1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đài Loan phái chiến hạm "uy hiếp" Philippines

(Dân trí) - Đài Loan ngày 12/5 đã phái 4 tàu lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu hải quân nhằm tăng cường tuần tra ở vùng biển gần Philippines sau vụ Philippines bắn chết một ngư dân Đài Loan. Trong khi đó báo chí Trung Quốc yêu cầu Bắc Kinh “dạy cho Manila một bài học”.

 

Đài Loan phái chiến hạm gây áp lực với Philippines

Tàu khu trục nhỏ và tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan lên đường nhằm tăng cường tuần tra tại vùng biển đã xảy ra vụ nổ súng khiến một ngư dân của hòn đảo này thiệt mạng.


“Chính quyền quyết tâm bảo vệ ngư dân”, người phát ngôn nội các đảo Đài Loan Cheng Li-wen ra tuyên bố cho biết, khi một tàu khu trục nhỏ cùng các tàu của lực lượng bờ biển lên đường tới khu vực ngư dân 65 tuổi của Đài Loan bị giết chết vào hôm thứ năm vừa qua.

 

Trong tuyên bố mạnh mẽ ra vào cuối ngày thứ bảy, Đài Loan đã yêu cầu Manila xin lỗi và đền bù cho gia đình nạn nhân, nếu không sẽ bị Đài Loan ngưng tuyển lao động Philippines.

 

Đài Loan cũng yêu cầu đưa các nhân viên lực lượng bảo vệ bờ biển chịu trách nhiệm về vụ việc ra pháp lý đồng thời bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận đánh bắt.

 

“Nếu chính phủ Philippines không phản ứng với thái độ tích cực này trong 72 giờ, việc thuê công nhân Philippines sẽ bị ngừng”, Lee Chia-fei, người phát ngôn văn phòng lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố.

 

Hiện có khoảng 87.000 người Philippines làm người giúp việc và công nhân ở Đài Loan và mỗi năm họ gửi về nhà hàng trăm triệu USD.

 
Đài Loan cho biết tàu Kuang Ta Hsin No 28 bị nã hơn 50 phát đạn.
Đài Loan cho biết tàu Kuang Ta Hsin No 28 bị nã hơn 50 phát đạn.
 

Hơn 50 viên đạn đã được bắn vào tàu 15 tấn “Kuang Ta Hsin No 28”, khiến thuyền trưởng Hung Shih-cheng thiệt mạng. “Đây đúng là một vụ giết người”, công tố Đài Loan Liu Chia-kai cho biết sau khi kiểm tra tàu.

 

Tại Manila, người phát ngôn Tổng thống Benigno Aquino, hôm thứ bảy vừa qua cho biết giới chức trách đã mở một “cuộc điều tra minh bạch và toàn diện” về vụ việc.

 

Chính quyền Đài Loan hiện đang hứng chịu áp lực phải hành động từ phe đối lập và báo chí khi Philippines cho đến nay vẫn từ chối xin lỗi và cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển của mình đã đối phó với một vụ đánh bắt trái phép.

 

George Tsai Wei, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu toàn cầu hóa của Đại học văn hóa Trung Quốc, cho rằng ông Mã hiện đang hứng chịu áp lực nặng nề và mối quan hệ Đài-Philippines sẽ xấu đi nếu Manila từ chối phản ứng.

 

“Dựa vào sự tức giận của công chúng ở đây sau vụ giết người và xét đến nền chính trị đối nội của Đài Loan cũng như hình ảnh quốc tế của hòn đảo này, ông Mã phải cương quyết trước những gì ông yêu cầu và phải hành động cứng rắn”, ông Tsai cho hay.

 

Xu Xue, nhà nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu Đài Loan, tại Đại học Hạ Môn, cũng đồng ý rằng nếu Manila không chấp nhận yêu cầu của Đài Loan, ông Mã sẽ hành động thêm. Ông Xu tin rằng vụ việc sẽ giúp ông Mã giành sự ủng hộ của công chúng.

 

“Bất kỳ vụ việc bên ngoài nào cũng thường làm tăng sự ủng hộ của công chúng đối với các lãnh đạo chính trị và tôi tin ông Mã biết rõ làm thế nào để “cưỡi sóng”, giúp củng cố tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với mình”, ông Xu nhận định.

 

Sự ủng hộ dành cho ông Mã hiện đang tăng so với hồi tháng 3. Một cuộc điều tra khi đó cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông thấp kỷ lục 13%.

 

Theo ông Xu, sự giận dữ của công chúng về vụ việc sẽ thu hút sự chú ý và vì vậy trao cho ông Mã cơ hội sửa chữa hình ảnh của mình và chính quyền của ông.

 

Vụ việc xảy ra vào thời điểm căng thẳng trong khu vực Biển Đông tăng cao. Báo chí Trung Quốc đại lục đã đứng về phía Đài Loan trong vụ việc trên, yêu cầu Bắc Kinh “dạy cho Manila một bài học”.

 

Vũ Quý

Theo SCMP