1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đi làm giấy tờ giả ở Bangkok

Để làm một bằng lái xe quốc tế, thẻ sinh viên quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL, thậm chí thẻ nhân viên của Hãng hàng không British Airways... đều không khó khăn chút nào nếu bạn đến khu Khao San ở Bangkok, Thái Lan.

Rảo bước dọc khu phố Khao San, người ta có thể bắt gặp chừng một chục cửa hàng làm giấy tờ giả. Mỗi cửa hàng như vậy được bày biện khá đơn giản: một tấm bảng nhỏ được dựng lên, trên đó có nhiều mẫu giấy tờ giả như bằng lái xe quốc tế, thẻ nhân viên của các công ty lớn, thẻ sinh viên và có cả... thẻ nhà báo quốc tế. Điều ngạc nhiên là các cửa hàng này bày biện công khai trong khi ở hai đầu khu phố, cảnh sát vẫn đi lại tuần tra như mọi ngày.

 

Tôi đến một cửa hàng gần đầu khu phố để thử làm một thẻ giả. Một phụ nữ vẫy tay chào mời. Bên cạnh chị ta có vài thanh niên mặc quần áo "hầm hố", 2 cánh tay đầy hình xăm. Tôi đặt vấn đề muốn làm thẻ nhà báo, rồi chỉ bừa một mẫu thẻ của Hiệp hội Báo chí quốc tế (IPA) và đồng ý làm với giá 250 baht (khoảng 7,5 USD). Người phụ nữ này kéo tôi vào một con hẻm nhỏ và yêu cầu tôi viết tên, quốc tịch, ngày sinh, số hộ chiếu và cung cấp ảnh thẻ. Tôi bịa một cái tên nửa Tây nửa Tàu nghe khá buồn cười. Để hợp lý hóa cái tên, tôi chọn quốc tịch Singapore. Khi tôi tỏ ý ngần ngại không muốn "bêu" số hộ chiếu lên thẻ, người phụ nữ bảo: "Thôi để tôi bịa ra cho anh vậy nhé!". Tôi được yêu cầu đợi 30 phút để lấy thẻ. Cuối cùng tôi cũng có được tấm thẻ nhà báo của IPA với dấu nổi và dấu mực tròn đóng giáp lai lên ảnh. Hạn sử dụng của thẻ tới tận 31.12.2012 (?!).

 

Từ cuối năm 2006, IPA đã phải phát đi cảnh báo an ninh về nạn làm thẻ giả và thẻ nhái của tổ chức này ở Bangkok. Trong cảnh báo, IPA cũng yêu cầu các cơ quan báo chí, cơ quan thực thi pháp luật và các thành viên của IPA khác thông báo ngay nếu phát hiện có người sử dụng thẻ giả để hưởng các quyền lợi hay xâm nhập vào các khu vực nhạy cảm về an ninh. IPA cũng đưa ra đặc điểm nhận dạng các thẻ nhà báo giả là thường chúng có thời hạn sử dụng rất dài. Mặt khác, danh sách các thành viên thật của IPA đều có trên trang web của tổ chức này nên không khó trong việc kiểm chứng.

 

Lượn sang một cửa hàng ở giữa phố, tôi làm tiếp một thẻ sinh viên quốc tế. Với cùng tên tuổi giả như trên, tôi quyết định làm thẻ của tổ chức Thẻ Sinh viên quốc tế (ISIC) với giá 350 baht (khoảng 10,5 USD). Trong khi tôi lưỡng lự chưa biết nên làm sinh viên của trường nào thì người chủ hàng đưa ra gợi ý trường Đại học Ramkhamhaeng, một trường lớn ở Bangkok. Người chủ này cho biết đây là trường mà nhiều người chọn để làm thẻ giả. Tôi đổi ý và chọn trường Đại học Bangkok. Khi được yêu cầu cung cấp ảnh thẻ, tôi giả vờ quên ảnh ở nhà. Người chủ hàng nói ngay: "Không sao, tôi sẽ chừa chỗ cho anh dán thẻ vào sau".

 

Thật vậy, khi chiếc thẻ đã làm xong, một lớp phim trong suốt trên đó có biểu tượng phản quang của ISIC được dán nửa chừng để tôi có thể "đắp" hình của mình vào sau rồi dán chồng lên. Với tấm thẻ này, tôi có thể hưởng lợi từ 32.000 điểm giảm giá hàng hóa và dịch vụ trên 106 quốc gia. Mọi chuyện quá dễ dàng trong khi trên trang web của ISIC, tổ chức này yêu cầu phải có thẻ sinh viên hoặc giấy chứng nhận của trường đang học để có thể đăng ký làm thẻ sinh viên quốc tế.

 

Ngoài ra, nhiều loại giấy tờ khác cũng được làm giả tại khu Khao San như bằng lái xe quốc tế với giá 1.000 baht (khoảng 30 USD), chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL với giá tới 3.000 baht (khoảng 90 USD), văn bằng của các trường đại học khác với giá tương tự. Thậm chí có hàng còn có mẫu thẻ nhân viên của Hãng hàng không British Airways của Anh. Tôi chợt nghĩ nếu lơ là một chút, một tên khủng bố có thể dùng thẻ giả này để làm một điều gì đó khủng khiếp. Tuy nhiên, người làm thẻ giả ở đây luôn từ chối làm giả giấy tờ của Thái. 

 

Theo Việt Phương

Thanh niên