1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

“Cuộc chiến” ngân sách Mỹ chưa ngã ngũ, lo ngại bao trùm

(Dân trí) - Đến chiều tối qua (giờ Mỹ), cuộc tranh cãi căng thẳng về ngân sách 2011 cho chính phủ Mỹ vẫn loanh quanh trong ngõ cụt, chỉ vài giờ trước khi chính phủ liên bang phải đóng cửa nếu không có thoả thuận vào phút chót. Không khí lo âu bao trùm khắp Washington.

 

“Cuộc chiến” ngân sách Mỹ chưa ngã ngũ, lo ngại bao trùm - 1

Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Harry Reid (phải) và chủ tịch Hạ viện John Boehner thông báo tiếp tục các cuộc thảo luận về ngân sách sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng hôm 7/4

Thủ lĩnh phe Dân chủ chiếm đa số trong Thượng viện, ông Harry Reid nói những người thương thảo thuộc 2 Đảng Cộng hoà và Dân Chủ đã đồng thuận về những khoản cắt 38 tỉ trong dự án chi tiêu cho năm tài khóa chấm dứt vào tháng 9. Nhưng ông tố cáo thành viên đảng Cộng hoà sau đó lại nuốt lời.

Vẫn theo ông Reid, một tranh cãi đã cản đường tất cả thỏa hiệp, đó là đề xuất của Đảng Cộng hoà đòi chặn hơn 300 triệu dành cho tổ chức Planned Parenhood, là nhóm thực hiện các vụ phá thai và cung ứng dịch vụ chăm sóc y tế.

Trong khi đó, ông John Boehner, Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng hoà, lại nói rằng thương thảo để chấm dứt bế tắc vẫn tiếp diễn và “gần như toàn bộ” các vấn đề về chính sách “đã được giải quyết.” Ông không nói cụ thể vấn đề tranh cãi liên quan đến nhóm Planned Parenthood.

Ông Boehner nói thành viên Đảng Cộng hoà muốn chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng đồng thời vẫn muốn cắt giảm tài trợ thật nhiều.

Trong ngày hôm qua, Tổng thống Obama đã nói chuyện riêng rẽ qua điện thoại với cả 2 ông Reid và ông Boehner về chuyện đối đầu này nhằm tránh nguy cơ một phần chính phủ phải ngưng hoạt động. Ông Obama sau đó tuyên bố đã thu ngắn thêm được những khoảng cách biệt về ngân sách mà ông hy vọng có thể đem lại một thỏa thuận.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng thừa nhận rằng “chưa có gì là chắc chắn.”

Không khí lo âu

Như vậy là sáu tháng sau khi tài khóa đã bắt đầu, chính quyền Liên bang Mỹ vẫn chưa có ngân sách. Ba lần họp riêng trong vòng 24 tiếng đồng hồ từ tối 6/4 giữa Tổng thống Barack Obama với lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hoà để tìm giải pháp vẫn chưa mang lại kết quả.

Nếu không có thoả thuận thì đêm 8/4 rạng ngày 9/4, Chính quyền Mỹ sẽ phải ngưng một số hoạt động và nhiều công chức được yêu cầu ở nhà vì không có lương.

Không khí lo âu bao trùm khắp Washington vì thời hạn chót gần kề mà chưa đạt thỏa hiệp ngân sách. Du khách đến thủ đô Mỹ hôm qua không biết hôm sau có dịp đến thăm các viện bảo tàng nổi tiếng hay không. Công chức thắc mắc thứ Hai tới có phải đi làm hay ngồi nhà chờ.

Rõ ràng là nếu chính phủ phải ngưng hoạt động vì chưa thông qua ngân sách thì những công chức làm cho chính phủ liên bang sẽ bị ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng đó còn đi xa hơn là lực lượng công chức chính phủ. Mà cũng không phải chỉ có công chức liên bang tại thủ đô mới cảm thấy ảnh hưởng của việc chính phủ phải ngưng hoạt động.

Nếu đóng cửa, chính phủ tạm ngưng trả lương cho các binh sĩ đang có mặt tại Iraq, Afghanistan và những nơi khác. Khoảng 800.000 trong số 1,9 triệu công chức liên bang được xếp vào loại không cần thiết không cần đến cơ quan.

Trong phát biểu, ông Obama một lần nữa đề cập đến các ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế trong trường hợp không đạt được một thỏa thuận chung quyết, và nói rằng sự kiện này nêu bật tầm quan trọng của việc chấm dứt tình trạng bế tắc.

Trong lúc tranh cãi, chính cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ đều đồng ý rằng các cơ quan chính phủ đóng cửa sẽ làm thiệt thòi cho nhân dân Mỹ, trong và ngoài nước, nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn tài chính nếu chính phủ liên bang đóng cửa.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến một tình trạng đã nhiều lần diễn ra tại Mỹ, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng này chỉ bắt nguồn từ cuộc đọ sức triền miên giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
 
Một số các nhà phân tích tài chính nói rằng trong lúc nền kinh tế đang cải thiện, nó vẫn dễ gặp nguy cơ bị tác hại nặng nếu chính phủ đóng cửa.

Kinh tế gia Gus Faucher, giám đốc về kinh tế vĩ mô tại công ty Moody cho biết nếu đóng cửa ngắn hạn thì ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế rất nhỏ, cho dù là trong thời gian đó công chức chính phủ không nhận được tiền lương. Nhưng ông Faucher nói rằng nếu như tình trạng bế tắc kéo dài quá 2 tuần, các công chức chính phủ liên bang có thể sẽ cắt giảm chi tiêu và những người làm việc theo hợp đồng với chính phủ không có lương có lẽ sẽ chán mà xin nghỉ việc. Lòng tin của giới tiêu thụ có thể sẽ xuống thấp vào lúc mà tỉ lệ thất nghiệp lên đến gần 9%.

Các nhà làm luật có thể càng có lý do thôi thúc để phải đi đến một giải pháp bởi lẽ càng trì hoãn thì thành phố sẽ càng hôi hám vì dịch vụ đổ rác cũng sẽ bị đình chỉ ít nhất là trong tuần lễ đầu tiên của vụ đóng cửa.
Hà Khoa
Tổng hợp