Đằng sau các vụ tấn công của Ukraine sâu 1.200km vào lãnh thổ Nga
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, các UAV của Ukraine đã được trang bị công nghệ đặc biệt để thực hiện những vụ tập kích vào loạt mục tiêu quan trọng sâu 1.200km trong lãnh thổ Nga.
Trong vài tuần qua, Ukraine liên tục nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dầu khí ở Nga bằng các máy bay không người lái có thể vượt qua hệ thống phòng không của Nga.
Hàng loạt cơ sở ở Nga bị tấn công như nhà máy lọc dầu Rosneft ở Tuapse, một kho lưu trữ cũng của hãng Rosneft tại Klintsy và cơ sở Ust-Luga trên biển Baltic của công ty khí đốt Novatek.
Trong một số vụ tập kích, UAV Ukraine có thể bay từ 800km tới hơn 1.200km vào sâu lãnh thổ Nga, gây ra thiệt hại cho mục tiêu quan trọng.
Theo Defense Express, một điểm đặc biệt trên UAV tự sát tầm xa của Ukraine chính là hệ thống dẫn đường DSMAC thế hệ mới giống như trong tên lửa hành trình.
Trong những cuộc tấn công "thọc sâu" tới hơn 1.000km, dẫn đường là yếu tố then chốt dẫn đến thành công. Đó là bởi vì máy bay không người lái không chỉ phải tiếp cận mục tiêu mà còn phải đi qua một tuyến đường phức tạp nhằm tìm cách vượt qua các khu vực được phòng không của đối phương bảo vệ.
Các phương pháp định vị vệ tinh có thể giúp dẫn đường UAV nhưng nhược điểm là chúng rất dễ bị tấn công bởi các hệ thống tác chiến điện tử (EW).
Đó là lý do vì sao nếu UAV chỉ dựa vào định vị vệ tinh sẽ không đủ hiệu quả. Do đó, theo truyền thông Ukraine, máy bay không người lái tầm xa của nước này sử dụng một hệ thống dẫn đường được mô tả là "ứng dụng trí tuệ nhân tạo cơ bản" và nó giúp các UAV tìm ra vị trí của mục tiêu dựa vào môi trường xung quanh.
Công nghệ được Ukraine sử dụng là DSMAC (Điều chỉnh định dạng khu vực theo hình ảnh số) phiên bản nâng cấp. DSMAC ban đầu xuất hiện trong tên lửa Tomahawk.
Nguyên lý hoạt động của DSMAC dựa trên hình ảnh tham chiếu của địa hình gắn với tọa độ thực được nạp sẵn vào hệ thống. Trong suốt chuyến bay, tên lửa hành trình liên tục chụp ảnh địa hình và so sánh với ảnh tham chiếu để xác định khu vực bên dưới có phải là mục tiêu hay không.
Đó là phiên bản DSMAC sơ khai được phát triển vào những năm 1980-1990, khi khả năng tính toán và bộ nhớ lưu trữ còn hạn chế.
Ngày nay DSMAC cho phép tải trước toàn bộ lộ trình bay vào vũ khí. Hơn nữa, các thuật toán tiên tiến để nhận dạng mục tiêu có thể cho phép vũ khí điều hướng hoàn toàn theo các điểm mốc trong lộ trình.
Cơ chế này được cho là cách nhắm mục tiêu của UAV Ukraine trong giai đoạn cuối của hành trình bay. DSMAC có thể giúp UAV nhận ra mục tiêu định tấn công bằng cách so sánh hình ảnh thực tế với hình ảnh tham chiếu.
Loại công nghệ tương tự cũng được sử dụng trong tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP.
Trước đó, các chuyên gia quân sự cho hay Ukraine đã phát triển tới 15 loại UAV tầm xa có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nhằm vào các cơ sở dầu khí có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga.
Mỹ và đồng minh tới nay vẫn không cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga nên họ không còn lựa chọn nào khác là phải tự phát triển UAV để tập kích đối phương.
Từ năm ngoái, Ukraine đã tuyên bố chế tạo được UAV có tầm tấn công 1.000km, đặt nhiều mục tiêu quan trọng của Nga vào tầm ngắm.