1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dấu hiệu các mục tiêu lớn hơn ở Biển Đông của hải quân Nhật Bản

(Dân trí) - Hải quân Nhật Bản vừa tham gia vào một cuộc tập luyện nhỏ cùng quân đội Philippines trong tuần này, động thái đó được cho là có thể báo hiệu một mục tiêu lớn hơn - Nhật có thể sẽ tham gia vào cuộc đua giành quyền kiểm soát Biển Đông (?)

Máy bay tuần tra hàng hải P-3C của Nhật Bản hạ cánh xuống một sân bay ở Puerto Rico. (Ảnh:
Máy bay P-3C của Nhật Bản hạ cánh xuống một sân bay ở Puerto Rico. (Ảnh minh họa: AP)

Một máy bay giám sát và khoảng 20 quân nhân Nhật đã tham gia ngày đầu tiên trong cuộc tập trận chung kéo dài 2 ngày với Hải quân Philippines hôm thứ Ba tại bờ biển Palawan - một hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng cách không xa vùng tranh chấp giữa vài quốc gia, trong đó có Philippines và Trung Quốc (TQ).

Chiếc máy bay P-3C được sử dụng lần này vốn là máy bay tìm kiếm và cứu hộ hàng hải hoặc cứu nạn thiên tai, đồng thời cũng là thiết bị chủ lực của Nhật Bản chống tàu ngầm và các hoạt động giám sát bầu trời.

“Có thể chúng ta sẽ thấy Nhật Bản tham gia vào các hoạt động giám sát và do thám chung trên biển Đông trong vài năm tới”, chuyên gia quốc phòng Narushige Michishita thuộc Viện nghiên cứu Chính sách quốc gia  ở Tokyo cho biết, “Họ sẽ tham gia cùng với Mỹ, Úc, Philippines và các nước khác nữa”, ông nói thêm.

Hành động này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng với TQ là bên vốn đã bất đồng sâu sắc với Nhật Bản về chủ quyền lãnh thổ ở các hòn đảo trên biển Hoa Đông. Đồng thời được cho là cũng sẽ phải đối mặt với sự phản đối ngay trong nước do nhiều người dân Nhật không muốn quân đội của họ vướng vào các tranh chấp bên ngoài lãnh thổ.

Takashi Manzen, người phát ngôn của lực lượng Nhật tham gia cuộc tập luyện cho biết chiếc P-3C chở theo 13 thành viên phi hành đoàn cùng 3 sỹ quan Philippines, đã bay chặng đường 100 km cùng với một tàu đổ bộ Philippines theo hướng Tây từ đảo Palawan ra biển Đông để tìm kiếm một mục tiêu giả định.

Manzen nói với phóng viên AP rằng Phillipines và Nhật có thể sẽ tiến hành các cuộc tập luyện tương tự trong tương lai, nhưng sẽ tập trung vào nâng cao năng lực phản ứng trước thảm hoạ thiên nhiên chứ không phải tuần tra hay giám sát.

Các sĩ quan Philippines bay cùng trên chiếc P-3C nhằm mục đích học hỏi kỹ thuật và cách thức vận hành. Chiếc máy bay này liên lạc với một máy bay nhỏ hơn của Philipines trong nhiệm vụ giả định tìm kiếm máy bay hoặc tàu thuỷ.

Cuộc tập luyện trên nằm trong đợt huấn luyện chung lần đầu tiên giữa hải quân hai nước, bắt đầu sáu tuần trước và là một dấu hiệu cho thấy Nhật Bản ít nhất đã có cơ hội tiến vào vùng Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng lập tức bày tỏ quan ngại cuộc tập trận này trong cuộc họp báo thường kì, khi nói bằng những lời lẽ nghe có vẻ rất... hòa bình:  “Tôi hy vọng các bên tham gia sẽ không cố ý làm gia tăng các căng thẳng, sự tương tác giữa các bên nên thể hiện thiện chí đóng góp vào hoà bình và ổn định trong khu vực hơn là đối địch” (?)

Hãy cùng nhìn lại các vấn đề đang diễn ra:

- Nội các Nhật đang tìm cách sửa đổi Hiến pháp trong mùa hè này nhằm nới lỏng lệnh cấm từ sau Thế chiến II, để trao quyền cho quân đội của họ có thể tác chiến tại các vùng lân cận lãnh thổ Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết điều đó có thể bao gồm việc tuần tra trên biển Đông trong các trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hiện nay Nhật Bản chưa có kế hoạch cho việc này.

- Chỉ huy mới của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris trong chuyến thăm Tokyo gần đây đã trả lời truyền thông Nhật rằng loại máy bay P-3, vốn cũng đang được Mỹ sử dụng, là cực kỳ thích hợp cho việc tuần tra trên biển Đông. Mỹ cũng đang tìm kiếm sự trợ giúp từ Nhật, Úc và các đồng minh khác nhằm đối mặt với các thách thức từ TQ tới sự "thống trị hải quân" của họ trong khu vực Thái Bình Dương.

- Cuộc tập luyện diễn ra cùng lúc với đà gia tăng các chỉ trích của Mỹ tới các hoạt động trái phép của TQ như cải tạo đảo và xây dựng cơ sở hạ tầng trên các hòn đảo tranh chấp ở biển Đông.

- Các quan chức Nhật Bản cũng đã bắt đầu chỉ trích TQ “âm mưu thành lập lãnh thổ” thông qua các hoạt động xây dựng này.

“Chắc chắn là chính phủ hiện thời của Nhật Bản đang nghiêm túc biến điều này (hoạt động quân sự ngoài lãnh thổ) thành sự thật” - ông Corey Wallace, chuyên gia phân tích an ninh thuộc Đại học Freie Universitat ở Berlin nhận định và nói: 
“Tôi có cảm giác chính phủ Nhật đang lên kế hoạch cho các khung pháp lý và những khí tài quân sự cần thiết làm tiền đề cho việc ra quyết định xem liệu họ có tham gia trực tiếp vào các điểm nóng của khu vực trong tương lai hay không”?
Khánh Trần/Theo AP