1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Di sản 5 năm cầm quyền của ông Koizumi

"Ông Koizumi thực sự nổi lên là một vị thủ tướng khác thường'', giáo sư Haruo Shimada của Đại học Keio nhận xét. "Ông là vị lãnh đạo có uy quyền và mang tới những thông điệp rõ ràng''.

Và khi ông Koizumi chuẩn bị rời nhiệm sở thì người dân Nhật mới có thời gian nhìn lại những thành tựu vị Thủ tướng này đã gây dựng được.

 

Tiêu dùng

 

Thành tựu lớn nhất của Thủ tướng Koizumi, theo giáo sư Shimada, là tìm kiếm những con đường mới để giải quyết vấn đề. Ông nắm quyền kiểm soát ngân khố từ dịch vụ dân sự, sử dụng chính quyền của mình để sắp xếp hợp lý hóa bộ máy công quyền khổng lồ và cắt giảm các khoản chi tiêu công.

 

Toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản đã trở nên sáng sủa dưới sự giám sát của ông Koizumi. Chỉ số Nikkei trên thị trường chứng khoán đã tăng 66% trong ba năm qua. GDP của Nhật đã tăng hơn 3% năm 2005 và có những dấu hiệu cho thấy thời kỳ lạm phát kéo dài 5 năm của đất nước này cuối cùng đã chấm dứt.

 

Tuy nhiên, hành động này không làm hài lòng tất cả mọi người. Việc cắt giảm các dự án công đã khiến một số thành viên của LDP phải nỗ lực trì hoãn những sáng kiến về các vấn đề lương hưu, kế hoạch làm đường quốc lộ và chăm sóc sức khỏe.

 

Đặc biệt, với kế hoạch cải tổ ngành bưu điện Nhật Bản - một bộ máy cồng kềnh - đã khiến ông Koizumi phải đối mặt với thách thức lớn nhất từ các thành viên ''đại thụ'' của LDP.

 

Ông Koizumi thúc giục việc tư nhân hóa hệ thống bưu điện, để hỗ trợ nền kinh tế. Các nhà phê bình cho rằng, động thái này sẽ dẫn tới thực trạng tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, đồng thời xói mòn sự ủng hộ của LDP.

 

Dự luật này đã bị thất bại tại Quốc hội vào tháng 8/2005. Thủ tướng Nhật ra quyết định giải tán quốc hội, kêu gọi bầu cử đột xuất. Cuộc bỏ phiếu nhanh chóng trở thành cuộc trưng cầu dân ý xung quanh kế hoạch cải tổ ngành bưu điện.

 

"Để thực hiện được chương trình cải tổ của mình, ông Koizumi thực sự gặp phải rất nhiều thách thức từ những người theo chủ nghĩa truyền thống'', Nicholas Szechenyi thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington đánh giá.

 

Hình tượng

 

Việc Thủ tướng Koizumi sẵn sàng đương đầu với đảng của mình và đi đầu trong cuộc cải tổ cùng cả vẻ bề ngoài đã khiến ông chiếm được cảm tình và sự ủng hộ của dân chúng.

 

Ông không giấu giếm cảm xúc, yêu âm nhạc - opera và cả Elvis. Koizumi còn lừng danh với mái tóc đặc biệt của mình. "Những điều này là rất quan trọng vì ông đã sáng tạo ra một hình tượng bản thân thu hút cả giới truyền thông'', Tiến sĩ Sarah Hyde thuộc Đại học Kent nói. "Mọi người thích thú học theo ông, và bạn không thể thường xuyên nghe nói như vậy về một vị Thủ tướng Nhật Bản''.

 

Chính sự yêu mến của công chúng đã giúp ông truyền đạt các chính sách của mình tới người dân, và chính sự ủng hộ của họ đã cho phép ông theo đuổi nhiều quyết định gây tranh cãi, đặc biệt là trên trường quốc tế.

 

Ông ưu tiên việc xây dựng liên minh chặt chẽ với Mỹ, thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Mỹ George W Bush. Và để ủng hộ Washington, ông Koizumi đã điều quân tới Iraq. Đây cũng là lần đầu tiên, quân đội Nhật được điều động tới khu vực chiến sự kể từ Thế chiến II.

 

Những động thái khác như ủng hộ các hoạt động tại Afghanistan và cuộc tái thiết ở Indonesia cùng các chuyến công du mà ông Koizumi thực hiện ở Trung Đông, Trung Á... đều thể hiện rằng, Nhật Bản đang tìm kiếm một vị thế cao hơn trên vũ đài quốc tế. "Sự lãnh đạo của ông đã thực sự tạo cho Nhật Bản một vai trò toàn cầu", ông Szechenyi khẳng định.

 

Tranh cãi mới

 

Nhưng vai trò mới này và cả việc Tokyo tìm kiếm một chiếc ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ - đã khiến nhiều người chú ý tới Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản, chủ yếu nhằm ngăn chặn việc sử dụng sức mạnh quân sự.

 

Sau khi điều quân tới Iraq, ông Koizumi đã đề xuất một dự luật sửa đổi cho phép triển khai quân đội đảm nhận sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Ý tưởng sửa đổi đã không được hoan nghênh, nhưng theo Tiến sĩ Hyde là đã tạo ra ''cuộc tranh cãi mới chưa từng có trước đó''.

 

Dĩ nhiên, những người hàng xóm của Nhật cũng không ưa thích gì ý tưởng sửa đổi hiến pháp. Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc trở nên ''khó khăn nhất'' trong nhiều thập niên, đặc biệt là khi ông Koizumin thực hiện các cuộc viếng thăm đến đền Yasukuni, mặc dù thương mại song phương vẫn tiếp tục tăng trưởng.

 

Những gì xảy ra thời ''hậu Koizumi'' vẫn còn chưa rõ. Chính sách cải tổ kinh tế cần thời gian tiến triển, một số chính sách gây nhiều tranh cãi mà ông theo đuổi đang cần người kế nhiệm hoàn thành. Chỉ rõ một điều, ông Koizumi khác với những vị lãnh đạo nước Nhật trước đó. "Ông gặp cả thách thức về chính trị và kinh tế trong khi thực hiện công cuộc cải tổ. Ông là một nhà lãnh đạo năng động đáng kinh ngạc'', ông Szechenyi nhấn mạnh.

 

Theo Kỳ Thư

Vietnamnet/BBC