1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đăng cai tranh luận Trump - Biden, các hãng truyền thông Mỹ hưởng lợi gì?

Quốc Thủy

(Dân trí) - Các cuộc tranh luận trực tiếp giữa Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump rất được dư luận Mỹ chờ đợi và dự kiến thu hút hàng chục triệu người xem trên các nền tảng phát sóng.

Đăng cai tranh luận Trump - Biden, các hãng truyền thông Mỹ hưởng lợi gì? - 1

Ông Trump và ông Biden sẽ tranh luận trên CNN vào ngày 27/6 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump hôm 15/5 đồng loạt công bố tham gia cuộc tranh luận do hãng truyền thông CNN tổ chức trước thềm cuộc "tái đấu" giành ghế ông chủ Nhà Trắng tháng 11 tới.

"Tôi đã nhận và đồng ý với lời mời từ CNN về việc tham gia tranh luận vào ngày 27/6. Đến lượt ông đấy, Donald. Như ông nói: Mọi nơi, mọi lúc, mọi địa điểm", ông Biden viết trên Twitter.

"Câu trả lời là có. Tôi chấp nhận", ông Trump nói với CNN sau đó.

Theo thông báo của các đội ngũ tranh cử, ông Biden và ông Trump sẽ có 2 cuộc đối đầu trực tiếp trước thềm bầu cử: Cuộc tranh luận đầu tiên do CNN tổ chức ngày 27/6 và sự kiện thứ hai do ABC News tổ chức ngày 10/9, sau khi 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đã chính thức đề cử ứng viên.

"Chiến thắng lớn nhất trong năm của ngành truyền hình" - đó là cụm từ được New York Times sử dụng để nói về cách thức CNN và ABC News vượt qua các đối thủ để giành quyền tổ chức 2 cuộc tranh luận giữa ông Biden và ông Trump. Đây sẽ là "cơ hội vàng" giúp hai đài truyền hình này khẳng định uy tín trong mắt khán giả Mỹ, cũng như thu được lợi ích về tài chính.

"Các đài truyền hình được quảng bá mạnh khi thương hiệu của họ được nhắc đến mọi lúc trước, trong và sau cuộc tranh luận", giáo sư Frank Sesno (Đại học George Washington, Mỹ), cựu trưởng văn phòng Washington của CNN, trao đổi với Dân trí.

Lợi ích tiềm tàng

Theo ông Mark Feldstein, chuyên gia tại trường báo chí của Đại học Maryland (Mỹ) và là cựu phóng viên của CNN và ABC, việc 2 hãng truyền thông này được lựa chọn đến từ tính toán của 2 ứng viên: Cả 2 đều muốn thu hút nhóm cử tri trung dung - những người có xu hướng theo dõi CNN và ABC.

Bên cạnh đó, 2 ứng viên cũng muốn tránh những nhà đài quá đối địch. Ông Trump sẽ không muốn xuất hiện trên kênh truyền hình đậm chất tự do như MSNBC, còn ông Biden sẽ không muốn xuất hiện trên kênh bảo thủ như Fox News. Nhóm cử tri xem 2 kênh này cũng đã có sự phân hóa rõ rệt, khiến họ không còn là mục tiêu thuyết phục chính của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa.

"Các cử tri còn lưỡng lự cũng xem cả CBS News và NBC News, nhưng ABC phần nào bảo thủ hơn. Ông Trump có lẽ cũng không muốn xuất hiện trên NBC do đài này có cùng chủ sở hữu với MSNBC vốn có khuynh hướng tự do", ông Feldstein phân tích.

Theo giáo sư Jeffrey McCall (Đại học DePauw, Mỹ), do ông Trump từng thách thức ông Biden tranh luận ở bất cứ nơi nào, phe Cộng hòa phải chấp nhận những phương án mà đội ngũ của ông Biden mong muốn. Đội ngũ tranh cử của ông Biden từng từ chối đề nghị của phe Cộng hòa về một cuộc tranh luận thứ ba trên Fox News vào tháng 10, Washington Post cho biết.

"Ông Biden chắc chắn không đồng ý tranh luận trên một kênh không thân thiện. Với tư cách người thách thức, ông Trump phải chấp nhận các điều khoản không hoàn toàn thỏa mãn để đảm bảo cuộc tranh luận có thể diễn ra", ông McCall nhận định.

Trong khi đó, giáo sư Sesno chỉ ra rằng CNN và ABC cũng là 2 kênh truyền hình uy tín. "Ông Trump có thể phàn nàn về xu hướng thiên về tự do của CNN nhưng kênh truyền hình này vẫn tập trung vào việc đưa tin và ít tính đảng phái hơn so với các kênh truyền hình cáp lớn khác. ABC là kênh truyền hình có truyền thống. Do đó, cả hai cung cấp diễn đàn rộng mở và đáng tin cậy bất chấp mối lo ngại từ các ứng viên về địa điểm hay thể thức", ông nhận định.

Với việc tổ chức tranh luận, CNN hưởng lợi trên nhiều khía cạnh, từ uy tín tới lợi ích tài chính trực tiếp.

"Cuộc tranh luận cho thấy tầm quan trọng của kênh truyền hình này và việc họ được cả hai ứng viên tin tưởng ở mức độ nhất định. Ngoài ra, cuộc tranh luận cũng mang lại lợi ích tài chính trực tiếp cho CNN vì được theo dõi bởi hàng triệu cử tri nhiều hơn thường lệ, giúp tăng chỉ số tỷ lệ người xem và qua đó cho phép họ thu tiền quảng cáo cao hơn", ông Feldstein nói.

Tuy nhiên, CNN cũng phải đối mặt với những rủi ro nhất định. Theo ông Sesno, người điều hành phiên tranh luận đôi lúc sẽ cần áp dụng các biện pháp mạnh - như buộc một ứng viên ngừng nói - để đảm bảo các quy tắc không bị phá vỡ. Điều này khiến họ dễ bị các phe phái chỉ trích.

Đăng cai tranh luận Trump - Biden, các hãng truyền thông Mỹ hưởng lợi gì? - 2
Ông Trump và ông Biden trong cuộc tranh luận trước thềm cuộc bầu cử năm 2020 (Ảnh: Reuters).

Quy định liệu có công bằng?

Nếu muốn tiếp sóng cuộc tranh luận ngày 27/6 tới, các đài truyền hình tại Mỹ phải tuân thủ hàng loạt quy tắc được CNN đặt ra. Logo của CNN cần xuất hiện trong toàn bộ chương trình. Tên sự kiện cần được gọi là "Tranh luận bầu cử tổng thống trên CNN". Các kênh khác được phép chèn logo của mình nhưng không được che khuất đồ họa của CNN.

Khác với truyền thống, chương trình năm nay sẽ có hai quãng nghỉ dành cho quảng cáo, mỗi quãng nghỉ kéo dài 3 phút rưỡi. Các đài truyền hình khác được phép chèn quảng cáo của họ nhưng không được cử phóng viên bình luận trong khoảng thời gian này. Đến nay, các đài truyền hình lớn như Fox News, NBC, MSNBC, ABC… đều đã tuyên bố sẽ tiếp sóng tranh luận.

Trả lời Los Angeles Times, ông Mark Lukasiewicz, hiệu trưởng trường báo chí tại Đại học Hofstra (Mỹ) và là cựu nhân viên NBC, cho rằng đây là các quy định công bằng do các đài truyền hình khác vẫn được tự mình chèn quảng cáo. Theo một số đánh giá, số người xem trực tiếp trên CNN có thể còn thấp hơn một số kênh truyền hình khác như Fox News.

Tuy nhiên, giáo sư McCall có quan điểm trái ngược. "Dường như điều này không công bằng với các kênh khác. Dù vậy, họ chắc chắn không có tiếng nói nào - nếu không chấp nhận các hạn chế của CNN, họ sẽ hoàn toàn phải đứng ngoài", vị chuyên gia nói.

Cuộc tranh luận lần này sẽ là lần đầu tiên sau nhiều năm vai trò tổ chức thuộc về các đài truyền hình, thay vì Ủy ban Tranh luận Bầu cử Tổng thống (CPD) như thường lệ. Trước đó, cả phe Cộng hòa lẫn phe Dân chủ đều từ chối tham gia sự kiện của CPD, một phần vì cho rằng thời điểm diễn ra quá muộn. Dù vậy, giáo sư McCall nhận định việc đổi đơn vị tổ chức tranh luận từ CPD sang các đài truyền hình chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề.

"Các cuộc tranh luận trên truyền hình có nhiều thiếu sót trong những năm qua và hiếm khi đáp ứng nhu cầu của cử tri", ông nói. "Các chương trình này không thực sự là tranh luận mà là giống như một cuộc họp báo tay đôi, nơi các nhà báo có vai trò quá nổi bật. Các cuộc tranh luận giữa ứng viên tổng thống cần có sự thay đổi lớn vì tôi không tin mô hình do CPD hay các đài truyền hình tổ chức sẽ hiệu quả".

"Nhìn chung, từ quan điểm nghĩa vụ công dân, chính trị hay báo chí, việc tổ chức tranh luận là hoạt động quan trọng phục vụ cộng đồng. Những lời chỉ trích là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên sự kiện này đóng vai trò quan trọng với nền dân chủ và lựa chọn của cử tri trong năm bầu cử có hệ quả to lớn này", ông Sesno chia sẻ.