1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đảng cầm quyền Nhật Bản LDP - Thời hoàng kim đã qua?

(Dân trí) - Với việc hai thủ tướng đột ngột từ chức trong vòng chưa đầy một năm, các nhà phân tích đang đặt câu hỏi phải chăng Đảng Dân chủ Tự do (LDP) một thời bất bại trên chính trường Nhật Bản cuối cùng đã đánh mất vị trí độc tôn quyền lực.

Đối mặt với bế tắc tại quốc hội, nơi phe đối lập đang kiểm soát Thượng viện, Thủ tướng Yasuo Fukuda đã tuyên bố từ chức tối 1/9, khoảng 11 tháng sau khi người tiền nhiệm của ông là Shinzo Abe cũng đột ngột từ chức. Việc từ chức bất ngờ này xuất hiện chỉ một số ngày sau khi gói khôi phục kinh tế của chính phủ đưa ra được đón nhận tích cực, và chỉ chưa đến ba tuần sau khi chính phủ tuyên bố nền kinh tế Nhật Bản đã có tiến triển tích cực trong quý vừa qua.

 

Tại cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp, vị Thủ tướng 72 tuổi này cho hay kể từ khi ông làm Thủ tướng vào tháng 9 năm ngoái, nỗ lực theo đuổi các chính sách quan trọng của ông đã thường xuyên bị cản trở bởi sự phản đối của phe đối lập trong một nghị viện bị chia rẽ. Trước tiến triển chậm chạp này, ông Fukuda cho rằng sẽ là tốt hơn nếu để người khác thay cương vị của ông. Trong những tháng vừa qua, ông Fukuda và LDP chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ chính sách của nghị viện rất thấp, chỉ khoảng 30%.

 

Tetsuro Kato, giáo sư chính trị thuộc trường Đại học Hitotsubashi tại Tokyo nói: "LDP hiện đang có những triệu chứng của một căn bệnh vô phương cứu chữa, khi đảng này đang thiếu những chính trị gia có khả năng lãnh đạo". 

 

Nguyên nhân chính đằng sau việc ông Fukuda từ chức là sự mất dần quyền lực của LDP sau khi đảng này bị thất bại trong việc kiểm soát Thượng viện tại cuộc bầu cử năm ngoái. Điều này đặt ông Fukuda vào một nhiệm vụ khó khăn, mặc dù liên minh cầm quyền vẫn kiểm soát Hạ viện đầy quyền lực, vì thượng viện có thể trì hoãn việc thông qua luật pháp và có thể phủ quyết một số bổ nhiệm quan trọng. Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập đã sử dụng ưu thế này để gây nhiễu đối với chính phủ của ông Fukuda nhằm mục đích buộc ông phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm.

 

Vì sự chia rẽ trong nghị viện, Nhật Bản phải tạm thời ngưng nhiệm vụ tiếp dầu cho các tàu hoạt động ở Ấn Độ Dương, một nỗ lực hỗ trợ hoạt động do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan. Đầu năm nay, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã bị rơi vào tình trạng không có thống đốc trong một số tuần sau khi DPJ phủ quyết một số ứng viên do ông Fukuda đưa ra.

 

LDP được thành lập từ năm 1955 trên cơ sở sát nhập hai đảng bảo thủ, đã giúp Nhật Bản phục hồi từ những tàn phá của Chiến tranh thế giới lần thứ hai để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Suốt từ đó đến nay, chỉ trừ một khoảng thời gian 10 tháng, LDP luôn là đảng cầm quyền tại Nhật Bản. Các nhà phân tích cho rằng trừ phi thủ tướng sắp tới có thể phục hồi được uy tín của họ, LDP đang đối diện với nguy cơ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2009.

 

Giáo sư chính trị quốc tế Yoshinobu Yamamoto, thuộc trường Đại học Aoyama tại Tokyo nói: "Mặc dù người ta không nên đưa ra các kết luận sớm, nhưng vụ từ chức này có thể là sự khởi đầu cho một kết thúc chính trị của LDP".

 

K.V

Theo AFP