1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ trên không trung

Ngày 16/5/2012, lực lượng tuần duyên Nhật chụp được ảnh một máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc (TQ) khi hải quân TQ đang thao dượt tại Tây Thái Bình Dương, cách đảo Okinotori khoảng 700km.

 

Sự kiện cho thấy TQ hẳn đang đầu tư đáng kể công nghệ UAV. Vấn đề là UAV TQ tiến bộ đến đâu và UAV Mỹ liệu có thể “địch” lại?

 

UAV Trung Quốc như được cảnh báo là không thể “xem thường”!

 

Theo các nguồn tin từ Nhật, chiếc UAV nói trên trông giống hệt chiếc Camcopter S-100 của công ty Áo Schiebel – loại từng được trưng bày tại cuộc triển lãm kỹ thuật quốc tế về cảnh sát và chống khủng bố lần thứ tư tổ chức ở Bắc Kinh tháng 4/2011. Vài nguồn tin chưa kiểm chứng cho biết TQ có thể đã lách luật cấm vận vũ khí của châu Âu để đặt mua vài chiếc S-100. Nếu chiếc UAV thử nghiệm ngày 16/5/2012 nói ở trên không phải là S-100 thì đó có thể là SVU200 – một sản phẩm nội địa do Công ty Sunward Tech Star chế tạo, với thiết kế cũng hệt S-100.

 

Tường Long – một UAV sát thủ máu lạnh của TQ!

Tường Long – một UAV sát thủ máu lạnh của TQ!

 

Trong nhiều năm, TQ đã ráo riết nghiên cứu công nghệ UAV. Nhóm kỹ sư an ninh mạng Alienvault Labs (Mỹ) cho biết, tin tặc TQ từng bỏ ra nhiều tháng ròng để đột nhập một loạt cơ quan an ninh Mỹ cũng như website các nhà thầu công nghiệp quốc phòng Mỹ nhằm đánh cắp công nghệ UAV quân sự. Trong thực tế, TQ đã quan tâm UAV từ thập niên 60 của thế kỷ trước khi họ bắn được vài chiếc UAV do thám Ryan Firebee của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Xác chiếc Firebee được mang về mổ ruột để nghiên cứu và kết quả là TQ đã sản xuất được thế hệ UAV đầu tiên, WuZhen-5, vào năm 1972. Trong cuộc chiến xâm lược biên giới phía Bắc nước ta năm 1979, TQ đã dùng WuZhen-5 cho công tác do thám…

 

Ngày 29/11/2011, Tân Hoa Xã cho biết, Liêu Ninh đã trở thành tỉnh đầu tiên dùng UAV để giám sát duyên hải. Công ty ASN Technology tại Tây An hiện là nơi nghiên cứu – sản xuất UAV lớn nhất TQ. Hơn 90 sản phẩm UAV của quân đội TQ đều ra lò từ ASN. Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp “đi tắt đón đầu” khác, công nghiệp UAV quân sự TQ cũng nổi tiếng với vấn đề “vi phạm bản quyền”. Có ít nhất hai mẫu UAV TQ là “hàng nhái” từ chiếc Predator và Global Hawk của Mỹ. Bản sao Predator là chiếc Pterodactyl I, trong khi bản sao Global Hawk là chiếc Tường Long (còn được gọi BZK-005). Sải cánh 22,8m, bay ở độ cao 17,3km với phạm vi 6.437km, Tường Long nặng 7,4 tấn, do Tập đoàn Hàng không Thành Đô sản xuất, đang được kỳ vọng là đối thủ nặng ký trong “sới vật” so tài của làng UAV quân sự thế giới. Tháng 8/2011, có tin cho biết một chiếc Tường Long đã bị rơi vì lỗi kỹ thuật tại Hồ Bắc.

 

Tại cuộc triển lãm hàng không Chu Hải 2010, Tập đoàn Công nghiệp – khoa học hàng không TQ đã cho trình làng chiếc WJ-600. Trong đoạn video minh họa năng lực ưu việt của WJ-600, người ta thấy cảnh WJ-600 bay lượn lờ trên đầu một Hàng không mẫu hạm (HKMH) Mỹ rồi không chỉ bắn chìm một tàu chiến đối phương mà còn xơi tái cả một chiến đấu cơ “phe địch”! Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, dù UAV đã được trình làng nhiều lần tại các cuộc triển lãm hàng không Chu Hải tổ chức thường niên nhưng hầu hết vẫn còn bị giới hạn ở giai đoạn mô hình giới thiệu hơn là sản phẩm thực tế.

 

Mới đây, tại cuộc triển lãm hàng không Singapore (tháng 2/2012), Công ty Yotaisc TQ lại mang đến X200, loại UAV có thể cất cánh thẳng đứng. Đại diện Yotaisc cho biết, X200 có thể bay hoàn toàn tự động và là một trong những mẫu UAV trực thăng lớn nhất của TQ. Yotaisc nói thêm, họ hiện có ba phiên bản và nhiều quốc gia lẫn công ty nước ngoài “đang tìm cách mua”. Mang theo 100kg, bay ở độ cao 5.000m, với vận tốc tối đa 212km/g, X200 có thể phục vụ công tác do thám, chụp ảnh đa phổ…

 

So với “quái vật

So với “quái vật Kandahar” RQ-170 Sentinel (UAV do thám của Mỹ), chiếc UAV này của TQ trông đáng sợ hơn nhiều!

 

UAV và hơn thế nữa…

 

Vấn đề lớn nhất đối với UAV quân sự TQ không hẳn ở hàng rào kỹ thuật mà ở con người. Cần biết, để vận hành một phi vụ UAV Predator trong một cuộc tác chiến đơn lẻ, quân đội Mỹ phải cần đến khoảng 200 người, gồm phi công điều khiển, kỹ sư bảo trì, chuyên viên phân tích tình báo, chuyên viên không ảnh… Như lời cựu tư lệnh quân báo Mỹ Dave Deptula, “chẳng có cái gì gọi là “không người” khi nói đến máy bay quân sự “không người lái”. Sau thế hệ những Predator và Reaper với kinh nghiệm hơn 10 năm lăn lộn trong cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đang đầu tư nhiều thế hệ UAV mới cũng như nâng cấp UAV thế hệ cũ.

 

Một trong những UAV chiến lược đang được nói đến nhiều là X-47B, do Hãng Northrop Grumman sản xuất, loại UAV đầu tiên có thể cất cánh từ HKMH. Điểm kỹ thuật đáng chú ý nhất của X-47B là nó được thiết kế để có thể hoạt động ở cấp độ cao hơn UAV thông thường, tức là nó không còn được điều khiển từ xa (như Predator hay những loại tương tự phổ biến đang được dùng). Như trình bày của Phó chủ tịch Northrop Grumman, Janis Pamiljans, khi nằm trên boong một HKMH, X-47B sẽ được điều khiển bằng “cú nhấp chuột”. Click chuột một cái – nó “nổ máy”; click cái nữa, nó bắt đầu trượt trên đường băng; click tiếp, nó cất cánh…

 

Tóm lại, với X-47B, sẽ không còn những cần gạt điều khiển rối rắm trong buồng lái mặt đất (như Predator) và như vậy nhân sự dành riêng cho việc điều khiển UAV X-47B sẽ giảm bớt. Được hỗ trợ tài chính với hợp đồng 635,8 triệu USD ký năm 2007, dự án X-47B đã đội lên đến khoảng 813 triệu USD. Dự kiến được “biên chế” cho HKMH năm 2013, X-47B đã bay thử lần đầu tiên tại căn cứ không quân Edwards vào tháng 2/2011.

 

Tháng 7/2011, phần cứng và phần mềm được thiết kế cho X-47B đã được lắp thử trên chiến đấu cơ F/A-18D Hornet. Hệ thống trên đã giúp F/A-18D Hornet có thể hạ cánh trong khi phi công hoàn toàn không can thiệp gì trong buồng lái (cuộc thử nghiệm thành công với cuộc hạ cánh trên HKMH USS Dwight D. Eisenhower)… Theo Navy Times (1/4/2012), UAV tương lai cho HKMH còn có thể được điều khiển bằng cách… ra hiệu bàn tay. Nhóm nghiên cứu Yale Song tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển một hệ thống cho phép thủy thủ dùng cử chỉ bàn tay để điều khiển UAV cất – hạ cánh.

 

Theo ông Song, để điều khiển UAV cất – hạ cánh trên HKMH, chỉ cần lắp một camera trên UAV. Khi quan sát cử chỉ người điều khiển, camera lập tức gửi tín hiệu vào chương trình vi tính được lập trình để nhận biết ngôn ngữ hình thể và từ đó có thể điều khiển việc cất – hạ cánh. Tháng 1/2009, với dự án được tài trợ bởi Phòng Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ – bắt đầu đến Trung tâm Không lưu hải quân tại Pensacola (Florida) để học ngôn ngữ tín hiệu tay dùng trên HKMH.

 

Từ đó, sau khi trở về MIT với bộ sách hướng dẫn ngôn ngữ tín hiệu không lưu hải quân, ông Song tổ chức nhóm học viên 20 người để thực hiện 24 cử chỉ trước máy quay. Tiếp đó, ông Song phát triển một thuật toán có thể nhận biết và hiểu được tín hiệu tay từ những người mà camera chưa từng thấy trước đó. Vấn đề là làm thế nào để hệ thống camera phân biệt đâu là cử chỉ điều khiển và đâu là những chuyển động khác, trên một boong tàu khổng lồ với vô số người đang đi lại và làm việc. Đến nay, thuật toán của ông tiếp tục trong giai đoạn đi đến hoàn thiện…

 

Sau một thập niên “đấm đá” tại chiến trường Iraq và Afghanistan, Lầu Năm Góc hiện có đến hàng chục ngàn nhân sự trong bộ phận robot chiến đấu, với khoảng 7.500 UAV, chiếm 1/3 tổng số máy bay quân đội Mỹ. UAV Mỹ có đủ kích cỡ, từ loại nhỏ như chiếc Raven (AeroVironment) chỉ to bằng máy bay mô hình đồ chơi lắp ráp đến Predator (đã được nâng cấp nhìn “xuyên tường”) và Reaper (đều của General Atomics) dài từ 8-11m. Ngoài ra còn có RQ-170 (Lockheed Martin) với khả năng “tàng hình” và được trang bị thiết bị có thể “phóng” virus để phá hủy và làm tê liệt bộ não điều khiển của hệ thống điện tử đối phương. Những căn cứ của dàn UAV Mỹ ngày càng được mở rộng, từ Mỹ, Djibouti, một địa điểm bí mật tại Vịnh Ba Tư, Ethiopia đến cả đảo Seychelles. Ít người biết rằng Không quân Mỹ hiện đào tạo lính tác chiến điều khiển UAV nhiều hơn cả phi công chiến đấu truyền thống…

 

Song song với đó, những cuộc nghiên cứu kỹ thuật nâng cấp và trang bị thêm thiết bị cũng liên tục được thực hiện. Hệ thống radar STARlite của Northrup Grumman chẳng hạn. Với STARlite, UAV có thể quan sát “từng chi tiết của một khu vực nhất định, từ cầu đường, xe cộ đến nhà cửa”. Tất cả hình ảnh chi tiết sẽ được truyền về cho những đơn vị tác chiến mặt đất. Tương tự, hai hệ thống AAI và Overwatch của hãng Textron cũng giúp lính tác chiến mặt đất “nhìn thấy” được toàn bộ một địa hình hiểm trở nào đó… Hơn thế nữa, với kỹ thuật đồng bộ hóa, phi công của trực thăng chiến đấu Apache, giờ đây không chỉ có thể được chia sẻ dữ liệu từ UAV do thám Gray Eagle, mà trong tương lai còn có thể “lái” được chiếc UAV nếu muốn.

 

Dù thế nào, trong cuộc chạy đua với UAV TQ, UAV Mỹ vẫn còn phải… học thêm nhiều nữa, nếu Mỹ không muốn thấy cảnh ngày nào đó UAV TQ “bay lượn lờ trên đầu một HKMH Mỹ rồi không chỉ bắn chìm một tàu chiến…”!

 

Theo Mạnh Kim

Petrotimes