1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Dàn vũ khí đặc biệt dưới đáy biển của Nga

Nguyễn Quang

(Dân trí) - Những robot chiến đấu dưới đáy biển có khả năng "quét" đáy đại dương và mang đầu hạt nhân mạnh, góp phần tăng thêm uy lực cho kho vũ khí của Nga.

Dàn vũ khí đặc biệt dưới đáy biển của Nga - 1

Hệ thống đa năng đại dương Poseidon (Ảnh: TASS).

Các cuộc tập trận đặc biệt nhằm kiểm tra vũ khí trên tàu ngầm diễn ra mới đây ở Biển Barents và Biển Na Uy mang ý nghĩa đặc biệt về nhiều mặt. Độ sâu thử nghiệm đã được tuyên bố là trên 500 m, và vũ khí thử nghiệm mới: ngư lôi điện phổ quát hoạt động dưới biển sâu "Case". Các phương tiện dưới nước khác cũng được thử nghiệm, bao gồm cả những phương tiện không người lái.

Sự phát triển của phương tiện không người lái dưới nước đã được biết đến từ lâu. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã chính thức lên tiếng về chủ đề này vào năm ngoái, trong cuộc thảo luận "Trí tuệ nhân tạo - Công nghệ chính của thế kỷ 21".

"Trong vùng nước nội địa của chúng tôi có cả các tàu hải quân có thể hoạt động mà không cần thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, chúng tôi tự chế tạo ra các tàu biển không người lái, bao gồm cả phiên bản ngầm dưới nước, phục vụ trong lĩnh vực quốc phòng", ông Putin nói vào thời điểm đó.

Hiện không ai còn ngạc nhiên với máy bay không người lái hay những phương tiện bọc thép có thể di chuyển trên chiến trường và khai hỏa mà không cần đến yếu tố con người, không cần đến kíp lái. Tuy nhiên, robot dưới nước vẫn còn được coi là điều mới lạ - đó là những tàu ngầm mini không chỉ được điều khiển từ xa, mà còn mang "trí tuệ nhân tạo" cho phép chúng hoạt động độc lập, tùy thuộc vào các nhiệm vụ được lập trình.

Vài năm trước, các ấn phẩm của Mỹ đã đăng hàng loạt bài báo về chủ đề: người Nga đang chế tạo tàu ngầm không người lái mang đầu đạn hạt nhân cực mạnh, có khả năng phá hủy các căn cứ tàu ngầm chiến lược của Mỹ và các cơ sở quan trọng khác trên bờ biển.

Mỹ khi đó lo ngại về sự xuất hiện của tàu ngầm Nga với tiềm năng chiến đấu lớn, nhưng với mục đích không rõ ràng. Vũ khí mà Mỹ nói tới là tàu ngầm hạt nhân khá cũ "Podmoskovye", sau khi hiện đại hóa đã biến thành căn cứ nổi cho tàu ngầm mini. Trong quá trình cải tạo, con tàu mang tên lửa chiến lược này đã được bố trí thêm một khoang chứa các thiết bị phục vụ cho các công việc dưới nước và có thêm một điểm kết nối ở phần dưới của thân tàu. Tuy nhiên, người Mỹ không biết mục đích thực sự của tàu này, do đó họ rất lo lắng. Trong khi đó, Nga đang tiến hành các công việc tích cực để tạo ra các tàu ngầm thế hệ thứ 5 đầy hứa hẹn, sẽ được trang bị các nền tảng mô-đun thống nhất, được trang bị vũ khí tích hợp và các hệ thống robot.

Thông tin về tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 5 với các robot chiến đấu trên tàu được giữ bí mật tuyệt đối. Chiếc đầu tiên trong số này, tàu ngầm hạt nhân đa năng Belgorod (Dự án 949A Antey), đã trở thành tàu thử nghiệm cho tàu lặn không người lái Poseidon. Người ta cho rằng các tàu ngầm mới sẽ có nhiều cơ hội hơn để sử dụng cả vũ khí truyền thống như ngư lôi, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cũng như tàu ngầm mini, sẽ thực hiện các nhiệm vụ độc lập, sau khi nhận được lệnh từ tàu chỉ huy hoặc đài chỉ huy trên không.

Việc thử nghiệm các tàu ngầm mini không có thủy thủ đoàn đã được tiến hành ở Nga từ năm 2008. Được biết, các cuộc thử nghiệm diễn ra ở phía Bắc và ở vùng Kuril thuộc Thái Bình Dương. Mục tiêu của tàu ngầm không người lái nguyên tử này có thể là một đội tàu sân bay, một căn cứ của các hàng không mẫu hạm chiến lược của đối phương. Hầu như không thể phát hiện ra nó do kích thước nhỏ và tiếng ồn thấp khi di chuyển dưới nước. Tàu ngầm mini có thể phóng đầu đạn hoặc tự nó có thể trở thành một quả ngư lôi.

Ngoài tàu ngầm hạt nhân Podmoskovye tham gia thử nghiệm tàu lặn không người lái dưới nước, còn có tàu ngầm diesel Sarov (dự án 20120) cũng được chuyển đổi sang làm nhiệm vụ vận tải hệ thống robot. Chính trên con tàu "Sarov", các tàu ngầm mini dành cho tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 5 đã được thử nghiệm. Đây là những chiếc tàu được thiết kế tại Trung tâm Tên lửa Quốc gia mang tên Viện sĩ Makeyev kết hợp cùng với Cục Thiết kế Trung ương "Rubin". Dự án được gọi là "Skif". Mục đích của nó là tung ra những đòn bất ngờ từ độ sâu của đại dương.

"Skif", đúng hơn, không phải là tàu ngầm, mà là một tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển, không có người trên tàu, được điều khiển từ xa. Đồng thời, nó có thể thay đổi địa điểm triển khai ngay cả trước khi được sử dụng trong chiến đấu. Ngay cả khi kẻ thù tiềm năng phát hiện ra khu vực có hệ thống "Skif" từ một tàu ngầm của Nga, thì các thiết bị này vẫn có thể di chuyển một khoảng cách xa đáng kể, sau đó mới tự chìm xuống đáy biển. Ngoài ra, ở giai đoạn đầu, tên lửa tự phát ra tiếng ồn, bắt chước hoạt động của máy phát điện trên tàu ngầm, nhằm gây nhầm lẫn cho đối phương và cho phép tàu ngầm rời ra khỏi khu vực. Chỉ sau đó chúng mới lặng lẽ chiếm giữ một vị trí mà không ai biết rõ.

Phát triển này thuộc về phòng thiết kế "Rubin" và Trung tâm Tên lửa Quốc gia mang tên Viện sĩ Makeev, là những cơ quan đã hoàn thành đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga và bắt đầu thử nghiệm Skif vào năm 2013. Tên lửa đạn đạo-ngư lôi ở biển sâu có khả năng nằm dưới đáy biển hoặc đáy đại dương trong thời gian dài ở chế độ im lặng và sau đó, khi nhận được lệnh, nó sẽ bắn trúng các mục tiêu với tốc độ cực nhanh ở khoảng cách trên 300 km.

Skif có thể phóng từ độ sâu ở bất cứ nơi đâu, có thể ngay trong vùng lân cận mục tiêu, điều này thực tế đã loại trừ khả năng nó bị tiêu diệt. Ở đây, các phương tiện chống tàu ngầm đều bất lực. Tuy không được quảng cáo rộng rãi, nhưng có lẽ, Nga đã hoàn thành công việc chế tạo các tàu ngầm không người lái có khả năng tiêu diệt một nhóm tàu sân bay của kẻ thù tiềm tàng trong cùng một thời điểm, và chúng đã được đưa vào kho vũ khí của lực lượng vũ trang Nga.

Dàn vũ khí đặc biệt dưới đáy biển của Nga - 2

Tàu ngầm hạt nhân đa năng Belgorod (Ảnh: TASS).

Còn một hệ thống robot hàng hải khác của Nga là tổ hợp "Galtel", vừa làm nhiệm vụ trinh sát, vừa làm nhiệm vụ công binh hải quân, đã hoạt động thử nghiệm thành công ở Syria. Thiết bị đã tham gia vào việc tìm kiếm vật liệu chưa nổ và bảo vệ vùng nước trong khu vực cảng Tartus. Nhờ tàu ngầm robot của Nga mà lần đầu tiên bản đồ chi tiết về bề mặt đáy ngoài khơi bờ biển Địa Trung Hải của Syria đã được lập ra.

Ở dưới nước, robot này được dẫn đường bởi các phần tử của hệ thống định vị thủy âm để định vị cho các phương tiện ở dưới nước. Bằng cách này, người ta thiết lập các tọa độ, cố định điểm tham chiếu. Vì tín hiệu GPS hoặc GLONASS không thể thâm nhập xuống độ sâu cho nên người ta phải tạo ra những mốc cảnh báo như vậy ở dưới nước, cho phép robot di chuyển theo một quỹ đạo nhất định. Đồng thời "Galtel" có thể chụp bất kỳ vật thể nào trôi nổi hoặc nằm dưới đáy biển - từ người nhái cho đến một vật nhỏ như hộp diêm.

Tổ hợp này bao gồm một phương tiện không người lái dưới nước được điều khiển từ xa và hai tàu ngầm không người lái tự hành, với khả năng tự động điều hướng lên đến 24 giờ và tầm hoạt động lên đến 100 km. Trong vòng 12 giờ, tàu lặn không người lái dưới nước khảo sát một khu vực rộng 4 km2. Tàu ngầm có thể di chuyển theo các quỹ đạo khác nhau và có thể tự mình vượt qua các chướng ngại vật dưới nước.

Tàu lượn (glider) là phương tiện tự động, di chuyển trong nước như cá nhờ những thay đổi về sức nổi cũng đang ở giai đoạn hoàn thiện phát triển. Về hình thức, chúng trông giống như ngư lôi - có cánh và đuôi. Thiết bị này chỉ nặng khoảng 15-35 kg, di chuyển không nhờ sự trợ giúp của chân vịt mà nhờ vào một bộ ắc quy thủy lực đặc biệt tiêu thụ năng lượng ở mức tối thiểu. Tàu lượn di chuyển yên lặng và hầu như không thể nhận biết khi chúng di chuyển trên một quãng đường dài. Chúng có thể tiến hành trinh sát hoặc được sử dụng làm vũ khí chống mìn và chống tàu ngầm. Chúng có thể mang vũ khí - ngư lôi siêu nhỏ 120 mm được chế tạo đặc biệt, được trang bị chất nổ mới, có hiệu quả tương đương với ngư lôi 533 mm. Ưu điểm của các thiết bị này là ở chỗ tàu lượn chỉ sử dụng năng lượng sóng. Khi di chuyển dưới nước, chúng không tạo ra tiếng ồn dù là nhỏ nhất và do đó các thiết bị thủy âm không thể phát hiện được.

Một thiết bị khác cũng không kém phần đặc biệt được dùng trong quân đội Nga là tàu lượn sóng Fugu. Đây là một nền tảng robot được điều khiển từ xa, bao gồm hai phần được kết nối với nhau bằng cáp - một phần nổi trên mặt nước và một phần nằm dưới nước. Phần nổi trên mặt nước tương tự như một tấm ván lướt sóng và được gắn thiết bị đặc biệt, các tấm pin mặt trời được thiết kế để thu năng lượng cần thiết cho các cảm biến hoạt động. Phần dưới nước của tàu lượn được trang bị các cánh động cơ quay tự do. Sử dụng năng lượng của sóng, những chiếc "vây" này đẩy "Fugu" di chuyển về phía trước. Hệ thống điều khiển của robot dưới nước cho phép nó định hướng và di chuyển, tránh va chạm với đá ngầm hoặc các chướng ngại vật khác. Phần cứng quan trọng của thiết bị thì tùy thuộc vào bản chất của các nhiệm vụ được giao cho robot dưới nước.

Bộ Quốc phòng Nga không nêu rõ loại robot nào đang được thử nghiệm ở biển Barents và Na Uy. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Nga không chỉ tiến hành các cuộc kiểm tra, mà còn tổ chức các cuộc thi quy mô lớn về kỹ thuật robot hàng hải, do các viện thuộc tổ hợp công nghiệp-quân sự Liên bang Nga, Quỹ nghiên cứu tiên tiến, Bộ Quốc phòng Nga với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và Công ty Cổ phần "Liên hiệp đóng tàu" tổ chức. Tàu ngầm - robot ở Nga ngày nay không còn là câu chuyện viễn tưởng, mà là một thực tế có tính ứng dụng thực sự.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm