Cuộc khủng hoảng hơn 3.000 "núi rác" làm đau đầu giới chức Ấn Độ
(Dân trí) - Có đến 3.159 "núi rác" hình thành trên khắp Ấn Độ và "núi rác" lâu đời nhất, cao tương đương tòa nhà 18 tầng, nằm ở thành phố ven biển Mumbai, nơi được xem là thủ đô thương mại và giải trí của Ấn Độ.
Cuộc khủng hoảng rác thải ở Ấn Độ
Mỗi buổi sáng, Farha Shaikh đứng trên đỉnh núi rác có "tuổi đời" lên đến hơn 100 năm ở Mumbai, chờ xe rác đến. Cô gái 19 tuổi này đến đây để nhặt rác và đã lang thang tìm kiếm ở những đống rác tại ngoại ô Deonar từ rất lâu.
Từ đống rác dày và dính vào nhau, cô thường nhặt chai nhựa, thủy tinh và dây điện để bán trong các chợ ve chai đang nở rộ tại thành phố. Nhưng thứ cô muốn tìm nhất là những chiếc điện thoại bị hỏng. Cứ mỗi vài tuần, Farha lại tìm thấy một chiếc điện thoại "chết" trong đống rác. Cô lục lọi trong đống tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để sửa nó. Và khi chiếc điện thoại "sống lại", cô có thể dùng nó để xem phim vào buổi tối, chơi games, nhắn tin và gọi điện thoại cho bạn bè.
Nhưng rồi, khi chiếc điện thoại lại "chết" sau vài ngày hoặc vài tuần, cô lại mất kết nối với thế giới bên ngoài và trở lại những ngày làm việc dài, nhặt rác để bán và tìm một chiếc điện thoại khác để mang đi sửa.
Những núi rác tại Deonar được tạo thành từ hơn 16 triệu tấn rác. Hiện có 8 núi rác trải dài trên diện tích hơn 121 hecta và chúng được cho là những núi rác lớn nhất và lâu đời nhất tại Ấn Độ. Rác chất đống cao đến 36,5m. Thậm chí một vùng nước lớn đã hình thành ở phần rìa bên ngoài của núi rác và các khu ổ chuột đã mọc lên quanh đó.
Rác phân hủy thải ra khí độc như methane, hydrogen sulfide (H2S), carbon monoxide (CO). Vào năm 2016, một bãi rác đã bốc cháy trong vài tháng khiến khói bao trùm ở hầu hết thành phố Mumbai. Các vụ cháy tại bãi rác tạo ra 11% số hợp chất độc hại, là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí trong thành phố, theo một nghiên cứu của cơ quan quản lý ô nhiễm của Ấn Độ.
Một nghiên cứu của Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) có trụ sở tại Delhi công bố vào năm 2020 cho thấy, có đến 3.159 núi rác bao gồm đến 800 triệu tấn rác trên khắp Ấn Độ.
Tại Mumbai, một vụ kiện tụng đã kéo dài trong 26 năm nhằm đóng cửa bãi rác tại Deonar, nhưng việc đổ rác ở đây vẫn tiếp diễn.
Các núi rác tại Ấn Độ từ lâu nay vẫn luôn gây khó chịu cho người dân và giới chức ở nước này.
Đi tìm giải pháp
Ngày 1/10, Thủ tướng Narendra Modi đã công bố về một chương trình đảm bảo vệ sinh toàn quốc, bao gồm việc xây dựng một số nhà máy xử lý nước thải để dần thay thế những bãi rác lộ thiên lớn như tại Deonar.
Nhưng các chuyên gia vẫn còn nhiều hoài nghi.
Phó Giám đốc chương trình tại CSE Siddharth Ghanshyam Singh cho biết: "Nếu là ở các bãi rác nhỏ thì kế hoạch này có thể khả thi, nhưng rất khó để đưa ra giải pháp khắc phục cho những núi rác thải lớn như vậy".
"Đây là vấn đề rất quan ngại, nhưng chúng ta đã phải chấp nhận rằng nếu sống trong những thành phố lớn như Mumbai hoặc Delhi thì phải sống chung với những núi rác như thế", ông Dharmesh Shah, điều phối viên quốc gia của Liên minh Toàn cầu về Các giải pháp Thay thế đốt rác thải, một liên minh các nhóm ủng hộ giảm rác thải, cho biết.
Kể từ năm 2000, Ấn Độ đã thông qua các điều luật yêu cầu chính quyền địa phương tự xử lý rác thải. Thế nhưng hầu hết các bang chỉ có thể tuân thủ một phần quy định, chủ yếu là do không có đủ nhà máy xử lý chất thải.
Mumbai, thủ phủ thương mại và giải trí của Ấn Độ, có khoảng 20 triệu dân chỉ có một nhà máy xử lý rác như vậy. Và Mumbai hiện đang có các kế hoạch xây dựng một nhà máy xử lý rác thải thành năng lượng tại Deonar.
Thủ tướng Modi kỳ vọng kế hoạch này sẽ tạo ra công ăn việc làm mới và giúp thành phố này "xanh" hơn. Nhưng kế hoạch này lại khiến những người nhặt rác như Farha lo lắng vì họ đã sống bằng nghề này trong bao năm qua.
Thực tế là sau vụ cháy hồi năm 2006, việc đi nhặt rác tại những núi rác này đã trở nên khó khăn hơn. Các chính quyền địa phương đã tăng cường an ninh để ngăn chặn những người nhặt rác đến lùng sục các bãi rác và cấm họ đốt rác để lấy kim loại về bán với giá cao hơn.
Những người lén vào nhặt rác thì thường bị đánh, bắt giữ rồi đuổi về. Thế nhưng một số người lại hối lộ cho những người canh bãi rác và vào nhặt rác trước khi các lực lượng bắt đầu đi tuần tra.
Farha đã không tìm được chiếc điện thoại "chết" nào trong vài tháng qua. Cô đã phải hối lộ cho những người bảo vệ ít nhất 50 rupee (khoảng 0,67 USD) mỗi ngày để được vào bãi rác Deonar. Để lấy lại vốn, cô thậm chí đã nghĩ đến chuyện nhặt rác từ các bệnh viện chữa trị Covid-19 ở thành phố hồi năm ngoái.
Thế nhưng gia đình nói cô đừng nhặt rác ở đó vì rất độc hại. Vì vậy, cô đã phải tiếp cận những người nhặt rác mặc đồ bảo hộ để lấy rác nhựa về bán lại kiếm lời. Farha nói: "Không phải bệnh tật, chính cái đói là thứ sẽ giết chết chúng tôi!".