Cuộc chơi lớn ở Trung Á
Trong thập kỉ vừa qua, thế giới đã bắt đầu quan tâm hơn tới Trung Á. Đối với Mỹ và đồng minh, khu vực này là một trung tâm hậu cần quý báu cho cuộc chiến tại Afghanistan. Đối với Nga, đây là một đấu trường để gây ảnh hưởng chính trị…
...Đối với Trung Quốc (TQ), khu vực là một nguồn cung năng lượng và là một đối tác trọng yếu cho ổn định và phát triển khu tự trị Tân Cương ở phía tây.
Một số nhà bình luận đã nhắc tới những động thái mới đây tại khu vực này của Washington, Mátxcơva và Bắc Kinh và coi đây là sự lặp lại của "Cuộc chơi Lớn" thời hiện đại. Nhưng khác với thời tranh giành ảnh hưởng của đế chế Anh và Nga trước đây, các chính phủ Trung Á đang tận dụng những can thiệp từ bên ngoài mới để củng cố quyền tự chủ của họ, đẩy lùi những yêu sách gây nhiễu và củng cố sự kiểm soát chính trị trong nước. Trung Á ngày nay đang là nơi thể hiện sự trỗi dậy của những đối tác mới và sự suy giảm ảnh hưởng của phương Tây trong một thế giới đa cực.
Bài học đầu tiên rút ra từ sự can thiệp của TQ, Nga và Mỹ ở Trung Á là việc khu vực đã củng cố được vị trí của các nhà lãnh đạo, những người có thể chơi trò thăng bằng nhằm thu lợi nhuận kinh tế và sự ủng hộ chính trị khi có thể. Đơn cử năm 2009, Tổng thống Kurmanbek Bakiyev của Kyrgyzstan đã châm ngòi cho một cuộc chiến đấu thầu giữa Mỹ và Nga bằng việc doạ đóng cửa căn cứ Manas. Kết quả, Kyrgyzstan đã thu được hàng trăm triệu đôla từ Nga và Mỹ.
Bài học thứ hai là tính đa cực trong khu vực đã xói mòn ảnh hưởng kinh tế của phương Tây. Trong suốt thập kỉ qua, TQ đã trỗi dậy như một cường quốc kinh tế dẫn đầu ở Trung Á. Năm 2009, TQ đã ký những gói cho vay đổi lấy năng lượng với các quốc gia giàu năng lượng Kazakhstan và Turkmenistan. Đồng thời, Bắc Kinh cũng cam kết xây dựng các đường ống dẫn dầu mới để vận chuyển năng lượng của Trung Á sang phía đông. Những gói hỗ trợ này cũng tương tự các thỏa thuận cho vay đổi lấy năng lượng với Angola, Brazil, Ecuador, Nga, Nam Sudan, Sudan, và Venezuela. Ở các nước nghèo hơn như Kyrgyzstan và Tajikistan, Bắc Kinh đã trở thành một nhà đầu tư lớn và nhà cung cấp hỗ trợ phát triển. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh SCO 2012, Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu TQ đã là chủ nợ lớn nhất của Tajikistan.
Bài học thứ ba là giới lãnh đạo ở Trung Á đang ngày càng chống đối các giá trị và chương trình nghị sự của phương Tây. Giới lãnh đạo Trung Á cũng thường xuyên chỉ trích phương Tây bởi áp dụng tiêu chuẩn kép về nhân quyền và nhấn mạnh rằng những xâm phạm về nhân quyền của phương Tây phải được đưa vào như một phần của các cuộc đối thoại.
Một số nhà bình luận đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ và châu Âu vứt bỏ những chỉ trích và tiếp tục can dự. Tuy nhiên, viễn cảnh can dự của phương Tây đã đem lại cho các nước đang phát triển đòn bẩy trong giao thiệp của họ với các cường quốc đang trỗi dậy như Nga và TQ. Giáng cấp hay bỏ lửng những cam kết mang tính quy tắc tại Trung Á, cũng như tại các khu vực khác, cũng là dấu hiệu cho thấy Brussels và Washington bị thuần phục bởi thế giới hậu phương Tây, chứ không phải can dự thành công.
Theo Tiến Lân
Thế giới& Việt Nam/Foreign Affairs