1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Đại Bàng quắp” Campuchia: Cuộc tập dượt cho “Gió Lốc” Sài Gòn

Trước khi tiến hành “Chiến dịch Gió Lốc” ở Sài Gòn, hải quân đánh bộ Mỹ đã tiến hành “Chiến dịch Đại Bàng quắp”, di tản người Mỹ ở Phnom Penh-Campuchia.

Quá trình chuẩn bị cho “Chiến dịch Đại Bàng quắp”

“Chiến dịch Đại Bàng quắp” (Operation Eagle Pull) là chiến dịch di tản không vận do Mỹ tiến hành ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Chiến dịch do Cụm Hải quân đánh bộ viễn chinh số 31 (The 31st Marine Expeditionary Unit - 31st MEU), có đại bản doanh tại trại Hansen - Okinawa - Nhật Bản tiến hành.

Đầu tháng 4 năm 1975, Phnom Penh là tiền đồn cuối cùng của nước Cộng hòa Khmer đang bị Khmer Đỏ bao vây và hoàn toàn phụ thuộc vào việc tiếp tế trên không thông qua sân bay Pochentong. Tình trạng của chính phủ Campuchia hết sức nguy ngập, tan rã là chuyện một sớm một chiều.

Trong bối cảnh đó, song song với việc triển khai các “Chiến dịch Gió Lốc” (Operation Frequent Wind) và “Chiến dịch Không vận Trẻ em (Operation Babylift), sơ tán người Mỹ và trẻ em ở Sài Gòn, Mỹ cũng triển khai “Chiến dịch Đại bàng quắp” (Operation Eagle Pull) di tản nhân viên Mỹ và viên chức Campuchia bằng máy bay trực thăng tới tàu chiến neo trong vịnh Thái Lan.

Chiến dịch Eagle Pull diễn ra vào sáng 12 tháng 4 năm 1975, là một thành công mỹ mãn của chiến thuật không vận, không có bất kỳ tốn thất về nhân mạng. Sau đó, vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, Cộng hòa Khmer sụp đổ.

Ngày 3 tháng 3 năm 1975, Nhóm sẵn sàng đổ bộ Alpha trực thuộc Biệt đội 76.4 (Task Group 76.4) và đơn vị thủy quân lục chiến đổ bộ 31 trực thuộc Biệt đội 79.4 (Task Group 79.4) lên tàu và đến vị trí đã định là Kampong Som, nằm trong vịnh Thái Lan, lực lượng bao gồm:

Thủy quân lục chiến Mỹ triển khai tại khu vực hạ cánh vào ngày 12 tháng 4 năm 1975
Thủy quân lục chiến Mỹ triển khai tại khu vực hạ cánh vào ngày 12 tháng 4 năm 1975

Tàu sân bay USS Okinawa, tàu vận chuyển đổ bộ LPD-2 USS Vancouver, tàu dock chở tàu đổ bộ LSD-28 USS Thomaston. Biên đội này mang theo Phi đội trực thăng hạng nặng HMH-462 của hải quân đánh bộ Mỹ (Marine Heavy Helicopter Squadron 462), bao gồm 14 chiếc CH-53, 3 chiếc CH-46, 4 chiếc AH-1J và 2 chiếc trực thăng UH-1E

Biên đội tàu hộ tống, chống ngầm và phòng không bao gồm khu trục hạm DD-946 USS Edson, khu trục hạm tên lửa DDG-7 USS Henry Braid Wilson và 2 tàu hộ vệ lớp Knox mang số hiệu FF-1052 USS Knox và FF-1087 USS Kirk.

Ngày 17 tháng 3, Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ (Joint Chiefs of Staff) lo ngại một phi đội máy bay trực thăng hải quân đánh bộ không đủ để sơ tán, bèn ra lệnh điều động thêm tàu sân bay CV-19 USS Hancock. Tàu được lệnh loại bỏ toàn bộ tiêm kích hạm và tiến tới Trân Châu Cảng.

Ngày 26 tháng 3, Phi đội Trực thăng hạng nặng Thủy quân lục chiến HMH-463 gồm 25 chiếc CH-53, CH-46, AH-1J và trực thăng UH-1E đã được đưa lên tàu sân bay Hancock và tới vịnh Subic và lấy thêm nhiều máy bay trực thăng tại vịnh này.

Khi đó, Hancock tạm giao cho Nhóm sẵn sàng đổ bộ Bravo (Amphibious Ready Group Bravo) đang trú đóng tại Vũng Tàu, miền Nam Việt Nam, nhưng đến ngày 11 tháng 4 tàu sân bay này gia nhập Nhóm sẵn sàng đổ bộ Alpha tại vịnh Thái Lan.

Không ảnh 3 chiếc trực thăng CH-53 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đậu trên khu vực hạ cánh
Không ảnh 3 chiếc trực thăng CH-53 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đậu trên khu vực hạ cánh

Tuy Khmer Đỏ không có các hệ thống phòng không hiện đại nhưng có thể sở hữu súng phóng tên lửa đất đối không SA-7 nên các máy bay trực thăng di tản đều được sơn thêm một lớp sơn phản xạ hồng ngoại và được trang bị máy gây nhiễu ký hiệu ALE-29.

Vào chiều ngày 11 tháng 4 năm 1975, Cụm Hải quân đánh bộ viễn chinh số 31 của hải quân Mỹ (The 31st Marine Expeditionary Unit - 31st MEU) nhận được lệnh thực hiện Chiến dịch “Eagle Pull”.

Lúc 06h00 ngày 12 tháng 4, 12 chiếc CH-53 của HMH-462 cất cánh từ boong tàu sân bay USS Okinawa một số khác từ tàu đổ bộ USS Vancouver, mang theo tổng cộng khoảng 360 lính thủy đánh bộ bay theo hướng tây nam, vượt quãng đường gần 200km vào Phnom Penh.

“Đại bàng quắp” Campuchia: Cuộc tập dượt cho “Gió Lốc” Sài Gòn
Lúc 07h30 Đại sứ John Gunther Dean đã thông báo cho quyền Tổng thống Campuchia, Thủ tướng Long Boret và các nhà lãnh đạo khác của Campuchia bao gồm cả Hoàng thân Sisowath Sirik Matak, rằng người Mỹ sẽ chính thức rời khỏi nước này trong vòng vài giờ tới, nếu ai muốn di tản thì nên tới đại sứ quán Mỹ vào lúc 09h30.

Tất cả đều từ chối ngoại trừ quyền Tổng thống Saukam Khoy. Hoàng thân Sirik Matak, cựu Thủ tướng Chính phủ và là một “”nguyên lão công thần” trong quá trình hình thành của Cộng hòa Khmer từ chối lời đề nghị di tản và nói với Đại sứ Dean rằng: "Tôi đã phạm phải sai lầm này khi tin tưởng vào người Mỹ".

Lính thủy đánh bộ bảo vệ vành đai của khu vực hạ cánh
Lính thủy đánh bộ bảo vệ vành đai của khu vực hạ cánh

Toán di tản lái xe tới khu vực hạ cánh mang mật danh “Khách sạn” - một sân bóng cách Đại sứ quán Mỹ 900m về phía đông bắc, tiến hành việc liên lạc với King Bird, chiếc máy bay HC-130 của Phi đội cứu hộ và giải cứu hàng không số 56 (56th Aerospace Rescue and Recovery Squadron) sẽ kiểm soát dòng máy bay trực thăng.

Vào 07h43 nhóm máy bay trực thăng đầu tiên của HMH-463 vượt qua bờ biển Campuchia và khoảng một giờ sau đó, sau khi vượt qua quãng đường hơn 160 km lãnh thổ thù địch, tốp đầu tiên hạ cánh tại “Khách sạn”, lúc này lực lượng hải quân đánh bộ do HMH-462 đưa đến trước đã thành lập một vành đai phòng thủ.

Việc di tản được tiến hành suôn sẻ bởi vì số lượng người sơ tán về cơ bản thấp hơn so với dự kiến. Các ước tính chi tiết cho thấy có 590 người được sơ tán, bao gồm 146 người Mỹ và 444 người Campuchia làm việc cho Mỹ và công dân của các nước thứ ba.

HMH-462 sơ tán 84 người Mỹ và 205 người Campuchia cùng công dân các nước thứ ba. Trong số người di tản còn có thêm các phóng viên nước ngoài đưa tin về cuộc chiến giữa Khmer Đỏ và chính phủ Campuchia khi đó cũng được đưa khỏi đất nước Chùa Tháp.

Lúc 09h45, Đại sứ quán Mỹ chính thức đóng cửa, chấm dứt quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Campuchia một lần nữa cho đến khi được nối lại vào ngày 11 tháng 11 năm 1991.

Lính thủy đánh bộ bảo vệ vành đai của khu vực hạ cánh
Nhóm tác chiến của chiến dịch Eagle Pull ăn mừng thành công tuyệt đối của chiến dịch trên đất Thái Lan

Khoảng 10h41, tất cả số người di tản trong đó có Đại sứ Dean và Tổng thống Saukam Khoy đã được những chiếc trực thăng của HMH-462 bốc lên. Sau đó, máy bay trực thăng của HMH-463 quay lại từ tàu sân bay Hancock bắt đầu đáp xuống đón các binh sĩ của lực lượng bảo vệ dưới mặt đất.

Lo ngại có thể bị Khmer Đỏ tấn công bất cứ lúc nào nên phía Mỹ đã điều hơn 300 tay súng của hải quân đánh bộ đến bảo vệ các khu vực di tản. Tuy nhiên, kế hoạch đã diễn ra trót lọt, không có tổn thất gì về người và trang bị.

Vào khoảng 10h50, Khmer Đỏ bắt đầu bắn hàng loạt quả rốc két 107 ly gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong vùng lân cận khu vực hạ cánh “Khách sạn”. Khoảng 10 phút sau đó, khu vực này còn phải hứng chịu thêm các loạt đạn súng cối 82 ly.

Lúc 10:59, đơn vị không quân cuối cùng của hải quân đánh bộ Mỹ rời khỏi khu vực và chiếc trực thăng cuối cùng đã hạ cánh trên tàu sân bay Okinawa vào lúc 12h15.

Lúc 11h15, theo kế hoạch, hai chiếc siêu trực thăng khổng lồ màu xanh lá cây HH-53 của Không quân Mỹ từ Phi đội cứu hộ và giải cứu hàng không 40, bay tới đón ban chỉ huy chiến dịch Eagle Pull. Chúng đã bị súng máy phòng không 12,7mm ở mặt đất tấn công nhưng chỉ bị hư hại nhẹ.

Lúc 14h50, một chiếc CH-53 của HMH-462 khởi hành từ tàu sân bay Okinawa tới chở Đại sứ Dean đến căn cứ không quân Utapao ở Thái Lan. Sang ngày 13 tháng 4, toàn bộ số người di tản đã được đưa tới căn cứ không quân Utapao ở Thái Lan trên những chiếc trực thăng của nhóm HMH-462.

Đại sứ Dean bước ra khỏi chiếc trực thăng CH-53 tại Utapao vào buổi chiều ngày 12 tháng 4 năm 1975
Đại sứ Dean bước ra khỏi chiếc trực thăng CH-53 tại Utapao vào buổi chiều ngày 12 tháng 4 năm 1975
Sau đó, Nhóm sẵn sàng đổ bộ Alpha hành trình tới điểm hẹn với lực lượng đặc nhiệm 76 (Task Force 76) ở trên biển Đông, nhằm chuẩn bị thực hiện “Chiến dịch Gió Lốc” (Operation Frequent Wind) với mục tiêu di tản nhân viên Đại sứ quán Mỹ và lãnh đạo, công dân, viên chức Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn.

Đối với các nhóm đổ bộ thuộc hải quân đánh bộ Mỹ, “Chiến dịch Đại Bàng quắp” (Operation Eagle Pull) đóng vai trò như là một cuộc diễn tập quy mô nhỏ cho chiến dịch “Operation Frequent Wind” phức tạp hơn, di tản tổng cộng gần 100.000 người Việt Nam 17 ngày sau đó.

Theo Thiên Nam/Đất Việt