1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đằng sau đề xuất của tướng Mỹ ở Iraq

(Dân trí) - Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 10/9, Tướng David Petraeus, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Iraq, đã đề nghị cắt giảm khoảng 30.000 quân hiện đang triển khai ở quốc gia Trung Đông này vào mùa hè 2008.

Giới phân tích nhận định, đề nghị của ông Petraeus sẽ chấm dứt chiến lược "tăng quân", song về cơ bản không làm thay đổi chiến lược của cuộc chiến tranh mất lòng dân ở Iraq.

 

Do sức ép từ phía nghị sỹ Dân chủ và đa số cử tri đòi nhanh chóng rút quân Mỹ khỏi Iraq, Tướng Petraeus đã đưa ra đề nghị cắt giảm lực lượng xuống còn 130.000 lính vào tháng 8/2008 với điều kiện không làm suy yếu những tiến bộ về an ninh mới đạt được. Như vậy, lực lượng Mỹ ở Iraq sẽ quay lại mức trước khi Tổng thống Mỹ George W. Bush ra lệnh tăng quân hồi đầu năm.

 

Phát biểu trong phiên điều trần, Tướng Petraeus đề nghị rút 2.200 lính thuỷ đánh bộ khỏi Iraq trong tháng 9 này theo đúng kế hoạch. Nếu được ông Bush chấp thuận, một lữ đoàn chiến đấu khoảng 4.000 lính sẽ được rút trong tháng 12, tiếp đó 4 lữ đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ sẽ rời Iraq tới tháng 8/2008.

 

Bảo vệ cho đề xuất của mình, cả Tướng Petraeus lẫn Đại sứ Mỹ tại Iraq Ryan Crocker đều cho rằng tình hình Iraq đã đạt được tiến bộ. Cả hai đều bảo vệ chiến lược "tăng quân" của ông Bush là "đạt được đa số các mục đích quân sự". Hai ông này cảnh báo "việc rút quân sớm có thể sẽ gây ra những hậu quả tai hại" mà chỉ nên rút dần.

 

Tướng Petraeus cảnh báo Iran đang sử dụng lực lượng đặc biệt để "chống lại nhà nước của người Iraq và lực lượng liên quân ở Iraq". Iran tìm cách biến các nhóm đặc nhiệm người Iraq thành lực lượng giống như Hezbollah để phục vụ cho lợi ích của mình và tiến hành một cuộc chiến tranh "gây rối".

 

Ông Crocker cũng cho rằng, việc từ bỏ Iraq hoặc rút quân ồ ạt chắc chắn sẽ khiến mọi nỗ lực của Mỹ thất bại. Một Iraq hỗn loạn hoặc nội chiến sẽ là cơ hội tốt để các nước trong khu vực can thiệp vì lợi ích nào đó của họ tại Iraq.

 

Ông Crocker nói: "Không nghi ngờ gì nữa, trong bối cảnh đó, Iran sẽ là người chiến thắng. Tổng thống Iran đã tuyên bố nước này sẽ lấp đầy mọi khoảng trống tại Iraq. Mặc dù hiện trạng của chúng ta rất khó khăn, nhưng việc để cho Iran thay thế thì còn tồi tệ hơn nhiều". Trong trường hợp đó, mọi thành quả mà quân Mỹ đạt được trong cuộc chiến chống al-Qaeda ở Iraq sẽ đổ vỡ.

 

Các nhà phân tích đánh giá đề xuất trên của ông Petraeus chỉ nhằm tạo ra một "vỏ bọc chính trị" an toàn cho đảng Cộng hoà và ngăn chặn việc đảng Dân chủ kêu gọi rút quân nhanh hơn.

 

Giảm thiểu mục tiêu chiến thắng

 

Giới phân tích cho rằng với bế tắc hiện nay ở Iraq, trong khi tìm cách "câu giờ" để tìm kiếm một "chiến thắng" tại Iraq, chính quyền Mỹ đang phải hạ thấp tiêu chí chiến thắng, điều các kiến trúc sư của cuộc xâm lược năm 2003 đã đặt ra ở quốc gia Trung Đông này.

 

Quyết định của ông Bush, tiến hành cuộc chiến chống Tổng thống Iraq Saddam Hussein sau các vụ khủng bố ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ, đã dẫn tới nhiều sai lầm.

 

Vào thời điểm đó, ông Bush không chỉ muốn giải giáp các vũ khí giết người hàng loạt của Iraq và phế truất nhà độc tài tàn bạo mà còn muốn tạo ra một nền dân chủ điển hình theo kiểu phương Tây tại trái tim của thế giới Arập.

 

Đến nay, hầu như chẳng tuyên bố nào của ông Bush về Iraq trở thành hiện thực. Nơi đây không có vũ khí giết người hàng loạt. Người dân Iraq chào đón quân đội Mỹ không như với những "những người giải phóng" mà là những kẻ chiếm đóng ngoại bang. Sứ mệnh tại Iraq vẫn chưa hoàn tất dù ngày 1/5/2003, ông Bush đã tuyên bố kết thúc trận chiến chính trên boong một chiếc tàu sân bay. Hơn thế, ít nhất đã có 3.700 lính Mỹ và hàng chục nghìn người Iraq, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu (3/2003).

 

Và mục tiêu của "chiến thắng" ngày nay của chính quyền Bush chỉ còn là rút quân khỏi Iraq với ít thương vong phát sinh nhất, hay tổn hại lâu dài, với cả Iraq và Mỹ.

 

Ông Dan Benjamin, một cựu chuyên gia về Trung Đông trong Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton, cho rằng chiến thắng tại Iraq, điều mà chính quyền Bush lâu nay tìm kiếm, nay đã biến thành mục tiêu "tránh một cuộc tắm máu, tình hình có sự ổn định và khả năng dự đoán ở mức tối thiểu tại khu vực này".

 

Dự kiến cuối tuần này ông Bush sẽ có bài phát biểu về tình hình Iraq nhưng chưa có dấu hiệu nào về việc ông sẽ tuyên bố về một kế hoạch rút quân ồ ạt.

 

Các nhà phân tích đánh giá rằng trên thực tế, việc Mỹ rút quân khỏi Iraq là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên, chắc chắn ông sẽ tìm cách kéo dài việc rút quân này để cố gắng "vớt vát" uy tín cho nước Mỹ cũng như cho chính bản thân ông.

 

Kiến Văn