1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đạt thỏa thuận Syria, Mỹ bị gạt sang lề?

Thỏa thuận Nga- Thổ Nhĩ Kỳ- Iran lập vùng an toàn ở Syria tưởng đã đẩy Mỹ ra bên lề nhưng Nga vẫn để Mỹ là bên gỡ rối tình hình Syria.

Không có Mỹ ở hòa đàm Syria

Ngày 4/5, đại diện phái đoàn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký một biên bản ghi nhớ chấp thuận việc thiết lập các vùng an toàn ở miền bắc, trung và miền nam Syria.

Thỏa thuận lập vùng an toàn do Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran ký kết được ghi vào biên bản ghi nhớ trong khuôn khổ cuộc đàm phán hòa bình tại Thủ đô Astana, Kazakhstan.

Hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, vùng an toàn ở Syria bao gồm 4 khu vực: thành phố Idlib và một số khu vực của Latakia, Homs, Aleppo và Hama cũng như Damascus, Eastern Ghouta, Daraa và Quneitra.

Hòa đàm Syria cho phép lập vùng an toàn ở Syria.
Hòa đàm Syria cho phép lập vùng an toàn ở Syria.

Các chốt kiểm soát và quan sát việc thực thi sẽ được dựng tại 4 vùng an toàn. Dưới sự kiểm soát của các quốc gia bảo trợ, dân thường và các đoàn xe viện trợ nhân đạo sẽ được cho phép di chuyển tự do bên trong vùng an toàn, thỏa thuận nêu rõ.

Trưởng phái đoàn Nga Aleksandr Lavrentyev tuyên bố Moscow sẵn sàng đưa quan sát viên đến những khu vực an toàn và làm việc chặt chẽ hơn với Mỹ và Arab Saudi về hồ sơ Syria.

Phía Iran khẳng định bản ký kết là bước tiến lớn đối với tiến trình giải quyết cuộc xung đột kéo dài tại Syria.

Ông Lavrentyev cho rằng, việc lập vùng an toàn có thể thực sự phá vỡ thế bế tắc hiện nay, giúp giải quyết vấn đề "nhập nhèm" tại Syria giữa lực lượng đối lập ôn hòa với các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay Mặt trận al-Nusra.

Bên cạnh đó, sáng kiến này cũng sẽ giúp giảm mức độ xung đột vũ trang giữa lực lượng đối lập và quân đội chính phủ.

Một quan chức bộ Ngoại giao Iran tuyên bố: "Chúng tôi ủng hộ mọi sáng kiến nhằm giảm leo thang xung đột tại Syria, ngăn chặn đổ máu và tình trạng người dân phải rời bỏ quê hương. Chúng tôi cũng ủng hộ mọi bước đi để chấm dứt cuộc chiến, bao gồm cả không quân".

Thỏa thuận này cũng nhằm mục đích đảm bảo "viện trợ nhân đạo khẩn cấp và liên tục" được gửi tới các khu vực có liên quan.

Về phía Syria, Bộ Ngoại giao nước này đã có thông cáo cho thấy ủng hộ các sáng kiến của Nga về 4 vùng an toàn này.

"Syria ủng hộ sáng kiến của Nga về các vùng giảm căng thẳng và khẳng định cam kết của mình đối với việc chấm dứt những hành động thù địch đã ký kết vào ngày 30/12/2016, trong đó có việc không ném bom các khu vực này" - thông cáo ghi rõ.

Thông cáo cũng nhấn mạnh rằng quân đội Syria sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại cái gọi là các nhóm khủng bố trên khắp nước này.

Thỏa thuận lập vùng an toàn ở Syria là những nỗ lực rất thành công của Nga trong việc chia lại ván cờ ở Trung Đông. Nó cũng đồng nghĩa với việc đánh bật Mỹ khỏi bàn đàm phán về hòa bình ở Syria.

Đây rõ ràng là biện pháp hiệu quả trên mặt trận ngoại giao của Nga ở Syria. Và trên mặt trận này, Nga đã gạt sang một bên sự tồn tại của người Mỹ.

Nga vẫn tôn trọng Mỹ, Washington là một bên để gỡ rối Syria

Dẫu vậy, là bên can thiệp vào Syria từ lâu nay, Mỹ vẫn được phía Nga xếp vào vị trí quan trọng trong việc tham gia gỡ rối tình hình ở quốc gia Trung Đông này.

Mỹ không còn là một bên trong bàn hòa đàm Syria nhưng động thái can thiệp quân sự thì ngày càng mạnh mẽ. Trên mặt trận ngoại giao, Mỹ không có mặt trong cam kết giải quyết tình hình trong hòa bình. Nhưng trên mặt trận quân sự, Nga vẫn mở một cánh cửa cho thấy sẽ tăng cường ảnh hưởng ở Syria nhưng Mỹ vẫn là một trong những bên quan trọng để bình định tình hình ở Trung Đông.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ diễn ra gần 1 tháng sau khi Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, đã ghi nhận những nỗ lực "xích lại gần nhau" giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin.

Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đã đồng ý rằng "tất cả các bên liên quan cần phải làm tất cả những gì có thể để chấm dứt bạo lực ở Syria".

Nga không để rơi Mỹ ở Syria.
Nga không "để rơi" Mỹ ở Syria.

Thông cáo của Nhà Trắng cho biết nội dung đã được thảo luận giữa ông Trump và ông Putin, "bao gồm các khu vực an toàn, không leo thang xung đột nhằm đạt được nền hòa bình lâu dài vì tính nhân đạo và nhiều lý do khác".

Điện Kremlin nhấn mạnh, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã đồng ý tăng cường đối thoại để tăng cường thực thi lệnh ngừng bắn, tạo sự ổn định lâu dài tại Syria.

Tổng thống Putin là người đã chủ động yêu cầu điện đàm với Tổng thống Mỹ, tỏ thiện chí làm giảm căng thẳng ở Syria. Sự trao đổi liên lạc này tạo niềm tin về việc Nga thực sự muốn Mỹ hiểu rằng, họ vẫn là một bên quan trọng ở Trung Đông và những vấn đề lớn như tình hình ở đây cần sự can thiệp của Mỹ.

Hồi đầu tháng 4, Moscow và Washington cũng đã nối lại bản ghi nhớ về phòng tránh sự cố và đảm bảo an toàn hàng không trên bầu trời Syria, ngay sau chuyến thăm chính thức Moscow của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Theo lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Tổng thống Putin không những bày tỏ về tầm quan trọng và sự cần thiết của Mỹ ở Syria, mà còn hối thúc giải quyết tình hình bằng việc bày tỏ sẵn sàng khôi phục lại hiệu lực của bản ghi nhớ an toàn bay - cho phép ngăn ngừa nguy cơ va chạm nguy hiểm giữa lực lượng không quân của Moscow và Washington.

Nga tỏ ra rất cần Mỹ để giải quyết tình hình ở Syria. Nhưng Nga nhỉnh hơn Mỹ một bước trong việc chiếm lấy ưu thế trên bàn đàm phán hòa bình mà Mỹ đã sớm bị gạt đi.

Theo Huy Vũ

Đất Việt