1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chiến Iraq ngốn 3.000 tỷ USD của nước Mỹ

(Dân trí) - Chi phí cho Iraq trong vòng 5 năm qua đã vượt quá ngân sách cho 12 năm chiến tranh tại Việt Nam, gấp 2 lần số tiền rót vào cuộc chiến Triều Tiên. Mỗi tháng, nước Mỹ chi cho cuộc chiến này 16 tỷ USD, tương đương với ngân sách cả năm của LHQ.

Vậy cái giá mà nước Mỹ phải trả cho cuộc chiến Iraq là bao nhiêu? Câu trả lời sẽ có trong cuốn sách có tựa đề “The Three Trillion Dollar War: The True Cost of the Iraq Conflict” (tạm dịch: Cuộc chiến 3 nghìn tỉ đô la: Cái giá thật sự của cuộc xung đột Iraq) xuất bản ngày 3/3 tới.

 

Tác giả của cuốn sách trên là học giả Joseph E. Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 và Linda Bilmes, giáo sư giảng dạy tại Đại học Harvard, chuyên gia trong lĩnh vực ngân sách. Dựa trên các số liệu thống kê và tính toán, hai ông ước tính cuộc chiến tại quốc gia vùng Vịnh đã ngốn tới 3.000 tỷ USD của nước Mỹ. Tham dự cuộc họp một Uỷ ban thuộc của quốc hội Mỹ bàn về ngân sách chi cho cuộc chiến Iraq diễn ra ngày 28/2, ông Joseph Stiglitz tiếp tục nhắc lại quan điểm của ông cho rằng, Tổng thống Geore W. Bush đã tính toán sai lầm giữa lợi ích thu được và chi phí cho cuộc chiến tại Iraq.

 

Chi phí cho các chiến dịch tại Iraq trong vòng 5 năm qua đã vượt quá ngân sách dành cho 12 năm tiến hành chiến tranh tại Việt Nam và cao gấp 2 lần số tiền rót vào cuộc chiến Triều Tiên. Mỗi tháng, nước Mỹ chi cho cuộc chiến tại quốc gia vùng Vịnh 16 tỷ USD, tương đương với ngân sách cả năm của Liên hiệp quốc.

 

Trong cuốn sách của mình, hai chuyên gia kinh tế Joseph Stiglitz và giáo sư Linda Bilmes đưa ra những con số rất đáng chú ý, với 3.000 tỷ USD trên, nước Mỹ có thể xây dựng 8 triệu ngôi nhà, trả lương cho 15 triệu giáo sư, chăm sóc đầy đủ cho 530 triệu trẻ em, cấp học bổng cho 43 triệu sinh viên và chi cho phúc lợi xã hội cho người dân Mỹ trong vòng 50 năm. Nước Mỹ chỉ chi 5 tỷ USD để giúp phát triển châu Phi, trong khi lo ngại Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng tại lục địa này. Và 5 tỷ USD đó chỉ bằng chi phí 10 ngày chiến đấu của quân đội Mỹ tại Iraq.

 

Hai tác giả chỉ trích mạnh mẽ ý kiến cho rằng, tiến hành chiến tranh luôn có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Một trong những lý do để nước Mỹ tiến hành cuộc chiến tại Iraq là nhằm đảm bảo vấn đề cung cấp đầy đủ dầu lửa. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm, giá dầu lửa trên thị trường thế giới luôn lập những kỷ lục mới, nhảy vọt từ 25 USD/ thùng lên hơn 100 USD/ thùng. Trên tờ Guardian, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel giải thích: “Mọi người không trông chờ vào chủ đề chiến tranh thay thế cho chủ đề kinh tế trong các cuộc bầu cử”. Cuốn sách The Three Trillion Dollar War: The True Cost of the Iraq Conflict còn chỉ ra rằng, chiến tranh và tình hình kinh tế Mỹ không phải là hai chủ đề riêng biệt mà là một. Hậu quả của một cuộc chiến quá tốn kém không còn gói gọn trong nền kinh tế Mỹ mà đã ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.

 

Nước Mỹ không biết chi tiêu tiết kiệm và chính quyền của Tổng thống Bush đã phải vay mượn tài chính từ các nước bên ngoài như Trung Quốc. Ngân sách của nước Mỹ bị thâm hụt nặng nề đến mức không có khả năng hỗ trợ các ngân hàng của chính họ. Những ngân hàng lớn như Citigroup hay Merrill Lynch từng là niềm kiêu hãnh của Phố Wall nay đang phải đi chạy vạy nhờ vả các quỹ đầu tư của châu Á hay Trung Đông để tránh lâm vào khủng hoảng và có nguy cơ mất sự độc lập, dần chuyển sang dưới quyền kiểm soát của các thể chế tài chính của Kowait hay Singapore.

 

Ngọc Nhàn

Theo Le Monde

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm