1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc phiêu lưu mới của ông Obama

Ngày 20/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama ban hành sắc lệnh hành chính tự cải tổ luật nhập cư mà không cần quốc hội thông qua. Đây được coi là sự “thách đố” của ông Obama với đảng Cộng hòa. Sự đáp trả của những người vừa nắm quyền kiểm soát quốc hội có thể sẽ khiến vị tổng thống Mỹ bị phế truất.

Tối 20/11, phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Obama cho rằng vì quốc hội không hành động và bất hợp tác, ông phải sử dụng quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất của nước Mỹ để thực thi các biện pháp cải tổ hệ thống nhập cư của nước Mỹ mà ông cho là đã lạc hậu.

Một trong những biện pháp trong kế hoạch cải cách tổng thể của Tổng thống Obama là mở rộng sắc lệnh hành chính năm 2012, theo đó khoảng 4,7 triệu trẻ em các nước nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ 5 năm trở lên có cha mẹ là công dân hoặc cư dân thường trú hợp pháp ở Mỹ, nếu không phải là tội phạm, sẽ được phép ở lại Mỹ mà không bị đe dọa bị trục xuất.

Đây được coi là biện pháp cải tổ sâu rộng nhất trong nhiều thập kỷ qua trong hệ thống nhập cư của Mỹ. Ngoài 4,7 triệu trẻ em nói trên còn có khoảng 270.000 người được cha mẹ đưa vào Mỹ khi còn nhỏ, cũng sẽ không bị trục xuất.

Tổng thống Obama công bố sắc lệnh hành chính cải tổ luật nhập cư
Tổng thống Obama công bố sắc lệnh hành chính cải tổ luật nhập cư

Tổng thống Obama quyết định biện pháp này bất chấp sự chỉ trích của phe Cộng hòa cho rằng việc cho phép những người nhập cư bất hợp pháp không chỉ được ở lại làm việc mà còn có cơ hội trở thành công dân Mỹ giống như một “cuộc đại ân xá” cho khoảng 12 triệu người nhập cư không đủ giấy tờ đang có mặt trên lãnh thổ Mỹ.

Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định quyết định của ông không chỉ hợp hiến mà là việc làm mà nhiều tổng thống Mỹ trong nữa thế kỷ qua, cả Cộng hòa và Dân chủ, đều đã từng làm.

Phe Cộng hòa ngay lập tức lên tiếng chỉ trích bước đi này, cho rằng Tổng thống Obama đã vượt qua quyền hiến định. Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho rằng “thay vì hợp tác với quốc hội để sửa đổi luật nhập cư đã lỗi thời, Tổng thống Obama lại chọn việc tự hành động và đây không phải là lối làm việc dân chủ. Hơn nữa, Tổng thống Obama từng nói rằng ông không phải là vua mà cũng không phải là một hoàng đế”.

Phát biểu với báo giới trước khi ông Obama công bố các biện pháp cải tổ trên đây, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitch McConnell, người sẽ nắm quyền lãnh đạo Thượng viện từ tháng 1/2015, tuyên bố “nếu Tổng thống tự hành động, tự áp đặt ý nguyện của mình, qua mặt Quốc hội thì Quốc hội cũng sẽ hành động. Chúng tôi đang cân nhắc một loạt phương án”.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Ted Cruz ngày 19/11 nói rằng nếu Tổng thống Obama cứ hành động đơn phương, Thượng viện sắp tới do phe Cộng hòa kiểm soát “sẽ trả đũa bằng việc trước mắt không phê chuẩn bất cứ sự đề cử nội các nào”.

Từ lâu, những người Cộng hòa đã nhiều lần viện ra những sự kiện để lập luận rằng ông Tổng thống Dân chủ Obama có nhiều hành động đáng phải đưa ra phán xét và đi đến việc bị truất phế. Bây giờ họ có được thời cơ thuận lợi vì nắm được cả hai viện quốc Hội, và lý do kết tội là việc Tổng thống Obama đơn phương ban hành sắc lệnh di trú ngày 20/11.

Dù cho đến nay chưa có một dân biểu Cộng hòa nào lập bản cáo trạng và đệ trình lên Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nhưng lần này sự việc có thể thành hiện thực.

Dân biểu Cộng hòa Joe Barton ở bang Texas kêu gọi Hạ viện truy tố Tổng thống Obama nếu ông ta có quyết định đơn phương về vấn đề di dân. Để làm được điều này Hạ viện phải được 2/3 thượng nghị sĩ đồng ý kết tội.

Theo giới quan sát, những người Cộng hòa sẽ cố gắng truy tố Tổng thống Obama bằng mọi cách. Có một số nguyên nhân để đưa ra quyết định trên như những người Cộng hòa muốn rằng vị Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ phải được ghi với một dấu ngôi sao bên cạnh tên, sau khi đã rời khỏi chức vụ, bất luận là có bị kết tội hay không. Đó là kế hoạch của một số dân biểu Cộng hòa khi đề xuất việc truy tố Obama.

Nhiều thăm dò dư luận cho thấy một đa số rõ rệt dân chúng Mỹ bác bỏ ý kiến truy tố Tổng thống trong khi đa số người Cộng hòa tán thành việc ấy. Tháng 7/2014, theo thăm dò của CNN, 57% người Cộng hòa ủng hộ nỗ lực truy tố trong khi 2/3 dân Mỹ nói chung không đồng ý. Giới lãnh đạo Cộng hòa cũng bất đồng ý kiến với chuyện truy tố Obama khi nhiệm kỳ của ông chỉ còn hai năm và hệ quả không dự đoán được ở kỳ bầu cử Tổng thống sắp tới.

Trước đây, những dân biểu đã từng hằm hè “truy tố Obama” thật ra chưa tìm thấy lý do nào chính đáng để luận tội ngoại trừ “ông Tổng thống này làm những chuyện mà họ không thích”. Nhưng lần này vụ việc có cơ sở pháp lý hơn, cũng như có sự va chạm đến lợi ích của các chính trị gia và theo họ là quyền lợi của dân chúng Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố: “Tôi tin rằng nếu Tổng thống tiếp tục đơn phương hành động, ông sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chơi với lửa có thể bị phỏng, và ông sẽ tự đốt mình nếu tiếp tục con đường riêng. Dân Mỹ đã tỏ thái độ của họ trong ngày bầu cử. Họ muốn mọi việc được làm, nhưng họ không chấp nhận Tổng thống tự ý hành động”.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm