1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đầu năm mới, thăm "nhà" Tổng thống Putin

Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng, nơi ở và làm việc của Tổng thống Nga Putin lại mở cửa đón du khách đến viếng thăm “dễ dãi” đến như vậy. Nhưng bạn chớ vội mừng, để vào được bên trong, vượt qua vòng kiểm tra an ninh cũng đã… toát mồ hôi hột.

Mang trong lòng sự mến mộ nước Nga một cách cuồng nhiệt, chuyến thăm của tôi đến Matxcơva với mục đích đầu tiên là được một lần tận mắt chiêm ngưỡng Điện Kremlin- pháo đài huyền thoại của nước Nga.

 

Khung cảnh rộng lớn của Điện Kremlin.
Khung cảnh rộng lớn của Điện Kremlin.

 

May mắn thay, người dẫn đường cho chúng tôi đến Điện Kremlin hôm đó là chị Lê Thị Thanh Loan- phu nhân của Đại sứ Việt Nam tại Nga. Chuyến thăm bắt đầu từ 9 giờ sáng, xuất phát từ tòa nhà Đại sứ quán Việt Nam, đi qua 3 bến tàu điện ngầm, chúng tôi đến cổng thành Điện Kremlin.

 

Thông thường, mỗi du khách phải mất 256 USD cho một chuyến tham quan Điện Kremlin trong vòng 5 giờ và có hướng dẫn viên du lịch đi kèm. Tuy nhiên, khi đã có “hướng dẫn viên xịn”, chúng tôi chỉ mất mỗi người 350 rouble (gần 12 USD) mua vé vào cửa để thăm quần thể kiến trúc của Điện Kremlin.

 

Khuôn viên của Điện Kremlin rộng lớn bao la, nhưng cấu trúc được chia ra làm 2 phần rõ rệt: Khu vực ở phía Đông là nơi mà các cơ quan tối cao như tòa nhà Quốc hội, văn phòng Tổng thống nơi ông Putin đang làm việc... phần còn lại là nơi mà các tòa nhà gắn liền với lịch sử hình thành của Điện Kremlin từ đời Sa Hoàng.

 

Du khách được tự do đi lại ngắm cảnh ở khu vực các nhà thờ, cung điện, lăng mộ Sa Hoàng... Và như vậy có nghĩa là tôi chỉ có thể đứng từ xa để nhìn tòa nhà văn phòng Tổng thống và tưởng tượng rằng, Tổng thống Putin- người đàn ông quyền lực nhất thế giới đang điều hành nước Nga chỉ cách chỗ mình đứng... chừng 100m!

 

Xưa nay, người dân nước Nga vẫn tự hào với thế giới về công trình kiến trúc lịch sử Kremlin. Điện Kremlin được giới thiệu là nơi lưu giữ những huyền thoại của nước Nga, giống như một thành phố khép kín với vô số các cung điện bên trong, kho vũ khí và các nhà thờ dát vàng, một pháo đài thời Trung cổ, một vài cửa hàng ăn nhanh và cả những cửa hàng mang phong cách cổ xưa...

 

Tuy nhiên, không phải tòa nhà nào trong Điện Kremlin đều cho phép du khách chụp ảnh. Theo như lời chị Thanh Loan, những họa tiết trên các bức tường được vẽ bằng một loại sơn pha chế rất đặc biệt. Vì vậy, Ban quản lý Điện Kremlin đã cấm du khách chụp ảnh ở một số nơi để hạn chế sự tác động của ánh sáng đèn flash làm hư hỏng những bức vẽ.

 

Hiện nay Điện Kremlin là nơi lưu trữ bộ sưu tập độc nhất vô nhị, những kỷ vật lịch sử, kiến trúc và văn hóa như: Nhà thờ Đức Mẹ Đồng Trinh, nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, nhà thờ Truyền Tin, nhà thờ Hoàng Gia.

 

Nhưng có lẽ, tòa nhà Đại điện Kremlin (hay còn được gọi là dinh tổng thống), nơi mà những quyết sách của LB Nga được bàn thảo tại đây, là điểm nhấn của tổ hợp kiến trúc, đồng thời là trái tim, khối óc sống động của nước Nga hiện đại.

 

Tòa nhà thếp vàng nằm ở trung tâm của Điện Kremlin, được trang trí màu trắng, mái vòm hình củ hành vươn cao. Nơi đây trước kia là Cung điện cổ của Sa Hoàng, hay còn gọi là Cung Kremlin Mùa đông. Có thời tòa nhà đã bị dỡ đi và sau đó kiến trúc sư Konstantin Ton đã dựng Đại điện Kremlin.

 

Đại điện Kremlin đã trở thành địa điểm tiến hành lễ tuyên thệ của các vị Tổng thống Nga. Đây là 1 trong 5 lễ đường hoành tráng của Cung điện, mang tên những huân chương danh giá nhất của Đế chế Nga, biểu tượng cho niềm vinh quang quân sự bao thế kỷ của nước Nga.

 

Ngoài ra, trong tòa Đại điện Kremlin còn có một phòng tiếp đón tuyệt đẹp bằng vàng được Ivan Đệ tam xây dựng vào năm 1490. Vào thế kỷ 19, căn phòng này vẫn được các Sa hoàng sử dụng làm phòng dạ tiệc như Alexander Đệ nhị.

 

Đặc biệt, ở trên cao của căn phòng, có một cánh cửa bí mật, nơi các Sa hoàng có thể dõi theo bữa tiệc ở bên dưới. Ngày nay, Tổng thống Nga Putin vẫn sử dụng căn phòng bí mật này cho các bữa tối nhỏ.

 

Theo Thúy Đăng

Dân Việt