1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cuộc gặp “lịch sử” giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Canada

(Dân trí) - Cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Thủ tướng Justin Trudeau và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày 13/2 được đánh giá là cuộc họp quan trọng nhất đối với Canada trong nhiều thập niên giữa lãnh đạo của hai quốc gia láng giềng.


Tổng thống Donald Trump (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Justin Trudeau sẽ tới Nhà Trắng trong ngày hôm nay 13/2, đúng vào thời điểm mà nhiều người dân Canada lo sợ rằng Tổng thống Donald Trump sẽ ban hành các biện pháp bảo hộ có thể làm tổn thương nền kinh tế của họ, cùng với đó là những quan ngại về khả năng xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa ông chủ Nhà Trắng với nhà lãnh đạo Canada như hai vụ căng thẳng trước đó với Tổng thống Mexico và Thủ tướng Australia.

Thủ tướng Trudeau, 45 tuổi, và Tổng thống Trump, 70 tuổi, có quan điểm khác nhau rõ rệt về tình hình thế giới. Trong khi ông Trudeau là nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa tự do, tôn vinh nền thương mại toàn cầu và chào đón 40.000 người tị nạn Syria vào Canada thì ông Trump lại là một chính trị gia theo trường phái bảo hộ, sẵn sàng thực thi chính sách “đóng cửa” biên giới đối với người tị nạn và người nhập cư. Mặc dù vậy, Thủ tướng Canada vẫn mong muốn hướng đến những lợi ích kinh tế chung trong cuộc gặp đầu tiên với tân tổng thống Mỹ.

“Chúng tôi sẽ nói về tất cả những vấn đề mà chúng tôi quan tâm, như vấn đề việc làm và tăng trưởng kinh tế, các cơ hội cho tầng lớp trung lưu, dựa trên thực tế rằng hàng triệu công ăn việc làm tốt ở biên giới của cả hai nước phụ thuộc vào việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ một cách suôn sẻ qua khu vực này”, AP dẫn lời ông Trudeau nói.

Tuy nhiên, “chúng tôi sẽ đề cập đến những điều mà tôi chắc chắn là chúng tôi chưa nhất trí và chúng tôi sẽ giải quyết một cách thận trọng. Canada sẽ luôn đi theo những giá trị mà đã đưa chúng tôi trở thành một đất nước đặc biệt - một nơi của sự cởi mở”, Thủ tướng Trudeau nói thêm.

Trước đó, sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh di trú gây tranh cãi cấm công dân của 7 quốc gia đông dân Hồi giáo vào Mỹ hồi cuối tháng 1, Thủ tướng Trudeau viết trên mạng xã hội Twitter rằng Canada chào đón tất cả những ai đang chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh vì theo ông, “sự đa dạng là sức mạnh của Canada”. Phát ngôn viên của Thủ tướng Trudeau cho biết nhà lãnh đạo Canada mong được thảo luận về chính sách nhập cư và tị nạn của nước này với Tổng thống Trump.

Mối quan hệ song phương với Mỹ có vai trò rất quan trọng đối với Canada vì 75% hàng xuất khẩu nói chung và 98% xuất khẩu dầu mỏ nói riêng của Canada là sang thị trường Mỹ. Trong khi đó, chỉ khoảng 18% hàng hóa của Mỹ vào thị trường Canada. Do vậy, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại rằng Canada sẽ bị gạt sang một bên nếu Tổng thống Trump chuyển trọng tâm sang Mexico trong tiến trình đàm phán lại Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vốn được 3 nước ký kết từ năm 1994. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần chỉ trích NAFTA lấy đi việc làm của người Mỹ và tuyên bố muốn xem xét lại thỏa thuận này. Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn để ngỏ khả năng rút khỏi NAFTA nếu các đối tác từ chối xem xét lại.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm