Đằng sau tranh luận giữa Thủ tướng Trung Quốc với tỷ phú Mỹ
Mặc dù đích thân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lên tiếng phản bác lời cảnh báo của tỷ phú người Mỹ G. Soros, sau khi tỷ phú này nói kinh tế Trung Quốc khó tránh khỏi việc tăng trưởng chậm, thực trạng này hình như đang là một thực tế.
Từng là “đầu tàu” tăng trưởng của kinh tế thế giới, nhưng sau nhiều thập kỷ tăng trưởng GDP với tốc độ chóng mặt hơn 2 chữ số, kinh tế Trung Quốc đang dần giảm tốc. Số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc ước tính tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2015 chỉ ở mức 7%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Nhiều nhà phân tích độc lập thì cho rằng tốc độ thực tế chỉ 6,9%.
Những tín hiệu phát ra đầu năm 2016 cũng đầy báo động, thậm chí xuất hiện cả những thông tin rằng Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất. Thực tế là chưa kịp lắng dịu sau cú sốc sập sàn chứng khoán đầu năm mới, thị trường tài chính Trung Quốc lại rúng động. Lần này là 2 cú sốc trong một ngày: đồng nhân dân tệ giảm giá và thị trường chứng khoán sập sàn lần thứ 2.
Mặc dù Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này còn nằm trong vòng kiểm soát, nhưng khẳng định điều này trên thực tế không dễ. Hồi năm 2007, khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh, ông Lý Khắc Cường từng đưa ra “công thức” như sau: Khi muốn biết kinh tế ra sao, chỉ cần nhìn ba yếu tố là lượng điện tiêu dùng, lượng hàng hóa của xe lửa, và tiền vay của ngân hàng.
Vậy thì ba yếu tố này, hay còn gọi được gọi là “Chỉ số Lý Khắc Cường”, hiện nay ra sao? Trong năm 2015, lượng điện tiêu thụ chỉ tăng 0,7%, trong khi lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường xe lửa giảm 10,5%, tiền vay tổng cộng giảm 467 tỉ nhân dân tệ trong năm 2015. Đó là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang co rút lại. Người ta dự báo là trong năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc còn thấp hơn cả năm ngoái khoảng 1%.
Nguyên nhân nào khiến nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc mạnh? Có thể thấy đó là do xuất khẩu suy yếu, tình trạng dư thừa công suất của các nhà máy, đầu tư chậm lại, thị trường bất động sản yếu và mức nợ cao. Có những phân tích thì cho rằng nợ nần đang là “tử huyệt” lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc, tương tự như ở Nhật Bản cách đây 25 năm.
Khi đó nền kinh tế Nhật Bản phát triển quá nóng liên tục trong khoảng hai thập kỷ, tạo ra khoản nợ quốc gia khổng lồ. Khi khủng hoảng nổ ra, khoản nợ khổng lồ này đã nhấn chìm kinh tế Nhật Bản vào một giai đoạn suy thoái kéo dài mà thế giới vẫn gọi là “hai thập kỷ mất mát”.
Có những tính toán cho rằng Trung Quốc cần hơn 5 nghìn tỷ USD để cứu nền kinh tế, nhưng chưa chắc biện pháp đó đã đem lại kết quả. Bởi tới nay, Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp tiền tệ để hỗ trợ kinh tế. Có điều, các biện pháp đó có vẻ kém hiệu quả khi kinh tế Trung Quốc đang bị quá tải, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Trong bối cảnh đó, để vực dậy kinh tế, Trung Quốc có thể áp dụng một giải pháp là thao túng tỷ giá của đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Nhưng nếu để đồng nhân dân tệ giảm giá sâu sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên nỗi lo sợ trong giới đầu tư, thậm chí làm bùng nổ một cuộc chiến tranh tiền tệ với các nước khác.
Chưa ai có thể dự báo chắc chắn về triển vọng lấy lại tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Theo tỷ phú người Mỹ G. Soros, Trung Quốc đang từ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu là chủ đạo, chuyển sang nội địa làm chủ đạo. Một sự đảo chiều như vậy không hề dễ dàng trong thời gian ngắn. Trước mắt, sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.
Theo Hoàng Sơn
An ninh thủ đô