1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cựu Đại sứ Pháp: Việt Nam đặt lợi ích tập thể và kỷ luật để chống Covid-19

(Dân trí) - "Việc phòng chống và lợi ích tập thể đặt trên quyền lợi cá nhân. Người nghi nhiễm cách ly 2 tuần bởi sự hy sinh này là cần thiết đối với cộng đồng", ông Poirier viết khi điều trị Covid-19 tại Hà Nội.

Ông Jean-Noel Poirier - Đại sứ Pháp tại Việt Nam giai đoạn 2012-2016, vừa có bài viết trên trang báo Pháp CAUSEUR.FR so sánh cách thức chống dịch Covid-19 tại một số nước châu Á với châu Âu ở góc độ văn hóa khi ông được điều trị Covid-19 tại Hà Nội.

Dưới đây là bản lược dịch bài viết của ông. Tít và sapo do báo Dân trí đặt lại.

Cựu Đại sứ Pháp: Việt Nam đặt lợi ích tập thể và kỷ luật để chống Covid-19 - 1

Bài viết trên trang Causeur.fr của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam - ông Jean-Noel Poirier

Tây Ban Nha, Italia, Anh, Mỹ... những nước phương Tây luôn tự cho rằng mang trong mình những giá trị nhân loại thì nay lại là những quốc gia mang trong mình một loại virus. Một loại virus lan tràn khắp toàn cầu hơn tất thảy những giá trị mà họ đã truyền tải.

Thẳng thắn mà nói, cho tới thời điểm hiện tại, những nước châu Á, chính xác hơn, những nước có nền văn hóa Nho giáo, đã thành công trong việc ngăn chặn làn sóng Covid-19 mà tất cả chúng ta (các quốc gia phương Tây - PV) đang chống chọi.

Không một ca tử vong

Trung Quốc, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Đài Loan hay được nhắc tới như những ví dụ kiểu mẫu. Nhưng chúng ta lại quên mất một nước cũng có nền văn Nho giáo nhưng lại rất gần với trái tim và lịch sử chúng ta: Việt Nam. Thành công của Việt Nam trong việc chống lại dịch bệnh này thậm chí thuyết phục hơn cả Hàn Quốc, một cường quốc công nghiệp phát triển.

Dù còn thua kém Hàn Quốc hay Đài Loan về kinh tế hay cơ sở hạ tầng, nhưng Việt Nam đã có sự phát triển như vũ bão trong 20 năm qua (GDP bình quân đạt 2.7000 USD/người, tăng trưởng kinh tế hơn 7% năm 2019) và đang có những kết quả phi thường.

Cho tới giữa tháng 4/2020, số người được phát hiện dương tính với Covid-19 chưa vượt qua con số 300 và tỷ lệ tử vong vẫn được ghi nhận bằng 0%.

Việt Nam không chần chừ hay mất nhiều thời gian để do dự. Từ ngày 18/1 dịp Tết Âm lịch, các trường học đã cho học sinh nghỉ tới hiện nay. Người dân vốn sử dụng khẩu trang để chống nắng và tránh ô nhiễm nay sử dụng thường xuyên hơn. Những chai nước rửa tay tiệt trùng được đặt tại tất cả những nơi công cộng (quán cafe, sảnh vào chung cư, thang máy...)

Việt Nam cũng đã tiến hành đóng cửa biên giới từ sớm với những quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đầu tiên là Trung Quốc vào ngày 1/2, chỉ một tuần sau khi ca mắc Covid-19 đầu tiên ở nước này được phát hiện (một người trở về từ Vũ Hàn và phát hiện dương tính với Covid-19 vào ngày 23/1/2020).

Cuối cùng, ngay từ những ngày đầu tiên, Việt Nam đã áp dụng biện pháp rất nghiêm ngặt: Xác định người và nhóm người có nguy cơ nhiễm, tập trung lại, xét nghiệm và cách ly ngay những ca dương tính.

Cách thực hiện này không khác nhiều khuyến nghị mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra: Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm và cách ly. Việt Nam đã quyết định thực hiện ngay từ khi có những cảnh báo đầu tiên và đã làm rất tốt.

Cựu Đại sứ Pháp: Việt Nam đặt lợi ích tập thể và kỷ luật để chống Covid-19 - 2

Công tác khử khuẩn tại bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh Toàn Vũ).

Từ bệnh viện ở Hà Nội

Đúng là những "kẻ vô hình", những người mang mầm bệnh nhưng bản thân họ không biết, không có triệu chứng nào, có thể có trong xã hội, và không thể thống kê một cách chính thức.

Nhưng rõ ràng số lượng những ca nhiễm được phát hiện ở Việt Nam thực sự thấp, nhất là khi nước đó chỉ cách Vũ Hán chỉ 3 giờ bay.

Các bệnh viện không hề bị quá tải và bệnh nhân ra vào bệnh viện đều được kiểm soát. Bạn có thể tin lời tôi. Tôi đang viết cho các bạn từ phòng số 541 của bệnh viện Nhiệt đới Hà Nội, nơi điều trị các ca dương tính.

Sau 2 tuần ở Paris (Pháp), tôi quay lại Việt Nam và xét nghiệm dương tính với Covid-19, tôi được chuyển ngay tới bệnh viện lúc 2h sáng ngày 25/3. Lúc đó, tôi không có bất cứ triệu chứng hay ốm đau nào nhưng tôi sẽ phải ở lại viện tới khi nào cho kết quả âm tính.

Tôi ở lại viện, không phải vì tôi mà còn để cộng đồng không bị tôi lây nhiễm. Việc một người dương tính Covid-19 vẫn khỏe mạnh về nhà, không đeo khẩu trang là điều không tưởng ở đây.

Ở Việt Nam, việc bảo vệ lợi ích của tập thể được ưu tiên hơn tất thảy. Tự do cá nhân xếp sau.

Tập thể là trên hết

Chiến lược phòng chống Covid-19 của Việt Nam đơn giản và gạt bỏ quyền riêng tư. Một người nhiễm bệnh (F0) phải cung cấp danh tính tất cả những người đã tiếp xúc (F1) những ngày trước đó và liệt kê những địa điểm đã lui tới.

Tôi cũng phải làm điều tương tự trong đêm 24, rạng sáng ngày 25/3 trước khi được đưa đến bệnh viện. Và tốt nhất là không nên nói dối.

Những người F1 cũng được cách ly ngay lập tức tại trung tâm hoặc tại nhà, sau đó được xét nghiệm. Điều F1 bắt buộc phải làm là thông báo với những người đã tiếp xúc (F2). F2 này sẽ thực hiện quy định về cách ly xã hội và cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Tính đến ngày 4/4, hơn 73.000 người đã được cách ly tại các trung tâm do quân đội quản lý, tại nhà hoặc tại bệnh viện.

Khi một người thuộc F1 dương tính, các F2 trở thành F1 và sẽ được đưa đi cách ly và xét nghiệm. Tìm kiếm người bị nhiễm và người có nguy cơ là công tiệc tốn nhiều công sức và rất tỉ mỉ.

Biện pháp này có hiệu quả ở một nước gần 100 triệu dân, đơn giản bởi nó được mọi người dân đồng tình, thực hiện.

Ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, Hong Kong, Singapore hay Đài Loan, sự đồng thuận này có được nhờ những giá trị văn hóa bản địa.

Tại đây, việc phòng chống và lợi ích tập thể đặt trên quyền lợi cá nhân. Người nghi nhiễm chấp nhận cách ly 2 tuần ở một doanh trại bộ đội cách nhà 30km bởi sự hy sinh này là cần thiết với sức khỏe cộng đồng và người đó không được từ chối.

Cựu Đại sứ Pháp: Việt Nam đặt lợi ích tập thể và kỷ luật để chống Covid-19 - 3

Việt Nam đã áp dụng biện pháp rất nghiêm ngặt: Xác định người và nhóm người có nguy cơ nhiễm, tập trung lại, xét nghiệm và cách ly ngay những ca dương tính. (Trong ảnh: Lực lượng y tế quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người buôn bán hoa cư trú ở làng Tây Tựu. Đây là những người có liên quan đến bệnh nhân 243). (Ảnh: Toàn Vũ)

Có lẽ, người dân châu Âu có lẽ sẽ không chịu được những biện pháp mà Việt Nam đang áp dụng. Đơn giản bởi chúng ta không chấp nhận và thấy không phù hợp với giá trị mà chúng ta đang có. Nhưng chính những giá trị này lại khiến virus corona lan rộng khắp châu Âu.

Chỉ có tương lai mới trả lời được rằng phương pháp mà Việt Nam và các nước lân cận sử dụng ưu việt hơn các biện pháp các nước châu Âu đang áp dụng hay không. Chỉ biết rằng, hiện tại, các nước Nho giáo dù không trống giong cờ mở nhưng cũng gợi nhắc chúng ta về một bài học cổ xưa như trái đất.

Đó là bài học về việc đối mặt với kẻ thù, một tập thể gắn kết, có kỷ luật và được lãnh đạo tốt bao giờ cũng chiến thắng một nhóm kẻ ô hợp, không nghe lời chỉ huy. Một bài học hiển nhiên và có tính vĩnh cửu.           

Trong hầu hết các lĩnh vực, trật tự và kỷ luật ở các nước Nho giáo - khi được chính sách đúng dắn dẫn dắt, giác ngộ luôn có ưu thế trước chủ nghĩa cá nhân phương Tây.

Không một lĩnh vực nào mà chúng ta không bị vượt qua hay ít nhất bị đuổi kịp. Sự phát triển thần kỳ ở Hàn Quốc trong 30 năm qua là một minh chứng thuyết phục.

Chúng ta tự an ủi mình về giá trị của tự do phát triển trong chủ nghĩa cá nhân. Nhưng điều đó có chính xác? Hãy xem Parasite, một bộ phim mà chúng ta tưởng như không đáng kể gì với những tác phẩm châu Âu nhưng đã đoạt giải Oscar cho phim xuất sắc nhất đó...

Không thể phủ nhận rằng, sự tự do cá nhân của chúng ta là vô giá, còn mô hình Nho giáo đòi hỏi quyền lợi cộng đồng đặt trên lợi ích kinh tế. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng lợi ích tập thể và tự do cá nhân từng tồn tại hài hòa tại Pháp.

Trước đây, chúng ta hay nói "ý thức công dân", đó chính là sự tôn trọng những quy định tập thể vì lợi ích chung của mọi người. Đó không phải là tư tưởng Nho giáo nhưng chúng ta cũng đã tiệm cận với điều đó.

"Ý thức công dân" vốn dành cho cộng đồng dường như đã biến mất, thay vào đó là câu cửa miệng "đó là quyền của tôi" của những nhóm thiểu số.

Nếu chúng ta không tìm cách dung hòa giữa ý thức tập thể với tự do cá nhân- điều từng làm nên sức mạnh cho tới đầu những năm 80 thế kỷ trước, tôi sợ rằng chúng ta sẽ không còn cách nào khác ngoài việc đứng nhìn các nước Nho giáo tiếp tục đánh bại chúng ta ở mọi lĩnh vực.

Phần kết

Sau 17 ngày chung phòng bệnh với 5 bệnh nhân khác và 3 lần xét nghiệm âm tính, tôi được xuất viện và trở về nhà. Dĩ nhiên đó là 14 ngày tự cách ly cùng lệnh cấm ra khỏi nhà.

Thời điểm này, các cơ quan y tế đã phát hiện ra một số ca tái nhiễm dương tính sau nhiều lần âm tính. Và lệnh cách ly xã hội mới được đưa ra. Các cơ quan chức năng không muốn bất cứ một nguy cơ nào dù là nhỏ nhất.

Một lần nữa, an toàn của tập thể được đặt trên tự do cá nhân. Một lựa chọn tập thể được toàn thể người dân Việt Nam đồng lòng thực hiện nhưng lại không thể tưởng tượng đối với nước chúng ta.

Lê Trường

(lược dịch)