Cuộc điều tra con trai "làm khó" ông Biden trước ngưỡng cửa Nhà Trắng
(Dân trí) - Cuộc điều tra nhằm vào con trai vào thời điểm "nhạy cảm" có thể gây khó dễ cho ông Joe Biden khi cánh cửa Nhà Trắng đã cận kề.
Sau nhiều tháng im lặng trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, giới chức liên bang Mỹ đang tích cực vào cuộc để điều tra các giao dịch làm ăn của Hunter Biden - con trai của ứng viên được dự đoán trở thành tổng thống đắc cử Joe Biden.
Khi cuộc bầu cử đã qua đi và ngày nhậm chức của tổng thống đắc cử đã cận kề, cuộc điều tra đang bước vào giai đoạn mới. Các công tố viên liên bang ở Delaware, phối hợp cùng Cơ quan Điều tra Hình sự thuộc Cơ quan Thuế vụ (IRS) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang tiến hành các bước như đòi trát hầu tòa và thẩm vấn lấy lời khai.
Theo Reuters, cuộc điều tra đã được tiến hành thầm lặng trong những tháng gần đây do Bộ Tư pháp chỉ đạo cấm công khai các hoạt động có thể làm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Truyền thông Mỹ cho biết cuộc điều tra thực chất đã bắt đầu từ đầu năm 2018, thời điểm ông William Barr giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ.
Hunter Biden ngày 9/12 đã lên tiếng xác nhận về việc ông đang bị điều tra. Theo một số nguồn tin, các nhà điều tra đang tập trung vào các vấn đề tài chính, nhằm xác định Hunter Biden và các cộng sự của ông có vi phạm luật thuế và rửa tiền trong các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, hay không.
Một nguồn tin khác cho biết một số giao dịch kinh doanh của Hunter Biden có liên quan tới những người mà FBI tin là gây ra lo ngại về nguy cơ phản gián. Đây cũng là vấn đề chung khi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo các tài liệu do phe Cộng hòa công bố, sau khi ông Joe Biden rời nhiệm sở vào năm 2017, Hunter Biden đã tìm cách đạt được một thỏa thuận với công ty CEFC China Energy để đầu tư vào các dự án năng lượng của Mỹ.
Một trong những vấn đề được các nhà điều tra xem xét là viên kim cương 2,8 carat mà Ye Jianming, người sáng lập và là cựu chủ tịch của CEFC, tặng cho Hunter Biden vào năm 2017 như một món quà sau cuộc gặp làm ăn tại Miami.
Hunter Biden sau đó nói với tạp chí New Yorker rằng ông cảm thấy không thoải mái khi nhận viên kim cương và đã trao nó cho cộng sự. Ông cũng không biết họ đã làm gì với món quà này.
Hunter Biden nói thêm rằng thỏa thuận với CEFC đã thất bại và ông không coi Ye Jianming là nhân vật mờ ám. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc sau đó đã bắt giữ Ye giữa lúc truyền thông nước này đưa tin về cáo buộc tham nhũng nhằm vào Ye.
Phép thử cho ông Biden
Theo CNN, cuộc điều tra nhằm vào Hunter Biden sẽ là phép thử trước mắt cho cam kết của ông Joe Biden về việc duy trì tính độc lập của Bộ Tư pháp Mỹ trước những ảnh hưởng về chính trị.
"Tôi sẽ không nói họ phải làm gì hay không phải làm gì. Tôi sẽ không nói hãy truy tố A, B hay C. Đó không phải vai trò của tôi và đây cũng không phải Bộ Tư pháp của tôi. Đây là Bộ Tư pháp của người dân. Người tôi chọn để điều hành Bộ Tư pháp sẽ là người có khả năng làm việc độc lập để quyết định ai bị truy tố và ai không bị truy tố", ông Biden tuyên bố.
Các nghị sĩ Cộng hòa trong quốc hội gần như chắc chắn sẽ tận dụng cuộc điều tra này để tiếp tục gia tăng lập luận rằng, hoạt động của Hunter Biden ở Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy xung đột lợi ích của ông Joe Biden khi đề cập tới chính sách đối ngoại với Bắc Kinh. Đây cũng là vấn đề mà ứng viên được ông Biden chọn làm Bộ trưởng Tư pháp phải đối mặt trong phiên điều trần tại Thượng viện trước khi được phê chuẩn vào vị trí này.
Tổng thống Donald Trump cũng nhanh chóng chớp lấy thời cơ để ra tuyên bố rằng, nếu cuộc điều tra nhằm vào Hunter Biden được công bố trước bầu cử, kịch bản đó sẽ giúp đảo chiều phiếu bầu theo hướng có lợi cho ông. Các nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố sẽ thúc đẩy cuộc điều tra nếu đảng này vẫn nắm quyền kiểm soát Thượng viện sau cuộc đua sắp tới.
Thông tin về cuộc điều tra nhằm vào Hunter Biden càng được chú ý hơn khi ông Biden công bố lựa chọn ứng viên Bộ trưởng Tư pháp. Nhiều câu hỏi được đặt ra về khả năng ông Biden sẽ chọn một đồng minh chính trị vào vị trí này, thay vì một nhân vật độc lập với Nhà Trắng.
Theo New York Times, nếu Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Donald Trump không "xóa bỏ" các cáo buộc liên quan tới Hunter Biden trước khi ông rời Nhà Trắng, tân tổng thống, người được dự đoán là Joe Biden, sẽ phải đối mặt với kịch bản khó khăn. Chính quyền mới do ông Biden thành lập sẽ phải quyết định liệu có nên tiếp tục cuộc điều tra, thậm chí truy tố, nhằm vào con trai ông không và nếu có thì sẽ tiến hành như thế nào. Phe Cộng hòa mới đây đã yêu cầu bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để tách rời cuộc điều tra này với ảnh hưởng chính trị.
Theo Richard W. Painter, cựu cố vấn của Tổng thống George W. Bush, ông Biden nên thành lập một nhóm luật sư thường trực đặc biệt để giải quyết các vụ việc nhạy cảm về chính trị và khôi phục lòng tin của công chúng rằng, Bộ Tư pháp không phải là công cụ của tổng thống.
"Đây là cơ hội để tổng thống đắc cử và bộ trưởng tư pháp, dù ai là người được chọn, tuyên bố rằng đây chính xác là lý do chúng ta cần một văn phòng luật sư đặc biệt", ông Painter nhận định.
Ngay cả khi Hunter Biden cuối cùng được kết luận là không vi phạm bất kỳ luật nào, cuộc điều tra cũng gây rắc rối cho ông Joe Biden nếu ông trở thành tân tổng thống Mỹ, nhất là khi ông từng cam kết sẽ không để xảy ra các vụ xung đột lợi ích.
Đối với các tổng thống Mỹ, rất ít vấn đề xảy ra tại Nhà Trắng khiến họ phiền lòng hơn các cáo buộc nhằm vào những người thân trong gia đình. Hoặc là họ sẽ cảm thấy thất vọng, hoặc sẽ cảm thấy rằng người thân của họ đang bị đối xử không công bằng chỉ vì có quan hệ gần gũi với tổng thống.
Ông Joe Biden cho đến nay vẫn chưa lên tiếng chính thức về cuộc điều tra nhằm vào con trai. Văn phòng của ông Biden cũng không bình luận về việc ông sẽ xử lý vấn đề này như thế nào sau khi đặt chân tới Nhà Trắng.