Cuộc di dân khổng lồ trốn chạy nạn đói của người Venezuela
(Dân trí) - Trong tâm bão lạm phát, hàng trăm ngàn người dân Venezuela đã tràn qua biên giới các nước láng giềng trong khu vực Mỹ Latin để trốn chạy nạn đói. Những người chọn ở lại đang đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực và nghèo đói.
Cuộc di dân khổng lồ
Hàng trăm ngàn người Venezuela đang đổ qua biên giới các nước láng giềng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tiền tệ mất giá. Các nhà quan sát đánh giá đây là một trong những cuộc khủng hoảng di dân tồi tệ nhất trong lịch sử khu vực Mỹ Latin. Nó buộc các chính phủ láng giềng của quốc gia từng giàu có nhất khu vực phải điều hàng ngàn quân nhân tới biên giới với Venezuela nhằm đảm bảo tình hình an ninh, trật tự không bị đảo lộn.
Quy mô khổng lồ của cuộc di dân này có thể so sánh với làn sóng tị nạn Syria đổ sang châu Âu những năm 2015, khi dòng người tràn ngập vào các quốc gia khiến họ phải nghĩ đến việc đóng cửa và ngăn chặn tình hình thêm tệ hơn nữa.
Tình hình ở nước láng giếng Colombia chính là ví dụ điển hình cho cuộc khủng hoảng di dân. Chính phủ nước này đã điều 3.000 binh sĩ tới canh gác hơn 2.253 km dọc đường biên giới. Từ tháng 8 năm ngoái, khoảng 250.000 người Venezuela đã đổ dồn sang biên giới Colombia, với tần suất 3.000 người/ngày.
Con số gây “sốc” trên đã khiến chính phủ Colombia buộc phải hành động. Họ đã tạm hủy chương trình cấp thị thực tạm thời cho người Venezuela, mở các chiến dịch bắt giữ và trục xuất những người nhập cảnh bất hợp pháp qua biên giới.
“Đi thôi nào!”, Thiếu tá Jarlinzont Zea nói vào máy bộ đàm ra hiệu với các đồng đội và cấp dưới. Hàng chục sĩ quan Comlombia cùng với các quan chức nhập cư bước xuống khỏi xe cảnh sát tiến tới khu vực công viên nơi người tị nạn Venezuela đang tập trung.
Một phụ nữ trẻ tuổi dường như tỏ ra chần chừ.
“Tên cô là gì?”, một sĩ quan hỏi. “Andie”, cô gái sợ sệt trả lời. “Giấy tờ của cô đâu?”, sĩ quan yêu cầu. “Tôi không có, thưa ngài”, cô gái run rẩy đáp trả.
“Cô đến từ đâu vậy”, sĩ quan gặng hỏi. “Tôi đến từ Venezuela. Làm ơn, tôi…tôi không thể quay về được”, Andie nói gần như bật khóc.
Theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), có trụ sở tại Thụy Sĩ, trong 2 năm qua, gần 1 triệu người Venezuela đã rời bỏ quê hương, trong đó phần lớn tập trung vào cuối năm 2017 khi tình hình kinh tế của Caracas lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Theo IOM, khu vực Mỹ Latin là nơi người Venezuela chọn đến nhiều nhất, cá biệt có những nơi như Chile, Colombia, tỷ lệ người di cư tăng tới hơn 1.000 % từ năm 2015 tới hết năm 2017. “Tôi yêu đất nước của tôi. Nhưng ở đó, tôi không thể mua thức ăn cho con cái”, người mẹ 28 tuổi, Liuiben De Navarro, một người di tản sang Comlombia chia sẻ.
Lựa chọn ra đi, nhưng cuộc sống của những người này vẫn chưa thể khá hơn được. Họ phải sống tạm bợ, trốn tránh, chưa kể thiếu thốn lương thực, thuốc men khiến cho những người này thêm “đau đầu”.
Cô Navarro cùng những người phụ nữ Venezuela hàng ngày “lang bạt” trên những chuyến xe bus bán hàng rong. Cách đó vài bước chân, một người khác đang cố gắng bán những mảnh phế liệu cho một người thu mua Colombia. Có một số người phụ nữ đã “cắn răng” bán tóc cho những nơi thu mua tóc giả để kiếm tiền sống.
Sự có mặt của những người di cư cũng khiến người dân địa phương bức xúc không kém. Quá nhiều người Venezuela đổ dồn sang khiến cho họ cảm thấy đất nước của họ đang bị “xâm chiếm”. Những người bán hàng rong phàn nàn rằng người một số người Venezuela mang các mặt hàng hoa quả từ nước họ sang và bán phá giá khiến sinh kế của những người Colombia cũng bị lao đao theo.
Cuộc sống của những người ở lại
Cuộc sống của những người chọn ở lại quê hương cũng không khá hơn là bao. Một thống kê về điều kiện sống do 3 trường đại học ở Venezuela tiến hành cho thấy 75% dân số nước này đã sụt trung bình 8.6 kg mỗi người do tình trạng thiếu lương thực.
32,5% dân số Venezuela, tương đương với 9.6 triệu người, cho biết họ đang chỉ được ăn nhiều nhất là 2 bữa mỗi ngày. Con số này tăng đột biến so với con số 11,5% năm 2015. Tổng cộng, 82% dân số nước này đang sống trong nghèo đói và 93% cho biết thu nhập của họ không đủ để trang trải tiền mua thức ăn.
Theo Independent, hiện tại lạm phát của Venezuela đã lên tới 800% và đồng tiền của nước này đã gần như mất hết giá trị lưu thông. Điều này đã khiến Venezuela không thể nhập khẩu lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết. Để sinh tồn, người dân nước này phải sử dụng những thực phẩm giá thành thấp như khoai tây.
Trả lời Fox News, Maritza Landaeta, một nhà nghiên cứu thuộc cơ quan Giám sát Y tế Venezuela chia sẻ rằng thói quen ăn uống của người dân nước này đã thay đổi so với năm 2014. Họ chuyển từ ăn cơm, bánh mì, mì pasta sang ăn các loại củ.
Đức Hoàng
Tổng hợp