1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đài Loan không bắt tay Trung Quốc ở vụ Điếu Ngư

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong), trong bối cảnh xuất hiện những đồn đoán rằng Đài Loan sẽ hợp tác với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài) với Nhật Bản, Đài Bắc đã chính thức lên tiếng bác bỏ khả năng này.

Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết: “Thực tế là Đại lục phủ nhận sự tồn tại của một hiệp ước hòa bình đã ký giữa Đài Loan và Nhật Bản. Điều này khiến chúng tôi không thể có bất kỳ cơ sở nào để hợp tác với họ.”
 
Hiệp ước hòa bình giữa Đài Loan và Nhật Bản - được biết đến với tên gọi Hiệp ước Đài Bắc và bị Bắc Kinh lạnh lùng bác bỏ - đã được ký ngày 28/4/1952. Tokyo đã hủy bỏ hiệp ước này khi tái thiết lập quan hệ với Bắc Kinh vào năm 1972. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết hiệp ước này là “một cơ sở pháp lý rất quan trọng đối với Đài Loan để tuyên bố chắc chắn rằng quần đảo Điếu Ngư Đài là một phần lãnh thổ của Đài Loan.”
 
Trong khi đó, tại một cuộc họp kín với các doanh nhân Đài Loan ở Đài Bắc, Tổng thống Mã Anh Cửu đã viện dẫn trở ngại cho sự hợp tác là thái độ phớt lờ của Bắc Kinh đối với sáng kiến hòa bình ở Biển Hoa Đông của ông, một sáng kiến kêu gọi cả ba bên cùng tuyên bố chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản tạm thời gác tranh chấp để thảo luận việc cùng khai thác cá và các nguồn tài nguyên khác tại vùng biển quanh quần đảo này.
 
Theo hãng thông tấn Trung ương Đài Loan, ông Mã Anh Cửu cũng nói rằng sự phản đối của Bắc Kinh đối với việc đề cập vấn đề chủ quyền trong các cuộc đàm phán về ngư nghiệp giữa Đài Loan và Nhật Bản là một trở ngại ngăn cản sự hợp tác giữa Đại lục và Đài Loan.
 
Một nhà ngoại giao cấp cao Nhật Bản đã đến Bắc Kinh ngày 19/2 để tiến hành các cuộc hội đàm nhằm cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Chuyến thăm diễn ra chỉ một ngày sau khi một tàu hải giám Trung Quốc tiến hành tuần tra tại vùng biển cách quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông chỉ có 1 km.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết ngày 18/2, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải nước này ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Báo Yomiuri của Nhật Bản ngày 19/2 đưa tin một trong các tàu hải giám này đã tiến vào vùng biển cách quần đảo tranh chấp chỉ khoảng 1 km. Đây là cự ly gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nhất mà tàu Trung Quốc từng tiến vào.
 
Giáo sư Liêm Đức Khôi thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nói rằng các cuộc tuần tra của Trung Quốc đã được tăng cường bởi vì chính quyền tỉnh Okinawa của Nhật Bản đã nỗ lực đưa quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku vào danh sách Di sản Thiên nhiên Thế giới của Liên Hợp Quốc. Giáo sư Liêm Đức Khôi nhận định: “Hiện nay, các cuộc tuần tra đang diễn ra thường xuyên hơn và điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng”.
 
Trung Quốc và Nhật Bản đã nhiều lần có những hành động thể hiện sự giận dữ trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau khi Tokyo cáo buộc rằng các tàu chiến Trung Quốc hướng radar vào một tàu chiến và một máy bay trực thăng quân sự của Nhật Bản trong hai vụ việc khác nhau hồi tháng trước trong khi Bắc Kinh đã phủ nhận những cáo buộc này.
 
Tuy nhiên, vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên tuần trước đã tạo cơ sở cho Trung Quốc và Nhật Bản cùng hợp tác trong một nỗ lực nhằm gây sức ép đối với Bình Nhưỡng. Ông Shinsuke Sugiyama, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đã đến Bắc Kinh ngày 19/2 để hội đàm với các quan chức Trung Quốc về vấn đề này.
 
Ngày 20/2, ông Sugiyama gặp ông Vũ Đại Vĩ, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên. Các chuyên gia phân tích cho rằng các quan chức cả hai phía cũng sẽ thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước, và đây cũng là cơ hội để cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên trong thời gian qua.

Theo Vietnam+