Cuộc chiến đảng phái trên chính trường Mỹ leo thang vì Iran
Cuộc chiến đảng phái trên chính trường Mỹ leo thang căng thẳng hơn sau khi Ngoại trưởng John Kerry chỉ trích mạnh mẽ việc 47 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa gửi thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo Iran, cho rằng bức thư này đe dọa lòng tin của thế giới vào Mỹ.
Sau những mâu thuẫn không kém phần căng thẳng liên quan đến dự luật xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, hồ sơ I-ran cho thấy cuộc đối đầu giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa đã lan từ những vấn đề đối nội sang đối ngoại.
Sự việc chưa có tiền lệ
Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 11-3 (giờ Wasington), Ngoại trưởng John Kerrry cảnh báo: bức thư ngỏ mà 47 thành viên đảng Cộng hòa gửi tới các nhà lãnh đạo Iran do Thượng nghị sĩ Tom Cotton chấp bút, có nguy cơ "hủy hoại lòng tin mà các chính phủ nước ngoài gửi gắm trong hàng nghìn thỏa thuận quan trọng".
Bức thư với nội dung khẳng định rằng, Quốc hội Mỹ sẽ bác bỏ thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Iran. Bức thư nêu rõ: “Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ chỉ là một văn bản giữa cá nhân Tổng thống Obama và lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei. Tổng thống Mỹ mới có thể sẽ hủy bỏ thỏa thuận đó chỉ bằng một chữ ký và quốc hội mới có thể điều chỉnh nội dung của thỏa thuận bất kỳ lúc nào”.
Theo Ngoại trưởng Kerry, các Thượng nghị sĩ gửi bức thư trên đã "phớt lờ tiền lệ trong hơn hai thế kỷ qua về cách ứng xử trong chính sách ngoại giao của Mỹ". Ngoại trưởng Kerry cũng khẳng định việc các Thượng nghị sĩ Cộng hòa nói rằng, Quốc hội có thể sửa đổi các điều khoản của một thỏa thuận vào bất cứ thời điểm nào là "hoàn toàn sai lầm".
Trước đó một ngày, một loạt quan chức chóp bu Nhà Trắng cho rằng, việc các ông nghị đảng Cộng hòa gửi thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo Iran là “sự việc chưa có tiền lệ”. Nhà Trắng cáo buộc phe Cộng hòa trong Quốc hội vi phạm Hiến pháp, cố tình gây phương hại cho chính sách ngoại giao của Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày 11-3, hơn 155.000 người đã cùng ký vào lá đơn gửi Nhà Trắng, trong đó yêu cầu 47 Thượng nghị sĩ Cộng hòa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì hành động gửi thư cho Chính phủ Iran. Theo đơn kiến nghị, các thượng nghị sĩ nói trên đã vi phạm cách làm việc truyền thống của Quốc hội, đồng thời "phạm tội phản nghịch" khi vi phạm Luật Logan ban hành năm 1799, theo đó cấm mọi công dân không có thẩm quyền được phép thương thảo với các chính phủ nước ngoài.
Phản ứng trước sự phản đối trên từ Nhà Trắng và các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul cho rằng, những lời cáo buộc của Ngoại trưởng Kerry "sao chép lại" từ các quan chức Nhà Trắng, vốn bị chỉ trích là luôn phớt lờ những ý kiến phản đối của các nghị sĩ Quốc hội về các thỏa thuận mới. Thậm chí, Thượng nghị sĩ Jim Risch tuyên bố, việc cấm các thượng nghị sĩ liên lạc với phía Iran trong quá trình diễn ra đàm phán hạt nhân là điều "vô lý".
Không còn là chuyện lạ
Những mâu thuẫn đảng phái không còn là chuyện lạ trên chính trường Mỹ, nhất là từ sau khi phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát tại lưỡng viện Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi năm ngoái.
Hai đảng phái liên tiếp có những bất đồng về những dự luật liên quan đến vấn đề trong nước như nâng trần nợ quốc gia trước thời điểm chính phủ mất quyền vay mượn vào ngày 15-3 tới hay dự luật cấp ngân sách cho Bộ An ninh Nội địa.
Mới đây, ngày 4-3, Thượng viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm quyền lãnh đạo đã thất bại trong “cuộc so găng” với Tổng thống Obama liên quan tới dự luật xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL khi dự luật này không nhận được đa số phiếu ủng hộ áp đảo 2/3 để phủ quyết lại quyền phủ quyết mà Tổng thống Obama đã sử dụng liên quan tới dự luật này. Tuy nhiên, sau thất bại này, phe Cộng hòa vẫn tuyên bố không bỏ cuộc và sẽ tiếp tục tìm cách gắn nội dung thông qua đường ống Keystone vào các dự luật khác của Quốc hội trong năm nay.
Tuy nhiên, lần đầu tiên mâu thuẫn này được sử dụng để can thiệp vào một cuộc đàm phán của Tổng thống Mỹ với tư cách người đứng đầu một quốc gia. Có lẽ vì vậy mà ngay bản thân một số thành viên Đảng Cộng hòa, những người không ký tên vào bức thư, cũng cảm thấy điều gì đó “không ổn” của hành động này với suy nghĩ liệu đây có phải là một nỗ lực “thiếu ngay thẳng” nhằm “làm khó” Tổng thống?
Điều đáng nói rằng, bức thư gây tranh cãi trên được tung ra trong bối cảnh Mỹ đang ráo riết đẩy nhanh các cuộc đàm phán của nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) với hy vọng ký được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran trước ngày 31-3, để ba tháng còn lại sẽ đi vào thảo luận các điều khoản chi tiết của hiệp định cuối cùng.
Theo kế hoạch, ngày 15-3 tới, Ngoại trưởng John Kerry sẽ có cuộc đàm phán hạt nhân song phương với người đồng cấp Iran Javad Zarif tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ. Các cuộc đàm phán sắp tới tại đây là một phần trong tiến trình đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 nhằm thúc đẩy việc đạt được một thỏa thuận khung trước cuối tháng này.
Các nhà phân tích cho rằng, một đảng phái chính trị can thiệp trực tiếp vào các cuộc đàm phán quốc tế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới vị thế và hình ảnh của nước Mỹ, làm suy giảm lòng tin của các đối tác khi quyết định của người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới lại trở nên vô giá trị.