1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến xung quanh việc "tử hình" cây dẻ của Anne Frank

(Dân trí) - Cây dẻ đã mang lại cho Anne Frank niềm hi vọng khi cô bé cùng gia đình lẩn trốn Đức quốc xã ở Amsterdam, Hà Lan thời Thế chiến II cuối cùng đã không bị đốn hạ theo phán quyết của hội đồng thành phố trước đó.

Trong Nhật ký Anne Frank, một trong những tài liệu nổi tiếng nhất kể chi tiết sự ngược đãi của Đức quốc xã đối với người Do Thái thời Thế chiến 2, cô bé Anne Frank đã nhiều lần nhắc đến cây dẻ khi cô nhìn nó từ cửa sổ căn phòng tối tăm nơi gia đình ẩn náu trong hơn 2 năm. 

Ngày 23/2/1943, Anne Frank viết: “Gần như mỗi buổi sáng tôi đều trèo lên gác mái để xua đi không khí ngột ngạt ra khỏi lồng ngực. Từ vị trí yêu thích này, tôi nhìn lên bầu trời xanh và cây dẻ trụi lá. Những hạt mưa nhỏ trên các cành cây sáng lên như ánh bạc và những con chim bay lượn trong gió”.

 

Cuộc chiến xung quanh việc "tử hình" cây dẻ của Anne Frank  - 1
 Cây dẻ chụp từ căn gác mái nơi Anne Frank cùng gia đình và 4 người khác trú ẩn những năm đầu 1940.

 

Anne Frank qua đời đầu tháng 3/1945 để lại cuốn nhật ký ghi lại những trải nghiệm trong thời gian phải sống bí mật tại căn gác áp mái của một toà nhà cũ. Chỉ có cây dẻ ngày nào từng xuất hiện nhiều lần trong các trang viết của cô bé vẫn sống và trở thành một trong những cây có tuổi thọ lâu đời nhất, khoảng từ 150 đến 170 tuổi, của thành phố Amsterdam.

 

Tuy nhiên, hội đồng thành phố Amsterdam quyết định sẽ đốn hạ cây dẻ do bị sâu đục nghiêm trọng, nấm huỷ hoại thân cây và có thể gây đổ bất cứ lúc nào. Sau nhiều lần cố gắng phục hồi tình hình của cây dẻ nhưng thất bại, tháng 3/2007, thành phố đã cho phép chặt bỏ cây dẻ lịch sử và dự định tiến hành việc này vào ngày 21/11.

 

Cuộc chiến xung quanh việc "tử hình" cây dẻ của Anne Frank  - 2

 Hội đồng thành phố Amsterdam cho rằng cây dẻ đã già và có thể đổ bất cức lúc nào.

 

Cũng kể từ khi thông tin trên được công bố, một cuộc chiến giữa hội đồng thành phố và các nhà môi trường học, hàng xóm cũng như đông đảo những người yêu mến cô bé Anne Frank đã bùng phát.

 

Viện nghiên cứu cây Hà Lan và những người khác ủng hộ việc giữ lại cây dẻ cho rằng đó nó có giá trị lịch sử và cần có các biện pháp để bảo vệ. Hồi tháng 10, cây dẻ đã được ban lệnh ân xá hoãn thi hành án “tử hình” trong khi Viện nghiên cứu cây Hà Lan tìm hiểm các biện pháp bảo vệ cây dẻ. Tuy nhiên, thành phố Amsterdam cho rằng những ý kiến này không khả thi.

 

Cuộc chiến xung quanh việc "tử hình" cây dẻ của Anne Frank  - 3

 Các nhóm bảo vệ mối trường đang kiểm tra gốc cây dẻ.

 

Ngày 20/11, tức là trước ngày “tử hình” cây dẻ 1 ngày, một thẩm phán tại Hà Lan đã quyết định mở phiên tranh luận để nghe các ý kiến từ các nhân chứng và quan chức toà án. Họ đã tới thị sát cây dẻ và kiểm tra xem điều gì sẽ xảy ra nếu nó đổ vào những ngôi nhà bên cạnh, trong đó có bảo tàng Nhà Anne Frank và cả căn gác mái mà cô bé và gia đình đã ẩn náu cách đây hơn 5 thập kỷ.

 

Cuối cùng phần thắng đã thuộc về cây dẻ và bản án “tử hình” đã được hoãn vào phút chót. Thẩm phán Jurjen Bade đã ra phán quyết rằng cây dẻ không gây ra mối đe doạ tức thì nào và cũng loại trừ các biện pháp khẩn cấp như là đốn hạ cây ngay lập tức. Ông Bade cũng yêu cầu thành phố Amsterdam và tất các bên hãy ngồi lại và bàn các biện pháp nhằm bảo tồn thay vì chạy đốn cây dẻ.

 

Cuộc chiến xung quanh việc "tử hình" cây dẻ của Anne Frank  - 4
 Cô bé Anne Frank.

 

Sáng ngày 20/11, một cuộc đấu giá đã diễn ra trên trang E-bay với mỗi hạt dẻ có giá lên tới 10.000 USD. Những người mua nó cho rằng đó là cơ hội cuối cùng để mua được một hạt dẻ nguyên gốc từ chính cây dẻ Anne Frank.

 

Sau khi Anne Frank qua đời năm 1945 ở tuổi 15, cha cô là Otto Frank đã quay lại căn gác mái và tìm được cuốn nhật ký. Kể từ khi nó được xuất bản năm 1947, cuốn nhật ký đã làm rung động trái tim hàng triệu người trên khắp thế giới.

 

Cuộc chiến xung quanh việc "tử hình" cây dẻ của Anne Frank  - 5

Anh Charles Kuijpers sống liền kề với bảo tàng Nhà Anne Frank đã mang những hạt dẻ lên mạng E-bay đấu giá trong hơn 1 tuần. Sáng ngày 20/11, một hạt dẻ đã được trả 10.000 USD.

 

VTH

Theo AP, Spiegel