1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến giành quyền lực trong tổ chức mafia lớn nhất Nhật Bản

Cái chết của ông trùm Tatsuyu Hishida (59 tuổi), thủ lĩnh nhóm Aio-kai trực thuộc Tập đoàn mafia Yamaguchi-gumi, đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc nội chiến tranh giành quyền lực của tổ chức mafia lớn nhất Nhật Bản.

Cảnh sát Nhật đã được đặt trong tình trạng báo động cao do lo ngại bạo lực sẽ gia tăng bởi hàng loạt vụ trả thù có thể xảy ra.

Âm mưu và thủ đoạn

Thi thể của ông trùm Tatsuyu Hishida được vợ và vệ sĩ tìm thấy ngay tại cổng ra vào của nhà riêng tại tỉnh Mie thuộc đảo Honshu hôm 16/11 trong tình trạng tay và chân bị trói, đầu chảy máu như vừa bị đánh bằng vật gì rất nặng. Cảnh sát cho rằng, cái chết của ông trùm này có liên quan đến việc chia tách quyền lực trong tập đoàn mafia lớn nhất Nhật Bản Yamaguchi-gumi.

Tatsuyi Hishida là thủ lĩnh nhóm Aio-kai trực thuộc Yamaguchi-gumi. Nhóm này có trụ sở tại thành phố Yokkaichi ở tỉnh Mie. Hồi tháng 8, Aio-kai và một số nhóm khác của Yamaguchi-gumi đã lên tiếng đòi tách khỏi tập đoàn này vì không muốn là “con chó trung thành” của “bố già” Shinobu Tsukasa. Cũng theo cảnh sát Nhật Bản, Tatsuyi Hishida là thủ lĩnh mafia thứ 2 bị sát hại kể từ đầu tháng 9 tới nay. Vụ thứ nhất xảy ra hôm 26/10 tại Naniwa, tỉnh Nara.

Nạn nhân của vụ việc này Toshiyuki Kawaji (52 tuổi), ông trùm của nhóm Kuramoto-gumi thuộc tổ chức Yamaguchi-gumi. Toshiyuki Kawaji đã bị bắn trọng thương ngay tại trụ sở của nhóm này ở khu giải trí Minami và chết tại phòng cấp cứu của bệnh viện. Cái chết của Toshiyuki Kawaji được cảnh sát nhận định là do tranh chấp quyền lực trong nội bộ nhóm Kuramoto-gumi, giữa hai phe: một phe ủng hộ việc tách khỏi Yamaguchi-gumi, còn một phe lại muốn tiếp tục hoạt động trong tổ chức này.

Tin từ hãng Tokyoreporter cho hay, Yamaguchi-gumi hiện đang là tập đoàn mafia lớn nhất và mạnh nhất ở Nhật Bản với hơn 11.000 thành viên chính thức và 24.000 thành viên không chính thức; kế đến là Sumiyoshi-kai với 8.500 thành viên và Inagawa-kai với 6.600 thành viên. Năm 2014, Tạp chí Fortune ước tính, tổng tài sản của Yamaguchi-gumi lên đến 80 tỷ USD và trở thành băng đảng tội phạm giàu nhất thế giới, vượt qua băng đảng buôn bán ma túy khét tiếng ở Mexico Sinaloa.

Yamaguchi-gumi có 72 nhóm nhỏ khác nhau hoạt động tại 44/47 tỉnh, thành ở Nhật Bản. Tuy nhiên, 13 nhóm trong số này đã tuyên bố muốn tách khỏi Yamaguchi-gumi để nhập thành một nhóm khác lấy tên là Kobe Yamaguchi-gumi, đối trọng với tập đoàn mafia này. Nhóm Kobe Yamaguchi-gumi mới thành lập, đứng đầu là Kunio Inoue, thủ lĩnh 67 tuổi của Yamaken-gumi, một băng đảng với 2.000 thành viên đóng ở thành phố cảng phía Tây Kobe.

Cảnh sát Nhật Bản cho biết, việc tách nhóm của các băng đảng mafia không phải là chuyện hiếm nhưng việc Kobe Yamaguchi-gumi vẫn tiếp tục sử dụng logo của nhóm cũ đã gây bất hòa lớn giữa hai bên và tạo ra một “cuộc chiến quyền lực”. Ngay sau khi biết ý định của Kunio Inoue, “bố già” Shinobu Tsukasa đã dùng thủ thuật khiến cảnh sát mở cuộc điều tra và lục soát văn phòng của Kunio Inoue tại Kobe với nhiều cáo buộc khác nhau. Tiếp đó, Osamu Teraoka (66 tuổi), một thủ lĩnh khác của Yamaguchi-gumi đang tham vọng sẽ kế nhiệm “bố già” Shinobu Tsukasa cũng đã bị cảnh sát Osaka “sờ gáy” còn nhóm của hắn là Takumi-gumi bị điều tra. Nguyên do là vì Osamu Teraoka đã liên minh với Kunio Inoue.

Cuộc chiến giành quyền lực trong tổ chức mafia lớn nhất Nhật Bản - 1

Cảnh sát Nhật Bản lục soát nhà riêng của bố già Shinobu Tsukasa tại Nagoya, Aichi. (Ảnh: Asahi Shimbun)

Hôm 29/9, tại quận giải trí Ropponggi của thủ đô Tokyo, Teruaki Takeuchi, kẻ được cho là nhân vật sẽ kế nhiệm ông trùm Shinobu Tsukasa đã cùng với một nhóm kẻ dưới quyền đươc trang bị vũ khí hạng nặng đã tiến vào trụ sở của Inagawa-kai, một nhóm thuộc tập đoàn để đe dọa. Bởi thủ lĩnh nhóm này đã “liều lĩnh” thực hiện chuyến thăm trụ sở chính của Yamaken-gumi tại Kobe hôm 15/9. Thủ lĩnh nhóm Inagawa-kai đến đó với mục đích thể hiện sự ủng hộ với việc Kunio Inoue thành lập Kobe Yamaguchi-gumi.

Nỗi lo bạo lực

Lo ngại một làn sóng bạo lực có thể diễn ra khi các bên đấu đá, tranh giành lãnh thổ, cảnh sát Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Các cuộc tuần tra văn phòng của Yamaguchi-gumi tại các tỉnh và nhà riêng của thủ lĩnh các nhóm nhỏ thuộc tập đoàn này được tiến hành thường xuyên. Ngoài ra, cảnh sát cũng sử dụng các nguồn tin mật để tìm hiểu những ai ủng hộ và phản đối “bố già” Shinobu Tsukasa. Trong một số trường hợp khẩn cấp, cảnh sát đã phải thực hiện những vụ bắt bớ.

Trả lời phỏng vấn hãng Tokoyreporter, Cảnh sát trưởng quốc gia Nhật Bản Masahito Kanetaka cho biết, cảnh sát trưởng các địa phương đã được triệu tập tới thủ đô Tokyo để cùng bàn bạc và thông qua kế hoạch phòng ngừa và đối phó nếu xảy ra tình trạng bạo lực. Hệ thống chia sẻ thông tin giữa các tỉnh được đảm bảo xuyên suốt.

Theo nhận định của ông Masahito Kanetaka, 13 băng nhóm thuộc tập đoàn mafia Yamaguchi-gumi tuyên bố sẽ phân tách để thành lập băng nhóm riêng, không chịu dưới sự chỉ huy của ông trùm số 1 Shinobu Tsukasa nữa, vì họ tức giận trước sự đối đãi thiên vị của ông trùm này với các thủ lĩnh cấp cao khác trong nhóm, mà cụ thể là nhóm Kodo-kai, có trụ sở tại Nagoya được chính "bố già" này thành lập năm 1984.

Dưới sự ưu ái của Shinobu Tsukasa, Kodo-kai đã mở rộng ảnh hưởng của mình tại Tokyo và cả các vùng miền Đông Nhật Bản, một động thái làm các thành viên truyền thống của Yamaguchi-gumi miền Tây tức giận. Tại cuộc họp tại trụ sở của Yamaguchi-gumi vào tuần cuối cùng của tháng 8 vừa qua, các thủ lĩnh của những nhóm chống đối đã vắng mặt.

Ngay sau đó, “bố già” Shinobu Tsukasa đã thông báo cắt đứt quan hệ với các thủ lĩnh này và mở cuộc họp khẩn để quy tụ 69 nhóm nhỏ còn lại đang hoạt động ở các khu vực nhất định. Shinobu Tsukasa thậm chí còn tuyên bố, dù có những xáo trộn trong nội bộ, song thông qua Kodo-kai, Yamaguchi-gumi vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động vào thủ đô Tokyo và xa hơn thế. Tờ Japan Times cho biết, quy mô lần ly khai này rất lớn và mang lại nhiều rủi ro, bởi trong số 69 nhóm còn lại của Yamaguchi-gumi, chỉ có 20 nhóm là thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Shinobu Tsukasa.

Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thì bày tỏ hy vọng rằng, cảnh sát sẽ tận dụng cơ hội này để làm suy yếu Yamaguchi-gumi. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản cũng ban hành đạo luật lên án những doanh nghiệp bắt tay với xã hội đen. Những công ty, doanh nghiệp cố tình làm ăn với mafia sẽ bị công bố danh tính, và nếu tái phạm nhiều lần sẽ phải đối mặt với mức phạt hơn 4.000 USD, người điều hành có thể bị phạt tù 1 năm.

Trong 100 năm thành lập, Yamaguchi-gumi mới chỉ đối mặt với việc bị chia rẽ có một lần vào năm 1985 khi một nhóm lớn trong băng đảng này tìm cách tách ra, gây nên một cuộc xung đột lớn với 239 vụ đụng độ bạo lực và giết chóc. Sau trận chiến đó, các cuộc thanh trừng khác trong thế giới Yakuza vẫn liên tiếp xảy ra nhưng với quy mô nhỏ hơn, ít thương vong hơn nhưng không kém phần táo tợn và nguy hiểm. Tuy nhiên, việc lặp lại lịch sử chuyện tách khỏi băng đảng Yamaguchi-gumi không có, ngoại trừ lần này.

Người đang nắm giữ quyền lực ở Yamaguchi-gumi là Shinobu Tsukasa, “bố già” đời thứ 6 của tập đoàn này. Shinobu Tsukasa mới ra tù cách đây hơn 4 năm (tháng 4/2011), sau 6 năm ngồi tù vì tội tàng trữ vũ khí. Trong khi Shinobu Tsukasa ngồi tù, "phó tướng" Kiyoshi Takayama thay hắn cai quản Yamaguchi-gumi.

Có tin nói rằng, để chuẩn bị cho sự trở lại của ông trùm Shinobu Tsukasa, Yamaguchi-gumi đã mua hẳn một mảnh đất lớn ở Nagoya để xây cơ ngơi mới hoành tráng hơn tổng hành dinh cũ ở Kobe. Được biết, trước đây, ông trùm Shinobu Tsukasa từng bị tuyên án 13 năm tù vì tội giết một đối thủ bằng kiếm samurai năm 1970 khi cầm đầu băng Kodo-kai. Shinobu Tsukasa từng tuyên bố với tờ Sankei rằng, nếu Yamaguchi-gumi tan rã, trật tự xã hội có thể tồi tệ hơn.

Tờ Washington Post thì dẫn lời cảnh sát Nhật Bản cho hay, có ít nhất 800 công ty bình phong của Yamaguchi-gumi tại Tokyo, và nhiều gia đình của thủ lĩnh trong tập đoàn này thậm chí còn thiết lập ngân hàng riêng tại California (Mỹ). Mỹ và phương Tây đã phong tỏa tài chính của Yamaguchi-gumi từ năm 2012.

Theo Chi Anh

Công an nhân dân

Cuộc chiến giành quyền lực trong tổ chức mafia lớn nhất Nhật Bản - 2