Cựu Tổng thư ký NATO: Các nước thành viên có thể đưa quân đến Ukraine
(Dân trí) - Cựu Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen cho rằng, một số thành viên NATO có thể quyết định triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine nếu liên minh không đưa ra các cam kết an ninh rõ ràng cho Kiev.
Báo Guardian (Anh) ngày 7/6 dẫn lời cựu Tổng thư ký NATO Rasmussen cho rằng, Ukraine cần có các cam kết bằng văn bản về hàng loạt vấn đề trong đó có chia sẻ thông tin tình báo, viện trợ vũ khí, huấn luyện quân sự trước khi các lãnh đạo NATO nhóm họp tại Vilnius, Lithuania vào tháng 7 tới.
Ông cảnh báo, ngay cả khi một số thành viên NATO cung cấp cho Ukraine các đảm bảo an ninh, thì các thành viên khác sẽ không cho phép vấn đề tư cách thành viên NATO trong tương lai của Ukraine bị loại khỏi chương trình nghị sự tại Vilnius.
"Nếu NATO không thể nhất trí về một con đường rõ ràng cho Ukraine thì nhiều khả năng một số quốc gia sẽ hành động riêng lẻ", ông Rasmussen nhận định.
Ông bình luận thêm: "Ba Lan rất tích cực trong việc hỗ trợ cho Ukraine. Không loại trừ khả năng Ba Lan sẽ tham gia mạnh mẽ hơn, sau đó là các quốc gia Baltic. Họ có thể triển khai quân đội trên bộ". Theo ông, việc triển khai quân đội nước ngoài ở Ukraine sẽ hợp pháp theo luật quốc tế nếu Kiev đề nghị.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm qua khẳng định, vấn đề cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ nằm trong chương trình nghị sự thượng đỉnh tại Vilnius, song lưu ý NATO chỉ đảm bảo an ninh toàn diện cho thành viên của liên minh.
Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith nói: "Chúng tôi đang xem xét một loạt các lựa chọn để báo hiệu rằng mối quan hệ của Ukraine với NATO đang tiến triển".
Hôm 1/6, các ngoại trưởng NATO đã họp tại Na Uy để thảo luận về biện pháp đảm bảo an ninh cho Ukraine hậu xung đột với Nga. "Chúng ta cần đảm bảo rằng lịch sử không lặp lại và các hành động quân sự của Nga với Ukraine thực sự chấm dứt. Vì vậy, chúng ta cần có sẵn khuôn khổ đảm bảo an ninh cho Ukraine hậu xung đột", ông Stoltenberg tuyên bố.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao NATO cho biết Mỹ, nước dẫn dắt liên minh, không muốn đi xa hơn cam kết năm 2008 rằng Ukraine một ngày nào đó sẽ gia nhập NATO. Việc trở thành thành viên NATO đồng nghĩa Ukraine sẽ được bảo vệ theo Điều 5, chính sách phòng thủ tập thể khi một nước bị tấn công.
Một lựa chọn khác được cân nhắc là các nước sẽ đưa ra đảm bảo an ninh song phương cho Ukraine trong quá trình nước này hoàn thiện thủ tục gia nhập liên minh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đầu tháng này cảnh báo ông có thể không dự hội nghị sắp tới của NATO nếu liên minh này không đưa ra một lộ trình cụ thể nhằm kết nạp Kiev.
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9 năm ngoái sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Vấn đề kết nạp hay chưa kết nạp Ukraine đang gây mâu thuẫn nội bộ NATO. Trong khi đó, nhà chức trách Nga đã nhiều lần cảnh báo việc Kiev gia nhập NATO là lằn ranh đỏ buộc Moscow phải đáp trả.