1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Dầu khí - quyền lực mới trên toàn cầu

Khi các nước có nguồn dầu lửa dồi dào cảm thấy được sức mạnh mới nhờ giá vàng đen tăng vọt, họ dùng nguồn tài nguyên này để gây ảnh hưởng với thế giới. Ngày nay đã xuất hiện một quyền lực mới: quyền lực của mạng lưới ống dẫn dầu.

Những hệ thống ống dẫn siêu trường đang được thiết lập khắp Nam Mỹ, Trung Đông, Nga và châu Phi, và cũng với chúng, các mạng lưới đồng minh chính trị hình thành, với uy quyền có thể trừng phạt các đối thủ hay nâng đỡ những "người thân".

 

"Hệ thống đường ống đang là đòn bẩy chính trị", Frank Verrastro, giám đốc chương trình năng lượng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS) tại Washington bình luận.

 

Trong chuyến thăm Litva mới đây, Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney đã chê trách Nga sử dụng dầu và khí làm "công cụ đe dọa và tống tiền". Nhưng liền sau đó, khi dừng chân ở Kazakhstan, ông này lại hối thúc các nước Trung Á giàu dầu mỏ nên bỏ qua Nga khi xây dựng kế hoạch cho hệ thống ống dẫn dầu xuất khẩu sang phương Tây.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định lấy chủ đề an ninh năng lượng là trọng tâm của các cuộc đàm phán của G8 năm nay. Nhưng cũng chính thời điểm mà nước này nhận chức chủ tịch nhóm, Moscow quyết định cắt nguồn khí đốt sang Ukraine vì tranh chấp giá cả, khiến quốc gia có xu hướng thân phương tây này co ro vì lạnh trong mùa đông.

 

Cuối cùng thì tranh cãi về khí đốt cũng kết thúc, gas lại được chuyển vào hệ thống ống dẫn sang Ukraine. Nhưng điều mà Kiev và các nước láng giềng hiểu ra được là: Ai có năng lượng, người đó nắm thế thượng phong.

 

Các hệ thống ống dẫn dầu và khí liên quốc gia đã tồn tại hàng thế kỷ qua, nhưng trong bối cảnh giá nhiên liệu rẻ và nguồn cung cấp dồi dào, chúng không được coi trọng xứng đáng. Những tàu chở dầu siêu trọng, ra đời từ những năm 1950, cho phép các nhà sản xuất chở dầu đi bán ở khắp thế giới, và nhờ thế các nước nhập khẩu đỡ phải nghiến răng phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất. Hiện hai phần ba lượng dầu xuất khẩu trên thế giới được vận chuyển bằng các tàu chở dầu.

 

Nhưng rắc rối xảy ra những năm gần đây: Nhu cầu cao gây áp lực lớn, cung không đủ cầu và tình trạng căng thẳng xuất hiện. Giờ đây, mỗi giọt dầu đều quý báu.

 

"Các đường ống có vai trò thiết yếu trong một thị trường ngày càng khan hiếm, giữa sự xuất hiện của các mối đe dọa khủng bố nhằm vào hạ tầng ngành dầu lửa, giữa xu hướng chính trị hóa các nguồn tài nguyên", Anne Korin, đồng giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu có trụ sở ở Washington, nhận xét.

 

Trường hợp Iran chẳng hạn, nước này muốn xây dựng một đường ống dẫn khí tự nhiên tới Ấn Độ và có thể kéo dài tới tận Trung Quốc. Tuyến ống này dài 2.500 km với tổng chi phí khoảng 7 tỷ USD, sẽ giúp cho Iran có được thị trường cực kỳ lớn, đồng thời giúp thỏa mãn nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ. Nó cũng sẽ cho phép Iran mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình.

 

Dự án này cũng có gặp những khó khăn. Tuyến ống phải đi qua tỉnh Baluchistan thuộc Pakistan, nơi nổi tiếng về tình trạng luật rừng và điều này khiến Ấn Độ e ngại.

 

Các nhà lãnh đạo hiện thời của Pakistan hân hoan chào đón dự án này bởi họ có thể kiếm lời từ khí đốt của Iran, nhưng New Delhi lo rằng tuyến ống sẽ trở thành phương tiện tốt để Islamabad gây sức ép với Ấn Độ trong tương lai. Mỹ thì phản đối kịch liệt kế hoạch này. "Cái mà Mỹ lo sợ là một ngày nào đó Ấn Độ lại phải ở vào thế yếu với Iran", ông Korin nhận xét.

 

Còn tiếp

 

Theo T. Huyền

Vnexpess/IHT