1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc giải cứu "thần tốc" phi công Mỹ gặp nạn tại Libya

(Dân trí) - Mỹ đã triển khai 2 chiếc máy bay tối tân từ một tàu tấn công lưỡng cư ngoài khơi Libya để giải cứu phi công trên chiếc chiến đấu cơ bị rơi tại Libya vào đêm ngày 21/3. Sứ mệnh mang tên TRAP kéo dài 90 phút và “tiêu tốn” mất gần 500kg bom.

 
Cuộc giải cứu "thần tốc" phi công Mỹ gặp nạn tại Libya - 1
Xác chiếc F-15 rơi tại Libya.

Khi chiếc máy bay chiến đấu F-15 Engle của Mỹ bị rơi xuống miền đông Libya vào khoảng 11h33 tối ngày 21/3, hai phi công đã bật dù được ra ngoài và chỉ bị thương nhẹ.

 

Không lâu sau đó, vào 1h33 sáng ngày thứ ba (giờ địa phương), hai chiếc máy bay “lai” MV-22 Osprey, máy bay vận tải và có khả năng cất, hạ cánh theo chiều thẳng đứng như trực thăng, đã được triển khai từ tàu tấn công lưỡng cư USS Kearsarge ở ngoài khơi Libya. Cho đến 3h sáng cùng ngày, một trong hai chiếc máy bay đã mang được một phi công trở về boong tàu an toàn.

 

Như vậy, sứ mệnh giải cứu của lính thủy đánh bộ Mỹ kéo dài 90 phút, tính từ lúc chiếc Osprey cất cánh đến lúc hạ cánh xuống boong tàu USS Kearsarge.

 

Trong thời gian diễn ra cuộc giải cứu, máy bay quân đội Mỹ đã thả hai quả bom nặng 227kg xuống khu vực xung quanh viên phi công.

 

Theo một quan chức cấp cao của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, nếu trong khi đợi được cứu, viên phi công thấy “một lực lượng – dù là kẻ thù hay không, tiếp cận gần mình”, anh ta sẽ gọi lực lượng Mỹ bắn yểm trợ để ngăn người đang tiếp cận anh ta.

 

Quan chức này cho biết thêm không rõ liệu có dân thường Libya nào bị thương hay không khi lực lượng Mỹ thả bom. Tuy nhiên, theo tờ Telegrhap của Anh, 6 thường dân Libya đã bị thương trong cuộc giải cứu này.

 

Ngoài hai chiếc Osprey, 2 chiếc máy bay tấn công mặt đất AV-8B Harrier cũng hỗ trợ cho sứ mệnh giải cứu các phi công. Các máy bay này được trang bị đạn thông thường, trong đó có bom GBU-12, mỗi quả nặng hơn 200kg. Vai trò của các máy bay này là không để lực lượng bên ngoài nào làm ảnh hưởng đến cuộc giải cứu.

 

Tuy nhiên, quan chức trên cũng cho biết không máy bay nào trong hai máy bay AV-8B Harrier phải khai hỏa.

 

Trong khi đó, binh sỹ còn lại trên chiếc máy bay bị rơi, là người điều khiển vũ khí, đã được người dân Libya cứu, đô đốc Samuel Locklear III, chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi cho hay. “Anh ta được đối xử tôn trọng và đã được trao trả cho quân đội Mỹ”.

 

Mỹ hiện đang bảo vệ vùng cấm bay trên khu vực lực lượng nổi dậy Libya kiểm soát, cho nên theo quan điểm của Mỹ và đồng minh, lực lượng này được xem là những “người tốt”. Theo một người  dân làng bị thương, thì người dân làng đã mở “tiệc” thết đãi một viên phi công khi quân đội Mỹ thả bom.

 

Diễn biến theo thời gian:

 

Chiếc chiến đấu cơ F-15 của Mỹ đã bị rơi xuống Ghot Sultan, Đông Nam Benghazi, thành trì của phe nổi dậy vào khoảng 11h33 tối ngày 21/3.

 

Vào 0h50 sáng 22/3, hai chiếc AV-8B Harriers được triển khai từ USS Kearsarge để hỗ trợ phi công bị rơi. 5 phút sau, lãnh đạo quân sự Mỹ phê chuẩn sứ mệnh giải cứu được Lực lượng lính thủy đánh bộ gọi là Sứ mệnh giải cứu chiến thuật máy bay và nhân sự, gọi tắt là TRAP. Những cuộc giải cứu kiểu này thường được triển khai khi đã biết chính xác nơi phi công bị rơi.

 

Tới 1h20 sáng, 2 máy bay Harriers đã ở trên đầu phi công và một chiếc F-16 gần đó đã liên lạc được với anh.

 

Tới 1h30, lính thủy đánh bộ Mỹ sẵn sàng triển khai 2 trực thăng CH-53E Super Stallion, một trong những loại “hạng nặng” của quân đội Mỹ, với khoảng 46 lính thủy.

 

Vào 1h51, hai trực thăng CH-53E được triển khai.

 

Trong khi đó 2 chiếc MV-22 Ospreys đã được triển khai từ USS Kearsarge vào 1h33 sáng.

 

Đây cũng là lúc hai chiếc Harriers thả 2 quả bom nặng 227kg, theo đúng lịch trình Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đưa ra.

 

Đến 2h38 sáng, một trong hai chiếc Ospreys đã tiếp đất, đón viên phi công bị rơi.

 

Và vào 3h sáng, chiếc máy bay chở theo viên phi công hạ cánh xuống bom tàu USS Kearsarge.

 

Lần gần đây nhất một sứ mệnh TRAP được tiến hành công khai là vào năm 1995, nhằm cứu đại úy Scott O’Grady của Không lực Mỹ ở Bosnia. Và sứ mệnh cũng được phát động từ chính boong tàu USS Kearsarge.

 

Theo một quan chức quân đội Mỹ, mặc dù đó là cuộc giải cứu “công khai” gần nhất, nhưng trong vòng 18-24 tháng qua, đã có ít nhất 2 cuộc giải cứu TRAP tương tự.

 

Phan Anh
Tổng hợp