1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đại chiến Syria: 3 kịch bản xung đột quân sự Nga-Mỹ

Giới phân tích đã đưa ra những bình luận về khả năng thỏa hiệp, khả năng xảy ra đụng độ và kịch bản xung đột quân sự Nga-Mỹ ở Syria.

Với những thất bại của các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học ở Syria, mối đe dọa của cuộc xung đột vũ trang trực tiếp giữa Nga và Hoa Kỳ ngày càng có tính hiện thực.

Giới chuyên gia đã đưa ra những bình luận về kịch bản xấu nhất leo thang xung đột ở Syria, trong đó mô tả Mỹ sẽ là người tạo cớ, chủ động khơi mào một cuộc xung đột quân sự, trong đó đối tượng chính là Quân đội Syria, cố gắng tránh đụng độ trực tiếp với Nga.

Trong việc mô phỏng một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra giữa các lực lượng vũ trang của các nước liên quan ở Syria (chủ yếu là Nga-Mỹ), giới bình luận nhận định rằng, nó sẽ bắt đầu với một loạt các hành động khiêu khích.

Các khả năng bao gồm: Các cuộc không kích của máy bay “không rõ của nước nào” vào số đông thường dân, việc tiếp tục các vụ tấn công kinh hoàng bằng vũ khí hóa học, các vụ tấn công đáng ngờ vào các đoàn xe nhân đạo, các máy bay quân sự hoặc tàu chiến của lực lượng liên minh bị "vũ khí bí ẩn" bắn hạ...

Hoa Kỳ và các nước phương Tây chắc chắn sẽ lập tức cáo buộc trực tiếp lực lượng vũ trang Syria đã gây ra những vụ tấn công này, còn Nga sẽ phải gánh trách nhiệm “liên đới” vì họ đã cương quyết bảo vệ và hỗ trợ chính quyền Assad gây ra các “tội ác chiến tranh”.

Sau đó, bỏ qua tất cả các tổ chức quốc tế và các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, một nhóm quốc gia tự xưng là “bạn bè của nhân dân Syria" sẽ tuyên bố quyết định thành lập một vùng cấm bay ở Syria để đảm bảo sự an toàn của dân chúng, như là một phần của “Trách nhiệm Bảo vệ chiến lược - R2P”.

Kịch bản dễ xảy ra nhất là sau một thời gian lặp đi lặp lại việc sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường, sẽ có một tuyên bố của Mỹ, bắt đầu triển khai một chiến dịch quân sự quy mô đầy đủ chống lại "chế độ tội phạm Assad và đồng minh của nó" (Nga, Iran, Hezbollah…)

Kịch bản Mỹ chiếm thế thượng phong “không cần đao kiếm”

Trong kịch bản tấn công toàn diện, Hoa Kỳ sẽ thể hiện sức mạnh và sự sẵn sàng áp dụng những biện pháp quyết liệt nhằm vào Quân đội Syria (SAA) nhằm đánh sập hoàn toàn chế độ Assad. Mục tiêu của đợt tấn công đầu tiên sẽ là các hệ thống phòng không và các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của SAA.


Rất có khả năng Mỹ sẽ tái diễn đòn tấn công vào Syria

Rất có khả năng Mỹ sẽ tái diễn đòn tấn công vào Syria

Trong trường hợp này, Mỹ sẽ song song mở một chiến dịch truyền thông toàn cầu tuyên truyền tội ác của chính quyền Syria, giương cao ngọn cờ bảo vệ “Tự do, Dân chủ” kiểu phương Tây, nâng cao danh tiếng “Người bảo vệ Hòa bình” của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

Cuộc tấn công này sẽ được mở màn bằng đòn đánh bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào những mục tiêu dễ bị tổn thương nhất, nằm ở các vị trí có hệ thống phòng không yếu nhất và an toàn nhất cho lực lượng quân sự của Liên minh 68 nước do Mỹ đứng đầu.

Các phương tiện phóng tên lửa hành trình sẽ hạn chế trong quy mô không lớn, chủ yếu là các tàu ngầm và tàu nổi của hải quân Mỹ đang hiện diện trong vùng biển Địa Trung Hải, được tiến hành từ khoảng cách an toàn cỡ 500km tới dải bờ biển Syria.

Trong trường hợp này, nhóm hải quân ở Địa Trung Hải của Hoa Kỳ sẽ nằm ngoài khu vực tấn công của tên lửa chống hạm X-35 (Kh-35, phạm vi phóng lên đến 200 km) và P-800 Onyx/Yakhont (SS-N-26 Strobile), thuộc hệ thống tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion, tầm phóng 300 km.

Quân đội Syria sẽ không thể đơn độc đối phó với cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh, trong khi đó, Nga cũng không thể ra mặt chi viện hỏa lực cho SAA để đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ.

Do đó, Moscow có thể phải tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn trong thế yếu và sẵn sàng nhượng bộ đáng kể trong quá trình đàm phán, để nhanh chóng kết thúc cuộc tấn công. Điều đó có thể giúp Hoa Kỳ không phải mở rộng các hoạt động quân sự tốn kém mà vẫn đạt được mục đích.

Đây là kịch bản thuận lợi nhất của Washington, được xây dựng dựa trên giả thuyết rằng, trong bất kỳ tình huống nào, Moscow cũng sẽ né tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ.

Kịch bản Nga-Mỹ phân chia phạm vi ảnh hưởng

Giới chuyên gia cũng rất lưu ý xem xét một kịch bản có liên quan đến việc cả Nga lẫn Mỹ đều không sử dụng đến đòn đánh quân sự, mà chỉ quan tâm đến việc duy trì sự cân bằng trong cán cân quân sự khu vực.

Trong kịch bản này, Mỹ sẽ không tung thêm quân vào Syria, không tiếp tục các đòn đánh vào Syria, còn Nga cũng kiềm chế hết mức để tránh xảy ra va chạm trong quá trình hoạt động ở Syria. Hai bên có thể vừa tiếp tục đàm phán, vừa tiếp tục tiến công các lực lượng phiến quân đối lập và khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trên nhiều mặt trận.

Sau khi hậu thuẫn người Kurd chiếm lại Mosul/Iraq và Raqqa/Syria, các lực lượng liên minh của Hoa Kỳ sẽ cố gắng kiểm soát được càng nhiều khu vực ở Syria càng tốt. Còn sau khi hỗ trợ Quân đội Syria tái chiếm được toàn bộ Aleppo, Nga cũng sẽ di chuyển lực lượng đến trung tâm của đất nước.

Như vậy, Syria sẽ được chia thành các phạm vi ảnh hưởng tương tự như thời hậu chiến của nước Đức. Các bên sau đó sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán chính trị dài hạn về việc thành lập một chính phủ quốc gia thống nhất và giải quyết tình trạng tự trị của người Kurd.

Bất kể tình hình phát triển như thế nào, Điện Kremlin sẽ tiếp tục quan điểm giữ vững và gia tăng quyền lực của một chính phủ hợp pháp đại diện cho người Syria, đồng thời là một đồng minh vững chắc của Nga, để giữ được căn cứ hải quân và không quân Nga ở Syria.

Mặc dù tình hình Syria đang nóng lên bất thường bởi vụ tấn công tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ vào sân bay Shayrat, các chuyên gia mong đợi rằng Trump sẽ tránh được một cuộc đối đầu “không bên nào có lợi” với Nga, từ đó, tìm kiếm thêm nhiều cơ hội hơn để phân chia phạm vi ảnh hưởng giữa hai cường quốc này.

Đây là hướng phát triển mà cả Nga lẫn Mỹ đều coi là “chấp nhận được”, sau khi Mỹ không thể đạt được mục tiêu tiên quyết là lật đổ chính quyền Assad, còn Nga cũng không có cách nào giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Kịch bản đối đầu quân sự hạn chế

Mặc dù nguy cơ xung đột quân sự là không cao nhưng kịch bản này vẫn có thể xảy ra, khi một số nhóm cố vấn quân sự Nga ở trên lãnh thổ Syria bị tấn công và có người thiệt mạng, hoặc các căn cứ quân sự Nga bị bom đạn của Mỹ đánh trúng gây thiệt hại nặng nề về con người và vật chất.

Kịch bản phân chia phạm vi ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ cũng có thể diễn ra
Kịch bản phân chia phạm vi ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ cũng có thể diễn ra

Nga có thể coi đây là một hành động gây hấn trực tiếp của liên quân Mỹ và tung ra một số hoạt động quân sự trực tiếp hoặc gián tiếp, ví dụ như tấn công trả đũa một số căn cứ quân sự Mỹ ở Syria hoặc bắn hạ các chiến đấu cơ “gây nguy hại cho lực lượng quân sự Nga”.

Đặc biệt, một số tàu chiến của Hạm đội 5 và Hạm đội 6 của Hoa Kỳ đang hiện diện ở Địa Trung Hải có thể bị phá hủy bởi tàu hộ tống cỡ nhỏ và tàu ngầm động cơ diesel-điện dự án 636 Vashavyanka của Hạm đội Biển Đen, mang các tên lửa hành trình chống hạm Kalibr có tầm phóng 660km.

Hiện Nga đang duy trì ít nhất 4 tàu mặt nước có khả năng tấn công tàu chiến Mỹ bằng tên lửa hành trình chống hạm 3M54 của hệ thống Kalibr. Ngoài ra, Moscow còn có một số tàu ngầm thông thường mang tên lửa này. Tuy nhiên, số lượng chiến hạm Nga không nhiều, cơ số tên lửa mang theo ít nên khả năng tấn công bằng hải quân khá hạn chế.

Do đó, Nga sẽ sử dụng thêm lực lượng không quân chiến lược từ các sân bay trong nước. Tàu chiến Hoa Kỳ có thể bị tấn công bởi máy bay ném bom chiến lược Tu-160, máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 với tên lửa chống hạm được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” Kh-22 Raduga.

Ngoài ra, các lực lượng hàng không và cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ ở khắp khu vực Trung Đông có liên quan đến vụ tấn công này có thể bị tấn công bởi các hệ thống tên lửa hành trình, pháo binh và phòng không của Nga đang hiện diện trong lãnh thổ Syria.

Bất kỳ hoạt động quân sự trực tiếp hoặc gián tiếp nào của Nga hoặc Mỹ cũng đều bị bên kia coi là một “hành động gây hấn”, mà nếu không kịp thời đàm phán, hai bên sẽ chuyển sang kịch bản của một cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng hải quân và không quân đang hiện diện trong và ngoài lãnh thổ Syria.

(Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau).

Theo Thiên Nam

Đất Việt