1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ giúp Mỹ tấn công IS

Sau nhiều tháng lưỡng lự, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức hợp tác với Mỹ để tấn công Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực biên giới với Xy-ri, sau khi hai nước đạt được thỏa thuận về kế hoạch quân sự chung nhằm thiết lập một “vùng đệm sạch bóng phiến quân IS”.

Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước đã phát động những cuộc tấn công xuyên biên giới vào Syria, nhằm vào các căn cứ của phiến quân IS. Quyết định trên được đưa ra sau khi nhóm thánh chiến tiến hành một vụ tấn công tự sát ở Thổ Nhĩ Kỳ làm 32 người thiệt mạng và một vụ tấn công bằng bom xe khiến 2 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tử vong hồi đầu tuần.

Theo kế hoạch trên, Ankara cũng lần đầu tiên chấp thuận cho Mỹ sử dụng căn cứ không quân Inslik để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu IS. Việc này sẽ rút ngắn đáng kể quãng đường mà các máy bay chiến đấu của Mỹ phải bay trước đó (từ Iraq) đến miền Bắc Syria, để tiến hành các cuộc oanh kích.

Đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ giúp Mỹ tấn công IS - 1

Lực lượng người Kurd tại Bắc Syria. (Ảnh: BBC)

Các cuộc oanh kích diễn ra liên tiếp trong 2 ngày qua ở khu vực biên giới bên trong lãnh thổ Iraq và Syria cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đối phó với IS.

Theo thỏa thuận mới được ký kết giữa hai bên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Mỹ sẽ quét sạch phiến quân IS ra khỏi một khu vực kéo dài khoảng 109km phía tây sông Euphrates. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự chung hiện nay giữa hai nước sẽ không áp đặt một khu vực cấm bay trong vùng theo yêu cầu bấy lâu nay của Thổ Nhĩ Kỳ, vì như vậy sẽ tạo ra nhiều hệ lụy khó lường đối với cả Ankara và Washinhton. Theo BBC, nỗ lực của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thiết lập một “vùng đệm” ở miền Bắc Syria.

Văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, nước này phải thực hiện các chiến dịch vượt qua biên giới quốc gia nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Văn phòng cũng cho biết thêm, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo cho các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và NATO cũng như các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ về chiến dịch này.

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đánh bật những phần tử IS ra khỏi biên giới với Syria có thể tạo ra căng thẳng với lực lượng người Kurd, dù lực lượng này cũng đang chiến đấu chống IS tại miền Bắc Syria.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) GienJens Stoltenberg cảnh báo Ankara rằng, chiến dịch không kích xuyên biên giới có thể gây nguy hiểm cho tiến trình được tạo ra trong những năm gần đây nhằm hướng tới một thỏa thuận hòa bình với phiến quân người Kurd. Cho đến nay, lực lượng đang kiểm soát phần lớn miền Bắc Syria này vẫn giữ nguyên lập trường phản đối Ankara can thiệp vào Syria vì cùng với các cuộc oanh kích IS, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các phiến quân người Kurd nổi dậy thuộc Đảng Công nhân người Cuốc (PKK) bên trong lãnh thổ Iraq.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, lực lượng người Kurd tại Syria hiện nay “nằm ngoài phạm vi của các nỗ lực quân sự hiện nay”, nhưng theo giới phân tích, chiến dịch tiêu diệt IS hiện nay của Ankara còn nhằm kiềm chế khả năng chiến đấu của lực lượng người Kurd.

Tuy nhiên, ngày 28-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng, không thể tiếp tục thảo luận tiến trình hòa đàm với các chiến binh người Kurd trong bối cảnh các vụ tấn công khủng bố nhằm vào người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tái diễn. Ông cũng cho rằng “vùng an toàn” ở miền Bắc Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang tạo dựng, sẽ dọn đường cho sự trở về của 1,7 triệu người tị nạn Syria đang sống tạm lánh ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn theo các nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên nhân chính trị đóng vai trò quan trọng đằng sau quyết định “bắt tay” với Washinhton chống IS của Ankara trong bối cảnh một cuộc bầu cử đột xuất có thể sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới tại nước này, sau khi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh thất bại.

Cuộc bầu cử hồi tháng 6 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ đã không có người nào giành thắng lợi rõ ràng bởi không có đảng chính trị nào có đủ sự ủng hộ để đứng ra thành lập một chính phủ đơn đảng. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền trong 13 năm qua đã không giành được đa số trong Quốc hội.

Chủ tịch AKP Davutoglu và Tổng thống Erdogan đều hy vọng sẽ giành lại sức mạnh trong cuộc bầu cử sớm sắp tới. Ông Mumtazer Turkone, từng làm việc tại Đại học Gazi, hiện phụ trách chuyên mục của nhật báo “Zaman” của Thổ Nhĩ Kỳ, dự đoán các cuộc tấn công IS và PKK của Ankara sẽ mở đường để AKP trở lại nắm quyền một mình.

Theo Mai Nguyên

Quân đội Nhân dân

Đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ giúp Mỹ tấn công IS - 2