Cuộc chơi mới của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria
Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi chiến lược tại Syria, cho phép người tị nạn Syria trở thành công dân Thổ sau bước chuyển mới trên bàn cờ Trung Đông.
Theo mạng tin Financial Times, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch thay đổi chiến lược của nước này tại Syria, từ bỏ sự hậu thuẫn trực tiếp cho các nhóm vũ trang đối lập chống chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad.
Mục tiêu hiện nay của Ankara là trấn áp phong trào người Kurd và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Một động thái mới nữa là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ rốt cuộc có thể sẽ trở thành công dân của nước này.
Kế hoạch này có thể gây ra nhiều tranh cãi song có vẻ như Tổng thống Erdogan nói là sẽ làm.
Phát biểu tối 2/7 trong một buổi lễ đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan tại tỉnh Kilis ở biên giới với Syria, ông Erdogan nói: "Chúng tôi sẽ giúp đỡ những người bạn Syria của mình bằng cách cho họ cơ hội sở hữu quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ muốn."
Ông Erdogan cũng cho biết Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm công bố cách thức tiến hành thủ tục nhập tịch, song không cung cấp thông tin chi tiết.
Hiện có hơn 2,7 triệu người tị nạn chạy trốn xung đột ở Syria đang cư trú tại Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên Ankara từ chối cấp quy chế tị nạn cho họ và chỉ gọi những người này là "khách."
Có ý kiến cho rằng ông Erdogan sở dĩ có ý định như vậy để những người Syria tị nạn nói trên sau này sẽ trở thành các cử tri mang ơn ông và ủng hộ các kế hoạch tăng cường quyền lực tổng thống của ông.
Trên bình diện quốc tế, mọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian này đều chỉ nhằm một mục đích là củng cố lại vị thế của mình vốn đã bị mất niềm tin vào EU sau ảnh hưởng Brexit, những khó khăn trong các hoạt động kinh tế, thương mại với Nga và chứng kiến những gì đang diễn ra trong các cuộc thảo luận Nga- Mỹ trên bàn cờ Syria.
Bài viết trên Financial Times nhận định rằng sau nhiều năm liên minh tan vỡ, tình trạng thương mại sụt giảm và các cuộc tấn công khủng bố gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ đang cảm thấy bị cô lập trên trường quốc tế vào đúng thời điểm nước này chật vật đối phó với phong trào nổi dậy người Kurd ở trong nước và IS.
Một động lực nữa thúc đẩy mối quan hệ Nga - Thổ xích lại gần nhau là Ankara hứng chịu cuộc tấn công khủng bố tại sân bay Istabul mà giới chức nước này quy trách nhiệm cho IS.
Còn gì hợp lý hơn là khi mà ngay cả Mỹ cũng đang tìm kiếm sự hợp tác với Moscow để trấn áp lực lượng khủng bố tại quốc gia Trung Đông này? Nhà phân tích của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington Aaron Stein cho rằng trong bối cảnh này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thu hẹp các ưu tiên của mình ở Syria. Nhiệm vụ chính hiện nay sẽ là đấu tranh chống lực lượng người Kurd và làm suy yếu IS.
Các chuyên gia cho rằng vì mục tiêu này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần đến sự hỗ trợ của Nga và đổi lại sẽ từ bỏ lập trường đòi thay đổi chế độ ở Syria.
Sắp tới Ankara sẽ còn thân thiết với Damacus hơn cho tới khi khủng bố IS phần nào được giảm tải và khi ấy, Ankara hay cả Washington cũng sẽ rời Nga để đi tới những tham vọng khác.
Theo Kim Hoa (Tổng hợp)
Đất Việt