1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Dấu ấn Kissinger trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Quốc Đạt

(Dân trí) - Ông Henry Kissinger, qua đời ngày 29/11, được nhiều người coi là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong quan hệ quốc tế thế kỷ 20. Nhưng sự nghiệp của ông cũng gặp nhiều chỉ trích.

Dấu ấn Kissinger trong chính sách đối ngoại của Mỹ - 1

Ông Henry Kissinger qua đời ngày 29/11 tại nhà riêng ở Mỹ (Ảnh: Reuters).

Ông Henry Kissinger đã qua đời ở tuổi 100 tại nhà riêng ở bang Connecticut, công ty tư vấn mang tên ông Kissinger Associates thông báo trong một tuyên bố vào cuối ngày 29/11. Tang lễ sẽ được gia đình ông tổ chức kín đáo.

Tuyên bố không nêu nguyên nhân ông qua đời. Ông Kissinger vẫn tham gia nhiều hoạt động ngay cả khi đã 100 tuổi, như chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 7 để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Từ cuối những năm 1960, ông Kissinger đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ và ứng phó những động lực phức tạp của Chiến tranh Lạnh.

Không chỉ đóng góp trên tư cách một nhà tư tưởng và học giả, ông còn để lại tác động đáng kể qua vị trí Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia cho 2 đời Tổng thống Mỹ là ông Richard Nixon và ông Gerald Ford.

Dù được công nhận là người có tầm ảnh hưởng, ông Kissinger lại có sự nghiệp gây ra nhiều tranh cãi, ngay cả trong lòng nước Mỹ. Một số tiếng nói chỉ trích cho rằng cách tiếp cận các vấn đề quốc tế của ông Kissinger đôi lúc bỏ qua những cân nhắc về mặt đạo đức.

Chính trị thực dụng

Trong một bài viết trên Conversation, 3 học giả André Carvalho, Anurag Mishra và Zeno Leoni nhận định rằng đóng góp lớn nhất của ông Kissinger đối với chính sách đối ngoại Mỹ là sự ủng hộ của ông đối với chính sách "chính trị thực dụng" ("realpolitik").

Ông Kissinger tin rằng Mỹ nên có quyết sách đối ngoại dựa trên sự đánh giá rõ ràng và có hệ thống đối với cán cân quyền lực. Cách tiếp cận này chủ trương theo đuổi lợi ích quốc gia một cách thực dụng, thay vì tuân theo các nguyên tắc trừu tượng.

Đối với Mỹ, "chính trị thực dụng" cũng có nghĩa là nước này nên tích cực hợp tác với các cường quốc khác để ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào có thể đe dọa thế thống trị của Mỹ.

Cách tiếp cận này đã định hình cách vị cựu Ngoại trưởng Mỹ xử lý các sự kiện lớn thời Chiến tranh Lạnh, như việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc hay việc hòa hoãn với Liên Xô vào đầu những năm 1970. Quan điểm này cũng được thể hiện qua cách tiếp cận của ông đối với chiến sự Ukraine.

Dấu ấn Kissinger trong chính sách đối ngoại của Mỹ - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ, gặp gỡ tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 20/7 (Ảnh: China Daily).

Không gì thể hiện tư tưởng thực tế của nhà ngoại giao Mỹ rõ ràng hơn chính lời của ông trong cuốn sách "Ngoại giao" xuất bản năm 1994, theo cây bút Michael Hirsh của Foreign Policy.

"(Trong thế kỷ tiếp theo) Mỹ sẽ cần các đối tác để duy trì thế cân bằng ở một số khu vực trên thế giới, và những đối tác này không thể được chọn lựa chỉ dựa trên các cân nhắc về đạo đức", ông Kissinger viết trong cuốn sách.

Ông Hirsh chỉ ra rằng vào giai đoạn cuối đời, ông Kissinger đã tỏ ra lo ngại trước khả năng Washington có cách tiếp cận đối đầu với cả Trung Quốc và Nga trên cơ sở ý thức hệ, từ đó có nguy cơ tự cô lập và làm hồi sinh liên minh Xô - Trung.

Năm 2018, ông Kissinger, khi ấy 95 tuổi, được cho là đã cố vấn Tổng thống Donald Trump hãy cố gắng lại gần Nga để đối phó Trung Quốc.

Những lời chỉ trích

Sự nghiệp của ông Kissinger cũng đã vấp phải nhiều chỉ trích.

Dưới thời Tổng thống Nixon, ông Kissinger ủng hộ các chiến dịch ném bom vào Campuchia, vô tình dẫn đến sự trỗi dậy của Khmer Đỏ.

Ông ủng hộ cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam dù ngay từ năm 1965, sau một chuyến thăm tới đây, ông đã kết luận rằng cuộc chiến ấy là vô vọng, theo Barry Gewen, học giả viết sách về nhà ngoại giao Mỹ.

Dấu ấn Kissinger trong chính sách đối ngoại của Mỹ - 3

Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin gặp nhau trên trực thăng, ngày 25/1/1974 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ).

Cũng vì thế mà ông Kissinger đã khởi động quá trình hòa hoãn và kiểm soát vũ khí hạt nhân với Liên Xô. Nhưng chính ông cũng khiến Moscow bất ngờ vào năm 1972 khi có động thái nối lại quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Theo AFP, tài liệu được giải mật cho thấy ông Kissinger đã tỏ thái độ ủng hộ đối với cuộc đảo chính tại Chile của tướng Augusto Pinochet vào năm 1973.

Một số ý kiến chỉ trích gay gắt nhất, như cố tác gia Christopher Hitchens, đã cáo buộc ông Kissinger đã bỏ qua luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của nhiều quốc gia. Các hành động của ông còn bị cho là làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch trong quá trình ra quyết sách đối ngoại của Mỹ.

Những năm cuối đời, ông Kissinger vẫn cố tìm hiểu thế giới. Nhưng cây bút Hirsh cho rằng thật trớ trêu khi ông Kissinger - từng bị cáo buộc bỏ qua cân nhắc về đạo đức trong sự nghiệp - lại tỏ ra lo sợ trước sự mất mát của yếu tố con người.

Trong loạt bài viết mà cao trào là Thời đại AI ("The Age of AI"), cuốn sách năm 2021 mà ông đồng tác giả với cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt và Daniel Huttenlocher, Trưởng khoa khoa học máy tính tại Viện Công nghệ Massachusetts, ông Kissinger đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc rằng mọi thứ đang đi sai hướng.

Nỗi lo của ông nằm ở chỗ quan niệm coi lý trí con người là ưu việt - tư tưởng giữ vai trò chủ đạo từ thời kỳ Khai sáng ở châu Âu cho tới nay - có thể đang bị lật đổ vì sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo.

Trong một bài luận năm 2018 trên Atlantic, ông Kissinger cho rằng hiện nay có quá nhiều quyết định "dựa vào máy móc được cung cấp bởi dữ liệu và thuật toán và không được quản lý bởi chuẩn mực đạo đức hoặc triết học".

Theo Foreign Policy, AFP, Conversation