1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Dấu mốc mới trưởng thành của ASEAN

48 năm qua, sự phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đem lại những chuyển biến nổi bật ở khu vực.

Đặc biệt, ngày 31/12/2015, ASEAN tự hào sẽ trở thành Cộng đồng đầu tiên được hình thành ở khu vực châu Á. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với khu vực cũng như các quốc gia thành viên. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN là cơ hội để đưa Hiệp hội với 10 quốc gia thành viên này trở thành một khu vực mới ngày càng phát triển, cho phép ASEAN thực hiện giấc mơ thịnh vượng và tự do để đối phó với các mối đe dọa và thách thức hiện nay.

Đạt nhiều thành tựu

48 năm trước, ít ai có thể hình dung được ASEAN sẽ gặt hái được nhiều thành công như hiện nay. ASEAN đã dần đưa Đông Nam Á từ một khu vực bị chia rẽ bởi đối đầu và nghi kỵ trở thành điểm sáng về hợp tác hữu nghị, đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung là hòa bình, hợp tác và phát triển. Niềm tin vào sức mạnh của đoàn kết đã giúp ASEAN vượt qua những rào cản của lịch sử và sự khác biệt, cùng nhau sống dưới mái nhà chung và chia sẻ một vận mệnh chung.

Dấu mốc mới trưởng thành của ASEAN - 1

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ 5, phải) chụp ảnh chung cùng Ngoại trưởng các nước ASEAN tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 4/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy là một khu vực với 10 quốc gia nhỏ bé (Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Campuchia và Brunei) nhưng ASEAN đang có vai trò quan trọng trong việc định hình, xây dựng và dẫn dắt cấu trúc khu vực. Ngày nay đây là một khu vực, với hơn 630 triệu dân, có tổng GDP đứng thứ 7 và lực lượng lao động dồi dào đứng thứ 3 thế giới. ASEAN đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt, đã và đang là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo môi trường hòa bình và ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thông qua việc khởi xướng và chủ trì các diễn đàn và cơ chế hợp tác như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+)... ASEAN đã và đang đóng vai trò quan trọng cho tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện nay, quan hệ của ASEAN với các đối tác tiếp tục được mở rộng và làm sâu sắc thêm. Các đối tác khẳng định coi trọng và ủng hộ vai trò của ASEAN, tích cực hỗ trợ đẩy mạnh liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong các đối tác của mình, ASEAN đã xây dựng quan hệ đối thoại với Australia, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), trong đó nhiều đối tác đã hoặc đang hướng tới đối tác chiến lược với ASEAN. ASEAN cũng đang đẩy mạnh triển khai các Hiệp định tự do thương mại (FTA) đã có với Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Dấu mốc mới trưởng thành của ASEAN - 2

Chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật truyền thống Indonesia tại Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN - 2015 ở Thanh Hóa tối 4/8. (Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN)

Tính đến thời điểm này, ASEAN đã triển khai được hơn 93% dòng hành động trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng (2009 - 2015), trong đó Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) đạt gần 90%, Cộng đồng Kinh tế (AEC) là hơn 90% và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) đạt gần 100%. Đồng thời, các quốc gia thành viên đã cùng nhau triển khai được hơn 40% Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN và khoảng 300 dự án trong khuôn khổ Sáng kiến liên kết ASEAN. Với kết quả này, ASEAN đang trên đường cán đích, hướng tới mốc hình thành Cộng đồng vào ngày 31/12/2015 đúng như kế hoạch. Quá trình xây dựng Cộng đồng cũng tạo thêm xung lực mới cho những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, tăng cường liên kết kinh tế nội khối, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, ASEAN ngày càng coi trọng các hoạt động lấy người dân làm trung tâm và vì lợi ích của người dân ở khu vực. Nhiều mục tiêu đề ra, nhất là trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội liên quan đến cuộc sống người dân đã được triển khai thực hiện. Điển hình là các kế hoạch, dự án, biện pháp quan trọng về phát triển chủ thể doanh nghiệp trẻ và việc làm cho thanh niên, đẩy mạnh an sinh xã hội, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tăng cường hợp tác quản lý thiên tai, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, biến đổi khí hậu... ở từng quốc gia và khu vực. Cũng vì lẽ đó, Malaysia - nước Chủ tịch ASEAN 2015 - đã xác định chủ đề của năm là: “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta, với trọng tâm lấy người dân làm trung tâm”. Kết quả công việc theo mục tiêu hướng tới người dân có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với thành công của Cộng đồng, bởi người dân là chủ thể chính trong việc xây dựng Cộng đồng và chính những nỗ lực xây dựng Cộng đồng vì hòa bình, ổn định, phát triển cũng là để phục vụ lợi ích của người dân.

Trong một phát biểu nhân dịp kỷ niệm 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN (28/7/1995) và 48 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967), Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, ông Mayerfas, nhấn mạnh trong 48 năm qua, sự phát triển của ASEAN đã đem lại những chuyển biến nổi bật ở Đông Nam Á. Với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, hơn 630 triệu người dân ASEAN sẽ cùng hợp tác với nhau để nắm lấy các cơ hội và vượt qua những thách thức phía trước. ASEAN chính là con thuyền mà tất cả các thành viên đang cùng chèo lái, vững chắc hướng tới các mục tiêu, lợi ích chung và bản sắc chung. Vì vậy, các quốc gia thành viên hãy cùng duy trì quan hệ đối tác và tình hữu nghị để ASEAN mang lại lợi ích cho người dân của các quốc gia thành viên, cũng như đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực và thế giới.

Theo TL/baotintuc.vn

Dấu mốc mới trưởng thành của ASEAN - 3