1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc đấu tranh nội tâm của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam

(Dân trí) - Khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông vào ngày 20/1/2017, ông Ted Osius cũng chuẩn bị từ bỏ công việc mơ ước của mình, đó là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (Ảnh: New York Times)
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (Ảnh: New York Times)

“Tôi từng nghĩ rằng tôi sẽ bị sa thải vào ngày 21/1”, ông Osius, 57 tuổi, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng công tác trong ngành ngoại giao gần 30 năm, nói với New York Times.

Rốt cuộc ông Osius không bị sa thải, nhưng ông bất đồng với chính quyền Trump về những nỗ lực của Washington trong việc trục xuất hàng nghìn người nhập cư Việt Nam khỏi Mỹ. Mùa thu năm 2017, ông Osius đột ngột được yêu cầu rời khỏi Việt Nam chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump có bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.

Ông Osius sau đó thôi chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ và chuyển tới thành phố Hồ Chí Minh với cách là công dân bình thường. Ông là một trong số nhiều nhà ngoại giao cấp cao chuyên nghiệp của Mỹ từng làm việc cho các đời tổng thống ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhưng việc phản đối các chính sách của chính quyền Trump đã buộc họ phải rời đi.

Trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại với New York Times, các quan chức tại Nhà Trắng và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đều bảo vệ các chính sách nhập cư của Tổng thống Trump đối với Việt Nam. Họ nói rằng gần như mọi trường hợp người Việt Nam bị Mỹ trục xuất mà ông Osius phản đối đều là những người vi phạm pháp luật tại Mỹ. Theo đó, chính quyền Trump chỉ đang buộc các nước, trong đó có Việt Nam, hợp tác với các đạo luật di trú hiện hành của Mỹ.

“Nếu cựu đại sứ (Osius) muốn thay đổi luật, chúng tôi hoan nghênh ông ấy tới Quốc hội và yêu cầu chúng tôi thay đổi”, bà Katie Waldman, người phát ngôn Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nói.

Tuy nhiên, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Osius không xem ông như một “người chống đối” lại chính quyền Mỹ, thay vào đó là một người xây dựng cầu nối giữa hai bên.

Niềm đam mê ngoại giao

Cựu Đại sứ Ted Osius cùng bạn đời và hai con (Ảnh: New York Times)
Cựu Đại sứ Ted Osius cùng bạn đời và hai con (Ảnh: New York Times)

Ted Osius sinh ra tại bang Maryland, là con trai của một bác sĩ và một giáo viên tiếng Anh tại trường trung học. Ông từng theo học tại bang Vermont. Ted Osius chia sẻ rằng chính niềm đam mê với các nền văn hóa nước ngoài đã hối thúc ông dành một năm tới Trung Đông sau khi tốt nghiệp phổ thông.

“Điều đọng lại là niềm yêu thích với các nền văn hóa vốn rất khác biệt với nền văn hóa của chúng ta”, ông Osius chia sẻ vào một buổi sáng gần đây trong phòng khách của của ông ở thành phố Hồ Chí Minh. Xung quanh ông là những món đồ mà ông sưu tập được trong các nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Ấn Độ và một số nước khác ở châu Á.

Ông Osius bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard vào năm 1984 và nhận nhiệm kỳ công tác đầu tiên tại Philippines. Ted Osius nhanh chóng nhận ra rằng bản chất ngoại giao tự nhiên trong con người ông, trong đó lấy việc xây dựng lòng tin dựa trên nền tảng của các lợi ích chung, đôi khi không đồng nhất với chính sách của chính quyền Mỹ.

Chẳng hạn, ông Osius từng chỉ trích cách tiếp cận thô bạo của chính quyền Mỹ trong các cuộc đàm phán với cựu Tổng thống Philippines Corazon Aquino khi Mỹ không thể tiếp cận các căn cứ hải quân và không quân quan trọng tại Philippines vào đầu thập niên 1990.

“Bà ấy là một phụ nữ. Còn chúng ta tỏ ra thông minh, ngạo mạn và không chịu lắng nghe”, ông Osius nói.

Nhiều năm sau đó, ông Osius trở thành một thành viên trong nhóm các nhà ngoại giao âm thầm thuyết phục chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush hợp tác với Triều Tiên thông qua các cuộc đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, ông Osius nói rằng khi các chính sách với Triều Tiên của chính quyền Bush trở nên cứng rắn hơn, hai trong số các đồng nghiệp của ông đã từ chức trong sự thất vọng.

“Đó là thế lưỡng nan mà tất cả các nhà ngoại giao chuyên nghiệp phải đối mặt: Rằng ranh giới đạo lý nào mà bạn không thể vượt qua được? Tôi quyết định không dừng lại, mà sẽ vượt qua nó và chờ xem liệu tôi có thể tiếp tục làm điều gì đó tốt đẹp hay không”, ông Osius nói.

Phát triển quan hệ Việt - Mỹ

Cựu Đại sứ Ted Osius (thứ 4 từ phải sang) tham dự cuộc hội đàm giữa cựu Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 23/5/2016 (Ảnh: Reuters)
Cựu Đại sứ Ted Osius (thứ 4 từ phải sang) tham dự cuộc hội đàm giữa cựu Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 23/5/2016 (Ảnh: Reuters)

Cựu Đại sứ Ted Osius đã dành nhiều thập niên cho việc phát triển quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nơi ông lần đầu tiên làm việc với tư cách là một tùy viên chính trị vào cuối những năm 1990. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông Osius là hỗ trợ mở lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ted Osius cho biết ý tưởng trở thành đại sứ tại Việt Nam, hay bất kỳ nơi nào khác, từng là điều ông chưa bao giờ nghĩ tới. Lý do phần lớn là bởi văn hóa thủ cựu tại Bộ Ngoại giao Mỹ thường không sẵn sàng trao những vị trí đại sứ cấp cao tại nước ngoài cho những nhà ngoại giao công khai là người đồng tính như ông.

Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2014 khi cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề xuất với cựu Tổng thống Barack Obama về việc bổ nhiệm ông Osius làm đại sứ tại Việt Nam, môi trường chính trị tại Bộ Ngoại giao Mỹ đã có sự thay đổi.

“Đối với riêng anh ấy mà nói, việc được đến đây (Việt Nam) là một niềm vui. Cảm giác như anh ấy trúng số vậy”, Clayton Bond, bạn đời của cựu đại sứ Ted Osius đồng thời là nhà ngoại giao vừa thôi chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ hồi năm ngoái, chia sẻ.

Theo Osius, ưu tiên ban đầu của ông khi trở thành đại sứ tại Việt Nam là vận động các quan chức sở tại đồng ý với các quy chuẩn về môi trường và lao động gắn với các cuộc đàm phán thương mại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). (Sau này Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi TPP và ông Osius đã gọi đây là hành động mà Mỹ tự gây tổn hại cho chính lợi ích của mình).

Trong vai trò đại sứ, ông Osius cũng vận động chính quyền Obama tổ chức chuyến thăm đầu tiên tới Nhà Trắng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Từ đó, quan hệ Việt Nam và Mỹ ngày càng phát triển trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng và thương mại.

“Nhớ lại, đó hóa ra lại là điều tuyệt vời nhất mà tôi từng làm”, ông Osius nói.

Việc ông Osius có thể nói trôi chảy tiếng Việt cũng như việc ông thường xuyên xuất hiện trước công chúng, đôi khi có cả người bạn đời và hai con bên cạnh, đã khiến ông nhận được nhiều tình cảm từ người dân Việt Nam. Câu chuyện tình yêu của cựu đại sứ Mỹ cũng trở thành hình mẫu cho các cặp đồng tính tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi từ sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Ted Osius nói rằng mặc dù ông phản đối kịch liệt với lệnh cấm nhập cư do Tổng thống Trump đưa ra nhằm vào công dân của các quốc gia có đông dân Hồi giáo, song ông vẫn quyết định làm việc cho chính quyền Trump, một phần bởi vì ông muốn ngăn những nguy cơ có thể gây tổn hại cho mối quan hệ Việt - Mỹ.

Tuy vậy, Ted Osius chia sẻ mọi việc ngày càng trở nên khó khăn hơn khi ông phải đối mặt với sức ép từ chính quyền Trump về việc trục xuất hơn 8.000 người Việt Nam khỏi Mỹ. Rốt cuộc ông đã quyết định thôi chức. Ông nói rằng ông đã kết thúc sự nghiệp ngoại giao kéo dài 29 năm của mình vì không chấp nhận ý tưởng trở thành người đại diện cho chính quyền Trump.

Ted Osius hiện là phó Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ông đã lên kế hoạch thôi chức vào tháng 12 tới để dành thời gian viết một cuốn sách về những trải nghiệm của ông tại Việt Nam.

Thành Đạt

Theo New York Times