1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Cuộc chơi” thành công ngoài mong đợi của Nga ở Trung Đông

Giữa bối cảnh Mỹ căng thẳng với đối thủ, trục trặc với đồng minh ở Trung Đông, Nga đang dần tìm lại được uy tín và ảnh hưởng tại khu vực này.

Tận dụng “khoảng trống”, Nga thay đổi trật tự Trung Đông

Quân đội Nga tiến vào kiểm soát một số vị trí ở Syria chỉ vài ngày sau khi Mỹ rút quân là một biểu tượng cho thấy sự chuyển dịch quyền lực ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung. Điều ấy cho thấy Mỹ đã rút dần ảnh hưởng trong khi Nga nổi lên như một nhân tố quan trọng điều phối tình hình khu vực.

“Cuộc chơi” thành công ngoài mong đợi của Nga ở Trung Đông - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Chẳng phải ngẫu nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới UAE nhân chuyến công du tới Vịnh Ba Tư gần đây. Nhà phân tích Hal Brands thậm chí đã đánh giá trên trang Bloomberg rằng Nga đang có ảnh hưởng ở Trung Đông lớn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ thời kỳ "hoàng kim" của Liên Xô vào những năm 1960. Điều này rõ ràng là một thành quả không hề tệ đối với một nền kinh tế trung bình ở châu Âu như Nga.

Thật khó để tưởng tưởng tượng rằng, chỉ cách đây một vài năm, đồng minh duy nhất trong khu vực của Nga chỉ có chính phủ Syria của Tổng thống Assad. Khi Nga can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, Tổng thống Obama đã dự đoán rằng các lực lượng Nga sẽ sớm mắc kẹt trong "vũng lầy" này nhưng hóa ra tình thế lại hoàn toàn không phải như vậy.

Điện Kremlin cũng tăng cường mối quan hệ về chính trị và quân sự với các quốc gia ở Trung Đông bên cạnh UAE, và trong số đó thậm chí bao gồm cả những đối tác của Mỹ như Saudi Arabia và Ai Cập. Thương vụ mua hệ thống phòng thủ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thậm chí đang là nguồn cơn khiến NATO chia rẽ.

Đảm bảo được ảnh hưởng chính trị và kinh tế trong những tháng gần đây ở Iraq, Syria và Iran, Nga dường như đang dần thành công trong kế hoạch kiểm soát Trung Đông của mình. Những thỏa thuận đã hoàn tất cùng những dấu hiệu về triển vọng của nhiều thỏa thuận khác trong tương lai là minh chứng cho thấy Moscow đã tận dụng tối đa khoảng trống quyền lực ở khu vực này để lấp đầy.

"Việc Mỹ rút quân khỏi Syria - thậm chí cả khi quyết định này "phản bội" lời hứa sẽ cho người Kurd quyền độc lập" là dấu hiện rõ ràng nhất gửi đến Nga rằng Moscow có thể làm bất kỳ điều gì mà nước này muốn ở khu vực", một nhà phân tích tại London nhận định với trang OilPrice.

Thông báo gần đây của Công ty Dầu Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) đặc biệt gây chú ý khi công ty này nhất trí bán cổ phần cho dự án khí đốt Lukoil của Nga. Đây là lần đầu tiên 1 công ty Nga được ADNOC nhượng quyền và đây cũng là dự án đầu tiên của Lukoil ở UAE.

Ngoài ra, ADNOC cũng cho biết công ty này đã ký kết một thỏa thuận khung chiến lược với Gazprom Neft trong việc hợp tác ngược dòng, xuôi dòng và trong lĩnh vực công nghệ.

Tuy nhiên, những thỏa thuận này, dù lớn đến đâu thì cũng chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược của Nga tại khu vực. Một điểm quan trọng trong thỏa thuận mới, theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak là sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, cùng với dầu mỏ, khí đốt, khí tự nhiên hóa lỏng, điện và một số dự án giao thông khác.

Tuy nhiên, nguồn tin từ Iran đánh giá rằng: "Điều mà thỏa thuận không đề cập đến là sự hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân sẽ cho phép các nhân viên trong ngành công nghiệp hạt nhân và an ninh của Nga hoạt động trong những cơ sở quan trọng của UAE cũng như một số dự án vận tải, liên quan đến các nguyên liệu ngành công nghiệp hạt nhân từ Nga và Iran tới UAE".

Thậm chí cả khi thỏa thuận của Nga không bao gồm bất kỳ yếu tố hạt nhân, thì điều đó vẫn là mối quan ngại của phương Tây bởi các thỏa thuận này sẽ tăng một lượng khí đốt khổng lồ từ UAE vào nguồn dự trữ của Nga.

Cách đây một vài năm, Nga đã hoàn tất các kế hoạch phát triển nhằm tăng cường hợp tác với một số nước thành viên trong Diễn đàn Các Quốc gia Xuất khẩu Dầu (GECF) gồm Algeria, Bolivia, Ai Cập, Guinea Xích đạo, Iran, Libya, Nigeria, Qatar, Nga, Trinidad và Tobago, UAE và Venezuela. Đặc biệt Moscow tin rằng 3 nước trong số này gồm Nga, Iran và Qatar sẽ có thể hình thành một "cartel khí đốt" có khả năng chi phối về giá, kiểm soát đầy đủ nguồn cung và nguồn cầu ở một mức độ nhất định nhằm chi phối đến thị trường dầu khí toàn cầu.

"Khi Mỹ dần tăng ảnh hưởng bằng cách sử dụng các lệnh trừng phạt với một mức độ nhiều tới mức chúng đã trở thành một chính sách thay vì đơn giản là một công cụ của chính sách như trước đây, ngày càng nhiều quốc gia dầu khí lớn cảm thấy họ bị đe dọa nên họ quyết định sẽ hợp tác với nhau và xu hướng này sẽ ngày càng tăng lên”, nguồn tin giấu tên từ Iran nhận định trên OilPrice.

Đằng sau kế hoạch hoàn hảo của Tổng thống Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm tốt trong vai trò điều phối ở Trung Đông. Những vũ khí Nga hỗ trợ cho chính phủ Tổng thống Assad giúp lực lượng này giành được nhiều thắng lợi quan trọng và dần kiểm soát hầu hết lãnh thổ Syria. Ông Putin cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao khi đưa các phi công, cố vấn và lực lượng đặc biệt của Nga vào cuộc chiến ở Trung Đông.

Cùng lúc đó, nhà lãnh đạo Nga cũng thể hiện khả năng linh hoạt trong đường lối ngoại giao khi giữ những đường dây liên lạc mở với tất cả các bên trong khu vực. Tổng thống Putin hiểu rõ một điều rằng không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu khi quyết định cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp những căng thẳng khi Ankara bắn hạ một chiến đấu cơ Moscow năm 2015.

Trên thực tế, lẽ ra Tổng thống Putin không đạt được nhiều thành quả như vậy nếu không có một yếu tố quan trọng khác. Đó là khả năng tận dụng các sai lầm của Mỹ và xây dựng ảnh hưởng trong bối cảnh nhiều nước Arab từ Ai Cập đến vùng Vịnh lo ngại trước uy tín của Mỹ.

Rõ ràng, Nga sẽ không có cơ hội can thiệp vào Syria nếu Mỹ và các đồng minh không để lại một khoảng trống an ninh hỗn loạn sau khi lật đổ chế độ Muammar Qaddafi năm 2011. Tương tự, Nga cũng sẽ không nổi lên như một người chơi chính ở Syria nếu như chính quyền Tổng thống Obama không tạo nên một khoảng trống khổng lồ giữa chính sách được tuyên bố với chính sách trong thực tế. Mỹ đã công khai đặt ra mục tiêu thay đổi chế độ ở Syria song chưa bao giờ muốn phải trả giá để đạt được thành quả.

Và hiện nay, chiến thắng của Nga ở phía bắc Syria cũng là điều dễ hiểu khi chính quyền Tổng thống Trump quyết định rút quân và không can thiệp vào chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù không thể khẳng định chính sách của Mỹ ở Syria là khôn ngoan hay sai lầm song rõ ràng Washington đang khiến các đối tác quan trọng của nước này trong khu vực đặt câu hỏi về vai trò của Mỹ trong tương lai.

Giữa bối cảnh mối Mỹ căng thẳng với đối thủ, trục trặc với đồng minh ở Trung Đông, Tổng thống Putin muốn thiết lập môt trật tự thế giới, nơi mà Nga tìm lại được uy tín cũng ảnh hưởng đã mất từ thời Chiến tranh Lạnh và tại Trung Đông, nhà lãnh đạo Nga đang thành công với kế hoạch này.

Theo Kiều Anh

VOV.VN