Cuộc đời chìm nổi của thiên tài quân sự Liên Xô Tukhachevsky
Nguyên soái Tukhachevsky là một nhà chỉ huy thiên tài, một lý luận gia xuất chúng có đóng góp to lớn vào nền quân sự Liên Xô và thế giới.
Xuất thân từ một gia đình quý tộc, Mikhail Tukhachevsky gia nhập phái cách mạng chiến đấu chống lại các phần tử ủng hộ Sa hoàng ở vùng Siberia và miền Nam nước Nga trong giai đoạn nội chiến Nga.
Con tem Liên Xô năm 1963 vinh danh cố Nguyên soái Mikhail Tukhachevsky và học thuyết quân sự của ông. (Ảnh: Andrei Sdobnikov)
Tukhachevsky được giới sử gia coi là một tư lệnh và chiến lược gia quân sự lỗi lạc, người đã đặt nền móng cho các thắng lợi vĩ đại của Hồng quân Liên Xô.
Với tài năng và đóng góp to lớn của mình, ông thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ lãnh đạo quân sự của Liên Xô.
Thế nhưng sự đời khó biết được chữ ngờ. Từ đỉnh cao vinh quang, ông bất ngờ bị cách mọi chức vụ, bị giam dưới hầm tối với tội danh làm gián điệp và phản bội Tổ quốc.
Bị quân Đức bắt trong Thế chiến 1 và gia nhập Hồng quân
Mikhail Tukhachevsky sinh ra trong một gia đình quý tộc ở vùng Smolensk vào năm 1893. Sau khi tốt nghiệp trường quân sự Aleksandrovskoye, ông gia nhập trung đoàn cận vệ Semyonovsky lẫy lừng và được gửi ra mặt trận tham gia Thế chiến thứ 1.
Trong thời gian nửa năm chiến đấu, Tukhachevsky được trao tặng 6 huân chương vì lòng can đảm. Tháng 2/1915 ông bị quân Đức bắt. Giai đoạn đó ông đã cố chạy trốn tới 4 lần. Khi bị cầm tù ở pháo đài Ingolstadt, nơi giam giữ những tù nhân “ương bướng và nguy hiểm nhất”, Tukhachevsky đã gặp đại úy Charles de Gaulle, người về sau trở thành anh hùng kháng chiến và Tổng thống của Pháp.
Nỗ lực trốn ngục lần thứ 5 của Tukhachevsky đã thành công và ông xoay sở để về được nước Nga vào tháng 10/1917, khi phong trào nổi dậy của phái Bolshevik đang lên cao. Giai đoạn đầu ông được phong cấp bậc đại úy trước khi giải ngũ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông gia nhập Đảng Bolshevik và Hồng quân, nơi ông thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ chỉ huy. Về sau ông tâm sự, “cuộc đời thật của tôi bắt đầu kể từ và khi gia nhập Hồng quân”.
Nhà chỉ huy và lý luận quân sự hàng đầu thế giới Mikhail Tukhachevsky. (Ảnh: istorya.ru)
Trong Nội chiến Nga, Tukhachevsky chiến đấu chống lại lực lượng Bạch vệ do Đô đốc Aleksandr Kolchak cầm đầu. Năm 1919 ông giúp phái Bolshevik chiếm lại vùng Siberia. Năm 1920, ông được điều về mặt trận phương Nam nơi ông cuối cùng đánh tan các lực lượng của một viên tướng Bạch vệ khác tên là Anton Denikin ở vùng Crimea.
Tư lệnh cứng rắn
Nội chiến Nga chưa kết thúc nhưng Đảng Bolshevik đã cử Tukhachevsky đưa quân sang Ba Lan hỗ trợ phong trào cách mạng ở đây và kết nối nó với Nga.
Giai đoạn sau, ông được giao nhiệm vụ trấn áp một cuộc nổi loạn của hải quân đánh bộ ở cảng Kronstadt gần Leningrad (nay là Saint Petersburg).
Cùng thời điểm với cuộc nổi loạn của thủy quân lục chiến, hàng trăm ngàn nông dân bị lực lượng phản động xúi giục đã nổi dậy ở nhiều nơi nhằm lật đổ chính quyền cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Tukhachevsky, các đơn vị Hồng quân đã sử dụng những biện pháp vô cùng cứng rắn để trấn áp không thương tiếc các thủy thủ nổi loạn cũng như các cuộc bạo động ở khu vực Tambov và Voronezh của Nga.
Đối phương có thể coi Tukhachevsky là một chỉ huy đáng sợ nhưng trên thực tế Tukhachevsky lại là một con người rất nho nhã, yêu nhạc, đặc biệt ngưỡng mộ Beethoven, và thậm chí tự tay chế ra violin.
Năm 1921 Mikhail Tukhachevsky được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Học viện Quân sự Hồng quân. Trong giai đoạn 1925-1928, ông được cử làm một trong các Tham mưu trưởng Xô viết. Vài năm tiếp theo, ông nhanh chóng vươn lên thành Phó Dân ủy Quốc phòng (tức Thứ trưởng Quốc phòng) vào năm 1934 và Thứ trưởng thường trực vào năm 1936.
Cha đẻ của nhiều trường quân sự Xô viết
Ở tuổi 42 ông được phong trở thành một trong 5 vị Nguyên soái đầu tiên trong lịch sử Liên Xô. Trong thập kỷ này, Tukhachevsky tham gia sâu vào việc hiện đại hóa Hồng quân, với nỗ lực cải biến các đơn vị cách mạng phi chính quy thành một lực lượng mạnh và hiệu quả.
Năm vị Nguyên soái đầu tiên của Liên Xô, được phong vào tháng 11/1935. Trong ảnh, Tukhachevsky ngồi ngoài cùng bên trái. (Ảnh: Pinterest)
Ông đã khởi xướng việc lập ra một số cơ sở quân sự cùng với các học viện chuyên về lính dù, xe tăng, pháo binh và không quân. (Bản thân ông cũng viết nhiều sách về lý luận quân sự, đặc biệt là lý thuyết "tác chiến chiều sâu", tạo nền móng cho học thuyết quân sự Liên Xô và đóng góp đáng kể vào kho tàng nghệ thuật quân sự thế giới – ND).
Tukhachevsky cũng ủng hộ các nghiên cứu sơ khởi về việc chế tạo rocket. Nhìn chung ông chủ trương tái trang bị cho quân đội bằng những vũ khí tân tiến, công nghệ cao.
Trong lĩnh vực này, ông cực lực phản đối Bộ Quốc phòng Liên Xô và thủ trưởng trực tiếp của mình khi ấy là Bộ trưởng Quốc phòng Kliment Voroshilov. Quan điểm của Voroshilov coi kỵ binh là lực lượng mạnh nhất trên chiến trường và ông ta không chịu từ bỏ quan điểm này cho tới khi bắt đầu.
Thành công ở cả tư cách chỉ huy và quản lý quốc phòng, Nguyên soái Tukhachevsky bị nhiều kẻ ghen tức và gièm pha.
Ngày định mệnh
Vào ngày 22/5/1937, Nguyên soái Tukhachevsky đột ngột bị bắt giữ theo lệnh trực tiếp của lãnh đạo cao nhất khi đó mà không hề có quyết định của tòa án hay bên công tố.
Ông cùng 7 sĩ quan cao cấp khác bị kết án âm mưu chống chế độ.
Cả 8 chỉ huy cao cấp này cùng bị kết tội làm gián điệp và phản quốc. Việc xét xử họ cũng mở ra một trang đen tối trong lịch sử khi ấy, khi hàng trăm ngàn người trong Hồng quân bị thanh lọc trong cuộc Đại thanh trừng.
Không chỉ vậy, rất nhiều người thân của Tukhachevsky bị liên lụy và chịu nhiều khổ đau tột cùng...
(Bên cạnh đó, các lý luận quân sự của Tukhachevsky cũng bị gạt bỏ. Chỉ đến khi Thế chiến thứ 2 diễn ra một thời gian và Hồng quân Liên Xô liên tiếp bị đẩy lui trên chiến trường, người ta mới chịu quay trở lại với các tư tưởng quân sự đúng đắn của ông - ND).
Mãi đến năm 1957, khi đã thành người thiên cổ từ rất lâu, ông mới được phục hồi danh dự và vị thế. Năm đó, dưới thời lãnh đạo Nikita Khrushchev, bản án dành cho Tukhachevsky được lật lại. Đến năm 1988 bản án của ông được xóa bỏ về mặt tư pháp.
Có 3 phiên bản về việc thất sủng của Nguyên soái Tukhachevsky. Giả thuyết thứ nhất cho rằng ông quá nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn nên có những kẻ ghen ghét, muốn hãm hại.
Giả thuyết thứ 2 cho rằng lực lượng mật vụ Đức Quốc xã muốn loại bỏ các vị chỉ huy quân sự tài năng nhất của Liên Xô trước khi nổ ra chiến tranh nên chúng đã tung tin đồn về một âm mưu tạo phản trong nội bộ quân đội Xô viết.
Cách lý giải thứ 3 được nhiều sử gia chia sẻ là việc Tukhachevsky luôn khẳng định rằng Đức Quốc xã là kẻ thù chính của Liên Xô mà điều này lại cản trở phe ủng hộ quan hệ hòa giải với Đế chế 3 nên họ đã ra tay loại bỏ Nguyên soái này.
Cuộc thanh trừng giai đoạn thập niên 1930 thực sự đã làm suy yếu đáng kể sức mạnh của Hồng quân Liên Xô trước khi họ bước vào Thế chiến 2./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN (lược dịch từ RT)