1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chơi mới của 2 ông lớn Mỹ-Nga ở Iraq

Mỹ đang chuyển hướng sang đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Iraq nhằm tạo thêm đối trọng với Nga trong cuộc chiến chống IS.

Mỹ tìm cách lôi kéo Iraq

Ngày 9/12, phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố nước này sẵn sàng cung cấp trực thăng chiến đấu và các cố vấn quân sự cho quân đội Iraq nhằm giúp Baghdad giành lại quyền kiểm soát thành phố Ramadi, miền Tây Iraq, từ tay nhóm phần tử khủng bố IS.

Ông Carter nêu rõ: "Mỹ chuẩn bị hỗ trợ quân đội Iraq với các năng lực bổ sung nhằm giúp họ hoàn thành nhiệm vụ (chiếm Ramadi), trong đó có các trực thăng chiến đấu cùng cố vấn, trong trường hợp cần thiết và nếu được Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi yêu cầu."

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington đã có các cuộc trao đổi với các thủ lĩnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh về việc xây dựng một "Lực lượng phối hợp Sunni Arab," hoạt động như các lực lượng hỗ trợ tại địa phương.

Một quan chức quốc phòng Mỹ đề nghị giấu tên còn cho biết các chuyên gia của Mỹ cũng sẽ sẵn sàng cố vấn cho lực lượng an ninh Iraq về việc đưa quân qua trung tâm của Ramadi trong vài tuần tới.

Cuộc chơi mới của 2 ông lớn Mỹ-Nga ở Iraq - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố nước này sẵn sàng cung cấp trực thăng chiến đấu và các cố vấn quân sự cho quân đội Iraq.

Trước đó, ngày 1/12, ông Carter cũng từng tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ triển khai một lực lượng đặc nhiệm viễn chinh tới giúp Iraq đẩy mạnh cuộc chiến chống nhóm IS và lực lượng này cũng có nhiệm vụ mở các chiến dịch đơn phương bên trong lãnh thổ Syria.

Có thể thấy rằng, Washington đang có sự chuyển hướng rõ ràng và muốn cải thiện mối quan hệ với Iraq thông qua việc tăng cường nhân lực và vũ khí cho nước này chống IS.

Các chuyên gia cho rằng, động thái này của Nhà Trắng là hoàn toàn dễ hiểu bởi lẽ những sa lầy trên chiến trường Syria và sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Moskva tại khu vực này khiến Washington muốn tìm kiếm thêm những đồng minh thân cận.

Còn nhớ vào tháng 10, chính vì mối lo này mà đích thân tướng Joseph Dunford , Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã liên hệ trực tiếp để thuyết phục Thủ tướng Abadi không đề nghị Nga không kích IS tại trên lãnh thổ.

Tuy nhiên đây không phải là mục đích duy nhất của Washington. Các chuyên gia cho rằng, đích đến của Nhà Trắng đó là  lượng trầm tích dầu rất lớn chưa được khai thác tại Iraq.

Thực tế thì Iraq chính là quốc gia xuất khẩu dầu thứ hai trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Iraq có trữ lượng dầu mỏ khoảng 115 tỉ thùng đang được khai thác và còn xấp xỉ 200 tỉ thùng dầu vẫn còn chưa được khai thác trong hai thập niên qua.

Rõ ràng nếu cải thiện được mối quan hệ với chính quyền Thủ tướng Abadi, Mỹ cũng như các tập đoàn khai thác dầu mỏ của nước này sẽ được lợi hơn rất nhiều so với bây giờ.

Nga hợp tác chiến lược với Iraq

Mục tiêu của Washington trong việc tiếp cận Iraq sẽ phải đối mặt với một cản trở lớn đó là Nga.  Từ lâu giữa Moskva và Bagdad đã duy trì và xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp.

Mặt khác việc Mỹ và đồng minh thể hiện bộ mặt yếu ớt trong các cuộc không kích nhằm vào phiến quân IS đang khiến chính quyền Thủ tướng Abadi mất dần niềm tin.

Bất chấp những lời hứa hẹn và đề nghị từ Nhà Trắng, Iraq vẫn quyết tâm đề nghị Moskva tham gia hoạt động không kích IS trên lãnh thổ nước này.

“Moskva và Baghdad đã đạt được thỏa thuận cho phép chiến đấu cơ Nga ném bom tiêu diệt IS tháo chạy từ Syria sang Iraq”, hãng Fars News dẫn lời ông Hakem al-Zameli, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Iraq, cho biết.

Cuộc chơi mới của 2 ông lớn Mỹ-Nga ở Iraq - 2

Nga cũng đang tích cực hợp tác với Iraq trong các lĩnh vực.

Thỏa thuận đạt được nằm trong hoạt động hợp tác an ninh  giữa 4 quốc gia gồm Iraq, Nga, Iran và Syria, đều có chung mục tiêu tiêu diệt IS. 4 quốc gia đã thành lập Trung tâm thông tin Baghdad nhằm phối hợp các hoạt động quân sự chống lại IS ở Syria và Iraq.

Không những thế, Moskva thời gian qua cũng ưu tiên dành những hỗ trợ đặc biệt cho chính quyền Bagdad, nhất là về vũ khí.

“Bộ Quốc phòng Iraq đã nhận được 2 trực thăng Mi-28NE trong khuôn khổ hợp đồng với phía Liên bang Nga. Sự bổ sung 2 trực thăng này sẽ góp phần đáng kể vào việc cải thiện các khả năng của Không quân Iraq”, Bộ Quốc phòng Iraq Nasir Muhammad Nuri tuyên bố hôm 10/12.

Trước đó, trong năm 2014, Iraq cũng đã nhận được loạt vũ khí hạng nặng từ Nga trị giá lên tới 4,2 tỷ USD, bao gồm các hệ thống phòng thủ di động như Pantsir-S1, tên lửa vác vai Igla-S và một số bệ phóng tên lửa đất đối không Djigit. Ngoài ra còn có chiến đấu cơ Su-25, trực thăng tấn công Mi-28NE.

 

Cuộc chơi mới của 2 ông lớn Mỹ-Nga ở Iraq - 3

Binh sỹ Iraq trong cuộc giao tranh với các tay súng IS tại thị trấn Saqlawiya, ngoại ô thành phố Fallujah. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thực tế thì sau khi sát nhập bán đảo Crimea và bị các nước bao vây, cấm vận, chính quyền Tổng thống Putin cũng tích cực tìm kiếm thêm những đồng minh ủng hộ các kế hoạch của mình. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với Iraq chính là mục tiêu mà Moskva hướng đến trong thời gian qua.

Đặc biệt, trong bối cảnh, Washington cũng như các tập đoàn khai thác dầu của nước này đang lăm le gia tăng ảnh hưởng của mình tại đây, chính quyền Tổng thống Putin sẽ không thể ngồi yên được. Nga chắc chắn sẽ dùng ảnh hưởng của mình để ngăn cản Nhà Trắng tiếp cận đồng minh mới của mình.

Không chỉ thế, các chuyên gia còn cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương bắn hạ máy bay Su-24 của Nga hôm 24/11 và hành động ngang nhiên của Ankara khi đưa quân vào lãnh thổ Iraq bất chấp sự phản đối của chính quyền nước này sẽ là cái cớ để Moskva tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thêm mối quan hệ hợp tác chiến lược với Baghdad.

Theo Lương Sơn

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm