trong khi chính phủ nhiều nước cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều. 

Số người chết đã được xác định do virut này là 20. Nặng nhất vẫn là Mexico, Mỹ và Canada. Cúm cũng đã lan đến Colombia - trường hợp được xác định đầu tiên ở Nam Mỹ, gây ra mối lo ngại vì cúm theo mùa sắp xuất hiện ở khu vực Nam Bán cầu. Trong khi đó, thêm nhiều trường hợp đã được xác nhận ở Anh và Bắc Mỹ.

Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết nước này hiện đã trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nền nhất ở châu Âu với 40 ca nhiễm cúm. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều ở tình trạng sức khoẻ ổn định.  Anh, Italya và Đức cũng thông báo những ca nhiễm mới. 

Thêm diễn biến tích cực, thêm cảnh báo

Mexico hôm qua thông báo dịch cúm A/H1N1 đã qua giai đoạn tồi tệ nhất và các chuyên gia khẳng định loại virus A/H1N1 mới này có thể không nguy hiểm hơn virus cúm thông thường, dù nó vẫn ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân toàn thế giới.

Bộ trưởng Y tế Mexican Jose Angel Cordova cho rằng loại virus bùng phát ở Mexico, với hơn 500 ca xác nhận lây nhiễm, đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất. Vẫn còn người bị lây nhiễm, nhưng tần số đã giảm. Việc đóng cửa các cơ quan, trường học trên toàn quốc rõ ràng đã có hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh. Ông cho biết thêm, hôm nay, 4/5, các cơ quan chức năng sẽ quyết định xem liệu có nên tiếp tục kéo dài biện pháp “đóng cửa” này hay cho phép các doanh nghiệp mở cửa vào ngày 6/5 như dự kiến.

Mexico vừa giảm số người chết vì cúm A/H1N1 từ 101 xuống 75. Điều này cho thấy dịch cúm không đến nỗi tai hại như người ta lo sợ ban đầu. Bộ trưởng Y tế Mexico Jose Angel Cordova loan báo các mẫu thử cho thấy tỷ lệ tử vong bằng với dịch cúm thông thường.

Trong khi đó, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh của Mỹ, Tiến sĩ Richard Besser nói với đài truyền hình tin tức Fox News rằng có các dấu hiệu khích lệ là virus A/H1N1 dường như không có vẻ nguy hiểm hơn một dòng cúm phát hiện trong mùa cúm bình thường.

Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc chương trình cảnh báo và đối ứng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cùng ngày hôm qua khẳng định ông chưa thấy dịch A/H1N1 lan tỏa ra ngoài Bắc Mỹ theo đường hướng liên tục. Ông ca ngợi cách thức chính phủ các nước Âu châu đương đầu với dịch bệnh. 

Theo ông dịch cúm chưa đến mức nằm ngoài tầm kiểm soát. “Trong thời điểm này không nên nói dịch cúm đang lan tràn khắp nơi, hay sự lây lan của virus nằm ngoài vòng kiểm soát. Mấy ngày tới chúng ta sẽ biết rõ hơn về đường đi của cúm”, ông nói.

Tuy nhiên, trước sự lây lan của A/H1N1, nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời thỏa đáng: vì sao virus gây nhiều tử vong tại Mexico? Phải chăng bệnh nhân không được trị liệu đúng liều, đúng cách? Hiệu năng của thuốc Tamiflu và Relenza là đến mức nào? Nhiều bác sĩ khuyến cáo: bệnh cúm không có thuốc trị, biện pháp tối ưu là phòng ngừa vệ sinh cá nhân.

“Trong lúc này tôi vẫn muốn nói rằng đại dịch có khả năng xảy ra vì virus đã xuất hiện ở các vùng khác nhau trên thế giới”, Tiến sĩ Ryan cảnh báo. Theo ông, tiến triển tình hình dịch cúm A trong những ngày tới có thể sẽ khiến cho WHO phải chính thức xác nhận thực trạng đại dịch. Từ nay đến đó, vấn đề là phải xem ngoài châu Mỹ ra, liệu ở lục địa khác thì loại virus trên có lan truyền một cách sâu rộng trong dân chúng hay không?

Nguyễn Viết
Tổng hợp