1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cựu lãnh đạo NATO: Ukraine có thể phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ

Thành Đạt

(Dân trí) - Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Jens Stoltenberg cho rằng Ukraine có thể phải thừa nhận việc nhượng bộ một số vùng lãnh thổ để đạt được các đảm bảo về hòa bình và an ninh với Nga.

Cựu lãnh đạo NATO: Ukraine có thể phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ - 1

Binh lính Ukraine ở tiền tuyến Donbass (Ảnh: Getty).

Ông Jens Stoltenberg đã kết thúc nhiệm kỳ 10 năm với tư cách là người đứng đầu liên minh do Mỹ lãnh đạo vào ngày 1/10. Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times được công bố vào ngày 4/10, cựu tổng thư ký NATO cho biết Ukraine có thể buộc phải xem xét lại yêu cầu khôi phục biên giới năm 1991 là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga.

Ông Stoltenberg cho rằng "một kiểu động lực mới" sẽ đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11, có thể mở ra "những cách thức để cố gắng đạt được sự dịch chuyển trên chiến trường kết hợp với sự dịch chuyển xung quanh bàn đàm phán".

Phương Tây nên "đặt ra các điều kiện" cho phép Ukraine "ngồi xuống với Nga và đạt được điều gì đó có thể chấp nhận được… điều gì đó mà họ vẫn tồn tại như một quốc gia độc lập".

Khi được hỏi ông sẽ đề xuất gì với nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky, cựu tổng thư ký NATO đã đưa ra so sánh với giải pháp cho cuộc chiến tranh Liên Xô - Phần Lan gần 85 năm trước.

"Phần Lan đã chiến đấu dũng cảm chống lại Liên Xô vào năm 1939. Họ đã gây ra cho Hồng quân những tổn thất lớn hơn nhiều so với dự kiến. Cuộc chiến kết thúc khi họ từ bỏ 10% lãnh thổ. Nhưng họ đã có được một đường biên giới an toàn", ông Stoltenberg nói thêm.

Theo hiệp ước tháng 3/1940, Phần Lan đã nhượng lại một phần lớn khu vực Karelia và Viipuri, thành phố lớn thứ hai của nước này vào thời điểm đó (được gọi là Vyborg ở Nga).

Ông Stoltenberg lập luận rằng Ukraine có thể nhận được sự đảm bảo an ninh từ NATO ngay cả khi "có một đường ranh giới không nhất thiết phải là biên giới được quốc tế công nhận". Ông lưu ý rằng hiệp ước quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản không bao gồm tuyên bố chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo Kuril, vốn là một phần lãnh thổ tranh chấp với Nga, và Tây Đức đã được kết nạp vào NATO mặc dù thực tế là Đông Đức khi đó do một chính phủ riêng biệt liên kết với Liên Xô.

"Khi có ý chí, sẽ có cách để tìm ra giải pháp. Nhưng bạn cần một ranh giới xác định nơi Điều 5 được viện dẫn và Ukraine phải kiểm soát toàn bộ lãnh thổ cho đến biên giới đó", ông Stoltenberg nói, đề cập đến Điều 5 của hiệp ước NATO, trong đó nêu rõ nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ lẫn nhau.

Nga đã nhiều lần tuyên bố không chấp nhận "công thức hòa bình" gồm 10 điểm của Tổng thống Zelensky và không từ bỏ quyền kiểm soát Crimea và 4 khu vực khác ở Ukraine, nơi Moscow đã tuyên bố sáp nhập.

Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh cho Kiev.

Hy vọng của Kiev về việc áp đặt các điều kiện đàm phán hòa bình với Nga dường như ngày càng xa vời sau cuộc phản công thất bại năm 2023 và những bước tiến mới của Nga ở vùng Donbass, nơi quân đội Moscow đã đạt được những bước tiến ổn định trong suốt năm 2024. Trong những đợt tiến công mới, quân đội Nga đã đẩy quân Ukraine ra khỏi một số thị trấn được phòng thủ nghiêm ngặt, bao gồm Avdiivka, nơi đã thất thủ vào tháng 2 và Vuhledar, nơi Nga đã kiểm soát vào đầu tuần này.

Sau hơn 2 năm kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, trong đó có bán đảo Crimea.

Chính quyền Tổng thống  Zelensky nhiều lần tuyên bố vẫn để ngỏ đàm phán với Nga, nhưng khẳng định không nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Theo RT